| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân đầu tiên

Thứ Năm 01/02/2024 , 15:19 (GMT+7)

Mùa xuân, như đã hẹn với thời gian, lại đang nhẹ bước quay về... Như một vòng quay vĩnh cửu, đến rồi đi, không biết có ai chờ ai nhớ.

Sắc xuân.

Sắc xuân.

Xuân cứ trẻ trung như thế, cứ từng trải như thế. Chỉ có con người, “mỗi tuổi đuổi xuân đi”...

Trong một đời người ta nhớ được bao nhiêu mùa xuân?

Mùa xuân đầu tiên tôi có mặt trên đời, năm ấy Hà Nội rét đậm. Tháng Chạp mưa phùn gió bấc, những con phố ẩm ướt những cây bàng như muốn mọc rêu trên cành khẳng khiu trong chiều đông xám ngoét. Bỗng một sáng kia chồi nhu nhú lên báo hiệu hơi ấm mùa xuân đã về. Rồi chỉ tuần sau lộc non xanh mướt, những cây bàng lột bỏ vẻ già nua hom hem, như chàng trai dậy thì còn vụng về nhưng tràn đầy sức sống.

Mỗi sáng đưa tôi đến nhà trẻ ở phố Phan Chu Trinh má không còn phải cuốn chặt tôi trong tấm chăn dày luôn âm ẩm hơi mưa nữa, tôi đã có thể khua bàn tay xinh xinh trong gió, đôi mắt tròn xoe nhìn đường phố ngỡ ngàng... Xuân ấy, gia đình tôi vui hơn vì sự có mặt của cô con gái út là tôi. Xuân ấy, sau bốn năm tập kết ra Bắc lần đầu trong nhà có một cành đào Tết... Ba má tôi đành phải quen cảnh “ngày Bắc đêm Nam” vì đường về quê đã trở nên xa thăm thẳm...

“Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam...”. Lời hứa “hai năm trở về” mãi nghẹn ngào day dứt...

Mùa xuân 1973. Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc. Sau nhiều năm sơ tán liên miên xuân năm ấy tôi được về Hà Nội.

Hà Nội vừa trải qua mười hai ngày đêm kinh hoàng tan nát vì bom Mỹ, tôi trở về nhà nhưng không phải nhà của mình. Những ngày máy bay B52 ném bom như “rải thảm” má tôi vẫn làm việc ở Hà Nội. Sau mỗi đêm rền tiếng bom sáng sớm bà lại từ cơ quan chạy về khu tập thể xem cửa nẻo đồ đạc nhà mình, nhà hàng xóm... rồi lại tất tả đi làm. Sáng bữa đó khi bà về đến đầu ngõ thì đội tự vệ ngăn lại: “khu tập thể của cô bị sập hết nhà rồi, may không chết ai, nhưng mảnh bom nhiều lắm... chúng cháu đang dọn, trưa cô hãy về nhé”. Má tôi đạp xe đi còn nghe các anh chị nói với theo “đồ đạc hư hỏng chúng cháu cũng dọn lại gọn gàng rồi cô ạ”.

Thế là xuân ấy gia đình tôi ở nhờ trong một căn phòng nhỏ ở một khu tập thể khác của cơ quan ba tôi. Căn phòng trong một dãy nhà cấp 4 được ngăn bằng tấm cót mỏng bị mọt ăn thủng lỗ chỗ, bên kia là nơi ở của một nghệ nhân chuyên làm đạo cụ sân khấu, ngổn ngang vật liệu giấy bìa, keo dán lẫn đồ giả kẹo bánh, trái cây trông y như thật. Đêm giao thừa mấy người đàn ông Nam bộ vẫn thói quen ngồi xếp bằng trên manh chiếu trải dưới đất, cùng nhau uống ly rượu, ăn khoanh bánh tét mà năm nào má tôi cũng gói... lại tràn trề hy vọng. Mười chín năm rồi, bao giờ trở lại Sài Gòn?

“Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ...”. Gần hai mươi năm không nguôi niềm hy vọng...

Mùa xuân 1975. Từ trước Tết nhiều cơ quan đơn vị ở Hà Nội đã ở trong tư thế sẵn sàng lên đường về Nam. Không khí Tết năm ấy có gì chuyển động âm thầm mà mạnh mẽ. Ai cũng linh cảm cũng chờ đợi điều gì đó rất lớn lao...

Tháng Ba rồi tháng Tư, tình hình chuyển biến quá nhanh, ba má tôi được lệnh lên đường gấp. Rồi trưa ngày 30 tháng 4 cả nước vỡ òa niềm vui hòa bình, mọi người trong khu tập thể ào vào nhà tôi chia vui, từ nay tôi sẽ được về quê, điều mà suốt tuổi ấu thơ tôi luôn mơ ước. Hà Nội hôm ấy người đổ ra đường đông vui hơn Tết, mọi người luôn miệng chào nhau “hòa bình rồi”, “thống nhất rồi”...

Ngày đầu tháng Năm 1975, không biết vì sao ngoại tôi nghe tin má tôi đã về nhưng còn đang bị “cấm trại”, bà lọ mọ từ Cao Lãnh lên Sài Gòn đi tìm đứa con gái đã xa cách 21 năm. Tìm được đến cơ quan má tôi, ngoại năn nỉ: mấy ông cho tui nhìn con tui chút thôi, hơn hai mươi năm rồi tui không biết nó sống chết ra sao... Và những ngày đó nước mắt của bà ngoại, của má, của dì của cậu lại rơi khi gặp lại, như bao lần tuôn rơi trong những năm dài xa cách bặt tin.

“Xa bao nhiêu năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”... Mùa Xuân thống nhất đầu tiên tràn ngập nụ cười và nước mắt. Khắp mọi miền gia đình nào cũng mong ngày đoàn tụ chờ người sum họp, “Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người...” là đạo lý của dân tộc, là phương thức hữu hiệu nhất để hàn gắn những vết thương chiến tranh.

Những mùa xuân tiếp theo trôi qua rất nhanh, tưởng như ngày hòa bình mới chỉ hôm qua. Thời hậu chiến của cả nước bắt đầu từ những khốn khó vì cơ chế, vì “đóng cửa” với bên ngoài và cả vì trong nước còn chưa “mở lòng” với nhau… Thời gian nối tiếp thời gian, mỗi mùa xuân về đất trời lại tươi mới. "Xin yêu thương đến vơi hận thù" của mùa xuân đầu tiên cũng là ước nguyện muôn đời trên một đất nước mà lịch sử phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh và vừa vượt qua gần trăm năm tàn khốc.

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…”. Trong cuộc đời mỗi người chúng ta còn nhớ được mấy mùa xuân…

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm