| Hotline: 0983.970.780

Mùa thu Nga - Cảm& luận: Thoáng chốc với doanh nhân (I)

Thứ Tư 30/09/2015 , 09:07 (GMT+7)

Tận tình, chu đáo, từ việc cắt cử lái xe, phiên dịch đến việc thu xếp nơi ăn chốn nghỉ và bố trí lịch làm việc của chúng tôi với quan chức chính quyền Khabarov, anh làm nhẹ tênh cứ như anh đang tiếp khách ở quê nhà./ Mùa thu Nga - Cảm& luận

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa

Matxcova lại đã thu rồi

(Mùa lá rụng - Olga Bergol)

Sau này, qua những câu chuyện mới thấy anh là người quyết liệt. Thoạt tiên thuê đất, sau mua đứt rồi xây chung cư 5 tầng cho thuê. Vợ anh có nói với chúng tôi mua tốn tiền hơn chứ chưa thấy lợi gì so với thuê. Nhưng thật ra mua đứt là để khẳng định mình có ý định làm ăn lâu dài ở đây.

Anh có 3 khu nhà như thế, sức chứa vài trăm hộ, gồm người Việt, người Trung Quốc, người Trung Á đến làm thuê, lập nghiệp. Tiếp đến là xây dựng các công trình của thành phố, mở xưởng sửa ô tô, kinh doanh nhà hàng…

Chỉ đến khi anh xây dựng khu liên hợp thể thao, có các phòng tập chức năng bao gồm cả sân trượt băng nghệ thuật, khách sạn 4 sao và các công trình khác trị giá vài triệu đô la thì tôi thật sự ngỡ ngàng. Công trình đã đi vào hoạt động từ năm ngoái.

Khi chúng tôi đến, công nhân đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cho mùa trượt băng mới. Hỏi lợi nhuận đầu tư, anh cười:

- Nhà hàng Nga hôm anh ăn khen ngon đấy mấy năm trước của tôi. 3 năm đầu tư, ít ngó đến, thua lỗ liểng xiểng 300.000USD. Giờ bán lại cho người Nga. Đông khách lắm.

- Thế mà bây giờ anh lại đầu tư sân băng nghệ thuật?

- Đầu tư những công trình văn hóa nghệ thuật luôn được chính phủ ưu ái. Mà để có hộ chiếu Putin cấp thì mình phải đóng góp một cái gì đó.

Anh hóm hỉnh trả lời rồi kéo tôi đi về chợ nông sản Mnogoriadop:

- Vào chợ này anh mới thấy vì sao tôi lại đang muốn đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp là thế mạnh của vùng này. Nông nghiệp đang có giá, đang được nhà nước ưu đãi về vốn, về giá khí đốt để SX trong mùa đông.

Chợ Mnogoriadop có khoảng 200 gian hàng rau củ. Tuy nhiên hơn 1 nửa số chủ hàng ở đây là người Trung Quốc, còn lại là người ở vùng Trung Á, khối SNG, và một số ít là người Nga.

Người Trung Quốc quả là thính nhạy. Trong làm ăn, họ luôn chớp lấy cơ hội và đi trước người khác. Ngay ở Khabarovsk cũng đã có nhiều người TQ đến thuê đất cùng người Nga trồng đậu tương, rau, ớt… Trang trại rộng nhất 1.000 ha, giá thuê đất trồng đậu tương 20 USD/ha/năm; trồng rau 100 USD. Năng suất đậu tương gần 3 tấn/ha. Quy mô lớn, cơ giới hóa, dĩ nhiên có lãi.

Chị Marina là một người Trung Quốc nhập cư, đã bán hàng tại chợ Mnogoriadop được gần 15 năm. Mỗi ngày chị nhập khoảng 50 tấn rau củ các loại từ Trung Quốc bán lại cho các đại lý và cả người dân mua lẻ.

Đang là cuối mùa hè, nên cũng có một số mặt hàng nông sản từ các nông trại của người dân Nga như dưa hấu, khoai tây… Tuy nhiên lượng hàng này rất nhỏ so với rau củ Trung Quốc.

Anh Tura, chủ hàng tại chợ Mnogoriadop cho biết dưa hấu Nga, do người Nga trồng giá 2 USD một quả 5 kg, trong khi dưa TQ 1,5 USD. Nông sản của Nga không nhiều, chỉ tập trung vào mùa hè. Đặc biệt mùa đông thì chủ yếu phải lấy hàng từ Trung Quốc… Dạo quanh chợ mấy vòng, anh Việt rủ mai về các nông trại.

Lên đường sớm. Trời lay phay mưa và hơi lạnh. Xe băng nhanh qua bạt ngàn rừng cây đã lốm đốm vàng da beo. Nước Nga có trữ lượng gỗ lớn nhất thế giới và Khabarovsk cũng nổi tiếng về rừng. Xe vẫn nhằm hướng Vladivostok, từ đây đến thành phố cảng còn 750km, phía sau lưng dọc theo đường xe lửa xuyên Sibêri đến Matxcova, thủ đô nước Nga là 8.000km, qua 87 thành phố.

 Thi thoảng bắt gặp những người dân Nga căng bạt bán dưa hấu dọc đường như ở Việt Nam nhưng chẳng thấy người mua, tôi lại chỉ cho Alex, chuyên viên Bộ Nông nghiệp vùng Khabarovsk đi cùng.

Alex từng đến Nha Trang, Đà Lạt. Anh người Irkusk, phía bắc Sibêri, gần hồ Baikan, tốt nghiệp đại học ngành Lâm nghiệp và về đây công tác. Anh bảo đây là quê hương thứ hai: “Dự định về đây 3 năm, thế mà đã 30 năm. Tôi giờ có hai quê. Quê hương thứ nhất chỉ còn lại những nấm mồ”. Giọng anh bùi ngùi.

Trang trại đầu tiên chúng tôi ghé là Megafirma - một trong những trang trại nuôi bò sữa của tỉnh Khabarovsk được hình thành trên cơ sở nông trang tập thể xây dựng từ năm 1964 thời XHCN nay đã tư nhân hóa. Không còn thấy bóng dáng rộn ràng, náo nhiệt của không khí nông trang tập thể thấm đẫm trên những trang văn thời văn học Xô viết. Dấu tích còn lại là nhà xưởng cũ được sửa sang làm nhà kho. Khu nuôi bò, vắt sữa, nhà điều hành đều đơn giản.

 Chúng tôi đã lần lượt thăm khu vực chứa thức ăn thô dự trữ trong mùa đông; khu nuôi tập trung; nhà máy chế biến. Trang trại có diện tích 12.000 ha, phân thành 3 khu vực, với tổng đàn bò lên tới 2.700 con. Bà Niculenco Alekxanđra nói, sữa thành phẩm của nông trại có hàm lượng chất béo thông thường từ 3,5 - 4,2%. Sản phẩm mang tên Khorxkai – là tên của địa phương và thương hiệu truyền thống này có chỉ dẫn địa lý, được quảng bá rộng rãi.

Hiện nay, mỗi lít sữa bán ra thị trường với giá 60 rup (trước đây số tiền này tương đương 1,6 USD nay chưa đến 1 USD. Đồng rup đang mất giá từng ngày). Trong đó nhà nước trợ giá 10 rup/mỗi lít sữa. Bà Niculenco hy vọng, trong thời gian tới, với những ưu đãi của chính phủ, bà có thể mở rộng quy mô của trang trại để cung ứng sữa và các sản phẩm từ sữa ít nhất đủ cho thành phố Khabarovk.

Dù có nể phục và ngưỡng mộ nữ giám đốc tự tin và lái xe điêu luyện, tôi cũng phải nói thật rằng đàn bò của trang trại nhập từ Austrailia, được gắn chip; điều hành bằng computer nhập từ Đức, Hà Lan, thì trang trại này còn lâu mới bằng Vinamilk và TH Milk của Việt Nam kể cả quy mô và tầm cỡ hiện đại.

 Ấn tượng với tôi có lẽ là cách phân chia lợi ích bảo đảm cho người nuôi bò chứ không dồn hết cho nhà máy chế biến. Cụ thể giá thành chăn nuôi 20 rup/lít sữa (khoảng 7.000VNĐ) giao nhà máy giá 40 rup, chế biến xong bán 60 rup. Như vậy người chăn nuôi có lời hơn người chế biến.

Tôi chợt so sánh với những người nuôi bò sữa ở quê nhà. Họ được bao nhiêu phần trăm trong cuộc “chia bánh” lợi ích? Hay họ biết rằng phần thua thiệt bao giờ cũng ở phía mình...

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Bình luận mới nhất