Vườn dưa lưới mát lạnh giữa "chảo lửa"
Chúng tôi đến trụ sở Công ty TNHH Thương mại Trang trại Việt (gọi tắt Trang trại Việt) tại xã Xuân Trường thông qua giới thiệu của Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vào một ngày cuối tháng 4 oi bức. Thời điểm này, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức khoảng 37 - 39 độ C, nắng nóng rát mặt, cháy da. Ấy thế mà bước vào vườn dưa lưới của Trang trại Việt, chúng tôi không khỏi bị… sốc nhiệt bởi trong vườn mát lạnh.
Dưa lưới ở đây được trồng trong nhà màng giúp cây trồng luôn sinh trưởng tốt, mặc cho thời tiết bên ngoài có nắng nóng hay mưa dài ngày. Hơn nữa, trồng trọt trong nhà màng giúp cách ly cây trồng với các loại côn trùng, sâu gây hại.
Tiếp chuyện, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Trang trại Việt cho biết, chính ông và nhân viên tự thiết kế, xây dựng nhà màng áp suất âm từ năm 2017 và đạt chứng nhận GlobalGAP cho dưa lưới và các loại rau. Dưa lưới của trang trại luôn được đảm bảo các điều kiện tốt nhất để phát triển, không bị tác động nhiều dưới bất cứ điều kiện thời tiết nào.
Đến nay, Trang trại Việt sở hữu 36 nhà màng ứng dụng công nghệ cao. Tất cả đất được xử lý nhiệt để triệt tiêu mầm bệnh, cây trồng được trồng với phân bón hữu cơ do chính Công ty sản xuất, hệ thống nhà màng áp suất âm thông minh có thể điều chỉnh được nhiệt độ, áp suất và tốc độ gió.
Trước khi xuống giống bất kỳ loại cây trồng nào, Trang trại Việt sẽ đóng kín nhà màng để nhiệt độ trong nhà màng tăng cao và diệt được tất cả côn trùng, sâu bệnh có hại. Hệ thống nhà màng cũng được thiết kế để làm mát, tự động điều tiết tiểu khí hậu bên trong. Nhiệt độ được điều chỉnh luôn ở mức 20 - 30 độ C. Vì vậy, trang trại này có thể trồng được cây ôn đới từ dâu tây, măng tây, dưa lưới, ớt chuông và nhiều loại rau ăn lá ôn đới khác…
“Nhờ hệ thống nhà màng tiên tiến, xử lý và kiểm soát được sâu bệnh nên quy trình trồng rau, dưa lưới của trang trại không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay bất cứ loại thuốc gì. Rau, dưa lưới được phát triển tự nhiên, thu hoạch khi đủ tuổi, không sử dụng thuốc kích thích”, ông Tính chia sẻ.
Tự nhận mình có sở thích về công nghệ, ông Tính cho biết bản thân mình không bê nguyên công nghệ từ nước ngoài về sử dụng mà bản thân và ông các cộng sự đã có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng.
“Chúng tôi tự thiết kế robot lập trình tự động trong tưới nước, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài. Công ty cũng ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng. Điều này giúp chúng tôi có chi phí sản xuất rẻ nhất từ việc tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên xanh, sạch...”, Giám đốc Trang trại Việt cho hay.
Hiện Trang trại Việt cũng đang trồng dưa lưới theo quy trình sản xuất chuẩn hữu cơ. Ông Tính cho rằng, muốn làm được nông sản hữu cơ thì phải đạt những điều kiện khắt khe như đất, nước, phân bón, môi trường... đều phải sạch. Đất ở vùng xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) chưa đạt chuẩn nên ông Tính phải tự làm đất sạch bằng cách đưa cát chưa từng được canh tác nông nghiệp từ tỉnh Bình Thuận về trộn với phân hữu cơ.
“Tôi cũng cho khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm dưới sâu và xử lý để đạt độ an toàn. Tôi từng phải gỡ bỏ 4 nhà lưới vì con nhện trắng chỉ nhỏ như đầu kim, con bướm đẻ trứng... đều có thể lọt qua lớp lưới và hình thành ổ sâu hại bên trong nhà lưới. Muốn sản xuất sạch, nông dân buộc phải đầu tư nhà màng", ông nói.
Hiện dưa lưới của trang trại đang cung cấp cho một chuỗi siêu thị ở miền Bắc với sản lượng 2 tấn/ngày. Các sản phẩm rau, quả sạch đều được đưa về cửa hàng của Công ty tại TP.HCM để bán và khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... muốn đặt hàng xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản có sẵn trong chăn nuôi gà và trồng dưa lưới, Trang Trại Việt tiến hành đầu tư nghiên cứu sản xuất rượu dưa lưới, gà xông khói và các sản phẩm sấy lạnh khác.
Trang trại hiện đại "không đụng hàng"
Huyện Xuân Lộc hiện có tổng đàn vật nuôi khoảng trên 400.000 con lợn, trên 6 triệu con gà, có khối lượng chất thải lớn. Nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, thời gian qua huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư, thu hút những doanh nghiệp công nghệ cao vào chăn nuôi để song hành giữa phát triển chăn nuôi với đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, những tồn tại từ chăn nuôi nông hộ, chất thải chăn nuôi vẫn làm đau đầu các nhà quản lý của huyện trong thời gian dài.
"Biến nguy thành cơ", Trang trại Việt đã liên kết xử lý chất thải từ phân gà và chất thải hữu cơ từ chăn nuôi gà cho 185 trại gà trên địa bàn. Công suất sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ cao của Trang trại Việt đạt 200 tấn/ngày.
Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Trang trại Việt, sau 14 năm đầu tư vào nông nghiệp, quá trình “giải mã” lâu nhất của Công ty chính là với con gà. Theo đó, xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém. Tuy nhiên nhờ bỏ công nghiên cứu, Công ty đã có thể kiếm được tiền thay vì phải mất chi phí xử lý nguồn chất thải này.
Trang trại Việt đã xây dựng được một quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Trong đó, chất thải chăn nuôi được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho trang trại công nghệ cao trồng rau quả sạch trong nhà màng.
Cầm một nắm phân bón, chúng tôi rất bất ngờ vì phân thải ra được làm khô nhưng không có mùi hôi, nguồn dinh dưỡng vẫn được bảo toàn cho cây trồng ở mức cao nhất. Hỏi về bí quyết, ông Tính chỉ cười và tự hào vì đây là sự cải tiến kĩ thuật của ông so với các công nghệ ngoại nhập.
“Chúng tôi cung cấp thiết bị chăn nuôi gà, gà giống và quy trình chăn nuôi cho các doanh nghiệp, cung cấp phân bón hữu cơ công nghệ cao và quy trình trồng trọt hữu cơ theo tiêu chuẩn VietFarm cho các hợp tác xã và trang trại trồng trọt”, ông Tính khoe.
Ông Đoàn Văn Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc đánh giá cao về giải pháp biến chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho trồng trọt của Trang trại Việt. Cách làm mới này không chỉ sáng tạo trong việc tiết kiệm tài nguyên, tận dụng được chất thải, phụ phẩm nông nghiệp mà còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường.
“Đây được xem là giải pháp tuần hoàn. Sản phẩm phân bón hữu cơ không những thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu trong sản xuất cây trồng mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng chất thải chăn nuôi ùn ứ tại các trang trại. Chất thải chăn nuôi đã trở thành sản phẩm hữu ích cho sản xuất nông nghiệp”, ông Thiện đánh giá.
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần tham quan và đánh giá cao sự sáng tạo trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của Trang trại Việt.
Theo ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Đồng Nai, Trang trại Việt đã có nhiều cải tiến trong sản xuất, vừa giúp chi phí đầu tư rẻ, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. “Điều đáng biểu dương hơn là doanh nghiệp này đã đầu tư trang trại công nghệ cao trồng rau, trái sạch, góp phần phát triển nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông An nhận xét.
Đồng Nai đang nỗ lực kêu gọi đầu tư cơ giới hóa vào nông nghiệp và tăng liên kết sản xuất. Đây là cơ hội và tiền đề để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, sản phẩm có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ chạy theo số lượng, được mùa là mất giá. Trong bối cảnh vấn đề đảm bảo môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đang được ngành nông nghiệp đặt trọng tâm giải quyết thì các mô hình sản xuất tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao sẽ được ưu tiên, khuyến khích phát triển.
“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trang trại Việt có chương trình hợp tác với nông dân ở nhiều địa phương để trồng trái cây sạch. Chúng tôi cũng sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật, cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, Giám đốc Trang trại Việt thông tin.