| Hotline: 0983.970.780

Mưa nhiều, lũ muộn, ĐBSCL trễ vụ đông xuân

Thứ Năm 27/10/2016 , 14:15 (GMT+7)

Theo khung lịch thời vụ gieo sạ vụ lúa ĐX 2016 - 2017, ĐBSCL sẽ xuống giống đợt 1 trong tháng 10/2016. Nhưng 2 tuần qua có mưa nhiều kết hợp lũ muộn nên công tác xuống giống bị trễ...

15-47-26_nh-2-kho-khn-xuong-giong-vu-lu-dx-o-dbscl
Xuống giống muộn có nguy cơ thiếu nước tưới
 

Như vậy vụ ĐX năm nay trễ lịch xuống giống hơn các năm trước từ 15 - 20 ngày. Việc xuống giống đợt 2, 3 sẽ sang tháng 1/2017, có nguy cơ thiếu nước tưới đầu vụ, hạn mặn cuối vụ.

Ông Trần Văn Khôn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ) canh tác gần 1ha lúa cho biết, gia đình đã chuẩn bị phân bón, lúa giống và vệ sinh đồng ruộng. Không ngờ gần ngày xuống giống lại mưa nhiều, triều cường ngập sâu đồng ruộng khoảng 0,5m.

“Bây giờ bà con làm ruộng tập thể, bơm nước một lượt, xuống giống đồng loạt để né rầy, tui xuống giống sớm hơn người ta cũng không được, nên đành đợi nước rút...” ông Khôn bộc bạch.

Nông dân Lê Văn Thơm ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: "Năm nay nước lũ nhỏ, theo lịch khuyến cáo gia đình xuống giống ngày 15/10. Không ngờ vài ngày sau có mưa liên tục, nước lên tui phải chạy đôn chạy đáo thuê máy bơm cứu lúa. Nhưng cũng không thể tháo hết nước trong ruộng, nhất ở nơi trũng thấp".

Theo đánh giá của ông Thơm, hiện chỉ có khoảng 45% diện tích lúa lên đều, số còn lại bị nước mưa nhấn chìm phải sạ lại. “Mới đầu vụ mà chi phí đã bỏ ra 5 - 6 triệu đồng tiền mua giống, công thuê bơm nước, thuê người sạ lại…, không biết từ đây đến cuối vụ phải còn tốn thêm khoản nào nữa không”, ông Thơm buồn rầu nói.

Tại An Giang, theo kế hoạch vụ lúa ĐX 2016 - 2017 sẽ xuống giống 183.000ha, tăng hơn 16.000ha so với vụ ĐX năm rồi. Lịch thời vụ xuống giống được chia thành 3 đợt, đợt đầu từ ngày 15 - 20/10; đợt hai từ 1 - 31/11 và đợt ba từ 1 - 25/12. Trước tình hình này An Giang tập trung xuống giống cao điểm trong tháng 11 - 12.

15-47-26_nh-1-kho-khn-xuong-giong-vu-lu-dx-o-dbscl
Thời tiết không thuận lợi nên việc xuống giống khó khăn
 

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, vùng đầu nguồn Tri Tôn, An Phú, Tân Châu… thời điểm này hàng năm xuống giống tập trung trong đợt 1, chiếm khoảng 30% diện tích toàn tỉnh. Bởi sạ sớm có thể né rầy, tránh thiếu nước đầu vụ và không bị hạn, mặn xâm nhập. Nhưng vì hiện thời tiết không thuận lợi, ngành chức năng buộc khuyến cáo nông dân chọn thời điểm an toàn xuống giống. Vụ ĐX là vụ lúa trúng nhất trong năm, cần chọn đúng thời điểm tốt xuống giống để giảm chi phí.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết, vụ ĐX 2016 - 2017 toàn tỉnh sẽ sạ 205.000ha, chia thành 3 đợt xuống giống, trong tháng 10, 11 và 12 nhưng tập trung vào tháng 11. Năm nay Đồng Tháp tăng cường mở rộng cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết nhằm giảm chi phí đến mức thấp nhất. Theo dự báo đầu vụ không lo sâu rầy, lo nhất là cuối vụ xuất hiện chuột, rầy cánh trắng tấn công và thiếu nước.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.