| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Thứ Tư 08/05/2024 , 08:19 (GMT+7)

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa được thực hiện tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa được thực hiện tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Đầu vụ hè thu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi và HTX nông nghiệp Đức Chánh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) triển khai thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đây là mô hình được triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam để các địa phương tham quan, học tập khi tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên”.

Dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 23 - 24/5 tới đây với quy mô khoảng 200 đại biểu và nông dân của 5 tỉnh tham dự gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai.

Tại mô hình, vừa qua các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh. Qua quá trình thực hiện đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với cách thức canh tác truyền thống ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Đăng Đỏ, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đức Chánh, từ trước đến nay, bà con nông dân trong xã vẫn thường gieo sạ bằng hình thức sạ lan. Do đó, mật độ hạt giống ở từng khu vực thường không đều nhau và mất khá nhiều thời gian. Trên cùng diện tích nói trên, thông thường phải cần đến 3 nhân công trong vòng 3 giờ mới hoàn thành gieo sạ thì sạ bằng máy sạ cụm chỉ mất chưa đầy 1 giờ.

Hình thức sạ cụm giúp giảm lượng giống, nhân công, phân bón, thuốc BVTV, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa. Ảnh: L.K.

Hình thức sạ cụm giúp giảm lượng giống, nhân công, phân bón, thuốc BVTV, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa. Ảnh: L.K.

“Ngoài ra, sạ cụm sẽ tạo ra khoảng cách đều giữa các hàng. Khi cây lúa đứng cái thì ánh sáng sẽ chiếu xuống được từng gốc lúa. Còn khi sạ lan, những khu vực quá dày sẽ bị khuất bóng, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển, đặc biệt là rầy, gây tốn kém chi phí sử dụng thuốc BVTV cũng như giảm năng suất, chất lượng lúa sau khi thu hoạch”, ông Đỏ chia sẻ.

Tại Quảng Ngãi, kỹ thuật sạ cụm vẫn còn khá mới. Trong khi đó, tại những vùng sản xuất lúa lớn của nước ta như Đồng bằng sông Cửu Long, hình thức này đã được sử dụng khá phổ biến và đã giúp chủ ruộng tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào. Ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó Văn phòng Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đánh giá, tính trung bình, so với sạ lan thì sạ cụm giảm được từ 60 - 70% lượng giống, tiết kiệm 20 - 30% phân bón và giảm 1 - 2 lần phun thuốc BVTV.

“Vừa giảm được các yếu tố trên nhưng đồng thời với đó là năng suất, chất lượng lúa cũng tăng lên. Lúa sạ thưa thì bông to, dài, hạt lúa chắc mẩy, sáng. Giảm sử dụng thuốc BVTV thì chắc chắn hạt lúa giảm được nguy cơ tồn dư thuốc BVTV, qua đó giúp nâng cao chất lượng lúa. Vậy nên, sạ cụm là tiến bộ kỹ thuật kép, vừa nâng cao năng suất sinh học, vừa nâng cao năng suất lao động”, ông Đây nói.

Mặc dù vậy, theo ông Đây, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để phát huy được hiệu quả từ phương pháp sạ cụm. Bởi tại địa phương, đồng ruộng vẫn còn rất manh mún, mỗi lô thửa bình quân chỉ khoảng 1.000m2. Trong khi để áp dụng sạ cụm tốt, diện tích lô thửa ít nhất phải đạt từ 0,5ha trở lên. Do đó, việc thực hiện mô hình nhằm mục đích giúp bà con nhận thấy được lợi ích của phương pháp này, tạo áp lực để nhanh chóng đẩy mạnh cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.