Năm 2013 vừa qua Lâm Đồng đã SX được 500 tấn cá nước lạnh; trước đó năm 2009 mới đạt 240 tấn.
Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Lâm Đồng đã được xác định trong cơ cấu kinh tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Sau Sa Pa (Lào Cai), huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng là địa phương thứ hai trong cả nước được Bộ NN-PTNT thử nghiệm nuôi giống cá nước lạnh.
Cá tầm bố mẹ tại trang trại cá nước lạnh Giang Ly (Klong Klanh, Đạ Chair, Lạc Dương, Lâm Đồng)
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, đến tháng 4/2014, diện tích nuôi cá nước lạnh của huyện là 11,5 ha, đạt 100% kế hoạch. Từ thành công của mô hình cá nước lạnh Lạc Dương, diện tích mặt nước nuôi trồng loại thủy sản này đã được mở rộng đến Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà... với diện tích trên 20 ha.
Sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng chỉ mới đạt 500 tấn (năm 2013) nên mục tiêu 3.000 tấn đặt ra cho năm 2020 là con số hoàn toàn không dễ dàng.
Vậy, liệu Lâm Đồng có thể đạt được? Câu trả lời của lãnh đạo ngành NN-PTNT Lâm Đồng là hoàn toàn có thể! Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 3.000 ha mặt nước hội đủ điều kiện để nuôi cá nước ngọt, trong đó có trên 200 ha nuôi cá nước lạnh.
Con số hiện nay chỉ trên 20 ha được đưa vào nuôi cá nước lạnh là quá nhỏ so với diện tích hội đủ điều kiện của tỉnh.
Viện Nghiên cứu NTTS III vừa thành lập Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên đóng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015 chủ động SX được 30% lượng trứng cá hồi, năm 2020 tự SX 45% lượng cá giống nước lạnh... với khoảng 2,3 triệu con cung cấp chủ yếu cho tỉnh Lâm Đồng. |
Trong vài năm gần đây, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng và Tây Nguyên đã được triển khai thực hiện bởi một số cơ quan chức năng.
Cụ thể là đề tài “Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng tới năm 2020”, “Xây dựng quy trình kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân tại Lâm Đồng”, “Nghiên cứu tìm hiểu tác nhân gây bệnh ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn trên cá hồi và cá tầm ở Lâm Đồng”, “Nghiên cứu công nghệ, hệ thống thiết bị đồng bộ nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao”, “Nghiên cứu phát triển nuôi cá tầm Nga và cá tầm Siberi tại các tỉnh vùng Tây Nguyên”...
Theo lộ trình, Lâm Đồng đến năm 2015 tới sẽ có 30 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh hồi vân cùng 40 - 50 ha mặt nước nuôi cá tầm với khoảng 200 lồng nhằm đạt sản lượng 600 tấn cá hồi và 900 tấn cá tầm. Có nghĩa, trong hai năm 2014 và 2015, sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng sẽ tăng lên 1.500 tấn để đến năm 2020, con số này sẽ là 3.000 tấn (gồm 1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm).
Hiện nghề nuôi cá nước lạnh đang thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thống kê được cả tỉnh có đến hơn 40 dự án đăng ký đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh của địa phương không chỉ được “đo đếm” bằng số lượng dự án và vốn đầu tư mà vấn đề quan trọng hơn là việc chủ động nguồn giống, thị trường để chủ động đầu ra.
Thạc sỹ Nguyễn Viết Thùy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Việc tạo được 200 con giống bố mẹ để SX 20.000 con cá bột và 14.000 con cá giống của Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (Viện III) trong thời gian gần đây là một thành công ngoài mong đợi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đề tài sinh sản giống cá nước lạnh để đến một lúc nào đó, chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn giống”.