| Hotline: 0983.970.780

Muỗi "hoành hành" khu dân cư ven sông Nhuệ

Thứ Ba 02/02/2010 , 12:07 (GMT+7)

Gần hai tuần nay, người dân ven bờ sông Nhuệ khu vực qua Hà Nội khốn khổ vì bị nạn muỗi hoành hành.

Mấy ngày nay, sông Nhuệ có nước nhiều hơn nên người dân hy vọng sẽ bớt muỗi

Gần hai tuần nay, người dân ven bờ sông Nhuệ khu vực qua Hà Nội khốn khổ vì bị nạn muỗi hoành hành.

“Đã ở gần sông hơn 30 năm nay, nhưng chưa khi nào chúng tôi thấy có nhiều muỗi như thế này,” ông Thủy nhà ở Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội nói.
 

Tết mất "ngon"  vì... muỗi


Theo ông Thủy, thời gian gần đây, mấy khu tập thể gần sông Nhuệ bắt đầu xuất hiện nhiều muỗi. Cứ tưởng muỗi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng càng ngày lượng muỗi kéo tới càng nhiều, nhất là ở những nhà sát mép sông.

Điều đặc biệt là, lũ muỗi xuất hiện lần này khá… khỏe. Người dân đã mua nhiều hương muỗi để thắp, song không thể giết chết hoặc chí ít là làm say muỗi. Nhiều nhà đã lựa chọn giải pháp đóng kín cửa, sau đó dùng thuốc xịt muỗi khắp phòng. Tuy nhiên, khi mùi thuốc chưa kịp bay hết thì muỗi đã lại vào từ các khe cửa.

Ông Thủy cho biết, nhiều nhà dân đã mua đèn bắt muỗi, vợt muỗi bằng điện để diệt muỗi nhưng cũng không xuể. Họ cũng đi mua những loại màn tuyn có lỗ bé hơn để chống muỗi nhỏ chui vào màn.

Muỗi nhiều, có nhà phải "sơ tán" trẻ nhỏ đi ở chỗ khác để tránh hoặc để cho chơi trong màn với sự giám sát của người lớn. "Tết nhất đến nơi rồi, nhỡ mắc phải dịch sốt xuất huyết thì khổ,” ông Thủy chép miệng.

Anh Cường, một người dân ở thôn Cự Khê, xã Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) cũng cho hay, ở khu vực anh sinh sống xuất hiện nhiều muỗi. Có người dân còn nghĩ ra “chiêu thức" dùng mật ong quét lên tờ giấy, để xuống sàn “dụ” muỗi đến. Cách này tỏ ra khá hiệu nghiệm khi muỗi bay đến đậu đầy vào tờ giấy, sau đó người ta dùng vợt muỗi để giết hoặc làm cách này để “nhử” muỗi ra xa khu vực giường ngủ. Có người thì đốt quả bồ kết để xua muỗi... nhưng cũng chả thấm vào đâu.

Theo anh Cường, chưa có ai ở đây bị muỗi đốt gây sốt xuất huyết phải đi viện, song trước nguy cơ này, cuộc sống của người dân ở ngôi làng cổ dọc sông Nhuệ có thể sẽ ăn Tết không ngon.

Do sông Nhuệ quá bẩn?

Ông Thủy và rất nhiều người dân bên mép sông từ Hà Đông đến khu vực Thanh Trì cho hay, hiện tượng muỗi nhiều như vậy là do sông Nhuệ quá bẩn. Theo họ, trước khi có cơn mưa “giải khát” cho miền Bắc, nước sông Nhuệ đen sì, bốc mùi hôi thối khó chịu, lòng sông hầu như không xuất hiện dòng chảy, cạn trơ đáy.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho rằng do sông Nhuệ bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, nên những ngày gần đây xuất hiện nhiều muỗi dọc bên bờ sông.

Thêm vào đó, rất nhiều những ngôi nhà “chổng hậu” ra sông, hoặc nhiều lùm cây là nơi tạo điều kiện cho muỗi “sống khỏe.”

Vài ngày gần đây, nước sông Hồng lên, người ta đã tháo nước vào sông Nhuệ khiến sông không còn cạn. Nước sông hiện cũng được pha loãng và bớt mùi. Theo người dân, lượng muỗi cũng có phần giảm đi đôi chút.

Một cán bộ của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương cho hay, để diệt muỗi hiệu quả thì tốt nhất là phun  thuốc vào nơi nghi ngờ có ổ bọ gậy… Tuy nhiên, việc này rất cần sự chung sức từ cộng đồng.

Còn người dân thì vẫn mòn mỏi trông vào sự can thiệp của các cơ quan chức năng có những liệu pháp diệt trừ muỗi, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.