| Hotline: 0983.970.780

Mười năm đổi lấy một nghề

Thứ Sáu 25/10/2013 , 10:35 (GMT+7)

Chỉ trong một tích tắc không kiềm chế được sự tức giận, anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1966) ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân, Bình Định) đã đâm chết người láng giềng. Những năm tháng trong trại cải tạo, với sự hối hận, anh Thắng đã quyết tâm học lấy 1 nghề.

Chỉ trong một tích tắc không kiềm chế được sự tức giận, anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1966) ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân, Bình Định) đã đâm chết người láng giềng. Những năm tháng trong trại cải tạo, với sự hối hận, anh Thắng đã quyết tâm học lấy 1 nghề.  

>> Người tù tri ân từng hạt cát
>> Họ từng tù tội

MỘT BƯỚC SA CHÂN

Chuyện xảy ra cách nay đã hàng chục năm nhưng dường như vẫn còn rất mới mẻ trong ký ức của anh Thắng. Khi kể lại bi kịch của cuộc đời mình, gương mặt anh Thắng vẫn còn thảng thốt.

Cưới vợ xong, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Thắng định cư luôn nhà phía vợ. Trong tay không nghề nghiệp, sau khi cưới vợ lại đẻ một lèo 2 đứa con, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Bí quá, nhà lại ở gần cánh rừng Nghĩa Điền thuộc xã Ân Nghĩa nên anh Thắng theo anh em trong địa phương làm nghề “phá sơn lâm”.

Anh Thắng kể: “Năm 22 tuổi, tui bắt đầu vào nghề thợ rừng. Mỗi sáng, trời còn mờ đất tui đã thức dậy lên rừng. Hồi đó tui chuyên dùng cưa đốn cây, sau đó dùng rìu đẽo thành súc.

Trên mỗi súc gỗ đẽo 1 cái chốt ngay đầu súc, rồi dùng dây rừng kéo gỗ xuống núi, đoạn nào bằng phẳng thì cho lên vai vác. Ngày nào sớm lắm cũng phải đến 9 giờ đêm mới về đến nhà. Ngủ chưa no mắt đã phải thức dậy, lại lên rừng.

Hồi đó, sức trai trẻ, làm không biết mệt. Khi ấy cây gỗ còn nhiều, làm thợ rừng thu nhập gấp 3 ngày công bên ngoài nên ham lắm, 1 tháng 30 ngày làm không nghỉ ngày nào. Hôm nào kiểm lâm làm gắt quá thì ở nhà kiếm chuyện khác đi làm mướn”.

Từng ngày, cuộc sống của gia đình anh Thắng trôi đi bình yên. Không giàu có nhưng làm đủ nuôi vợ nuôi con, anh Thắng đã hài lòng lắm. Thế nhưng cuộc sống yên bình này không kéo dài. Chiều rằm tháng 3 âm lịch năm 1998, bi kịch xảy ra.

Hôm ấy, sau 1 ngày bốc đá thuê cho thợ hồ xây móng nhà, chủ nhà mở cuộc rượu chiều đãi thợ. Làm vài chén với bạn bè, anh Thắng về nhà để sáng mai đi rừng sớm. Về đến nhà, sực nhớ phải trả chiếc rìu cho bạn cùng nghề, anh Thắng vác rìu đi trả, tiện đường ghé nhà ba vợ chơi. 7 giờ tối hôm đó, 3 thanh niên ở sát nhà ba vợ anh Thắng bỗng dưng kéo đến gây sự.

Trước đó, 3 thanh niên này cũng đã thường gây gổ và đánh đập anh Thắng nhiều lần, bởi bất đồng trong chuyện làm ăn. Do ở phía vợ nên anh Thắng luôn nhịn. Hôm ấy cũng vậy, sợ phiền lòng nhà vợ nên anh Thắng lại nhịn, bỏ đi về nhà.

Về đến nhà thì sực nhớ lúc nãy đi vội quá bỏ quên chiếc áo ở nhà ba vợ, anh Thắng trở sang lấy áo. “Hồi đó quần áo không có mặc, nên phải qua lấy để mai có áo mặc lên rừng”, anh Thắng nói.

Khi sang lại nhà ba vợ thì 3 thanh niên khi nãy lại tiếp tục sang nhà gây sự và ập vào đánh anh Thắng. Khi ấy nhà ba vợ anh Thắng đang thu hoạch mì (sắn), thuê công đến xắt mì ngồi khắp sân.

Anh Thắng cầm 1 chiếc dao xắt mì, hăm: “Tụi bay mà đánh tao nữa tao đâm chết ráng chịu”. Ba thanh niên kia không dừng lại, tiếp tục “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, anh Thắng đâm thẳng 1 dao vào bụng người đứng gần nhất. Nhát dao sâu, người bị đâm chết trong lúc đi cấp cứu tại bệnh viện.

Sau khi gây án, anh Thắng sợ quá, bỏ nhà trốn đi ngay sau đó. Anh Thắng lên Tây Nguyên, tiếp tục làm nghề đi rừng vừa kiếm sống, vừa ẩn náu trốn tội. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, anh Thắng bị ngành chức năng bắt tại Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi di lí về Bình Định. Sau khi ra tòa nhận bản án 20 năm tù giam, anh Thắng được đưa đi cải tạo tại trại giam Xuân Phước (Phú Yên), năm đó anh Thắng 31 tuổi.

HỌC NGHỀ TRONG TRẠI

Những năm tháng trong trại giam, anh Thắng vừa hối hận chuyện mình đã gây ra, vừa thương vợ con ở nhà côi cút, đói khổ. Anh Thắng nghĩ, 20 năm không phải thời gian ngắn, nhưng nếu mình cải tạo tốt ắt sẽ được Nhà nước ân xá, giảm án.



Anh Thắng làm lại cuộc đời và giúp đỡ nhiều người xung quanh

Được vậy thì ngày anh trở về đoàn tụ gia đình vẫn còn cơ hội làm ăn, bù cho vợ con những ngày cơ cực. Nghĩ là làm, anh Thắng luôn chấp hành kỷ luật của trại giam, cải tạo thật tốt.

Nhờ có kinh nghiệm trong nghề đi rừng nên trong những ngày đầu ở trại, anh Thắng tham gia vào công việc đẽo cây làm gỗ xây dựng nhà nội bộ. Nhận ra anh Thắng có bàn tay khéo léo, Ban giám thị trại giam chuyển anh sang trại mộc. Ở đây, anh Thắng được những người thợ điêu khắc truyền nghề chạm khắc các món đồ gỗ mỹ nghệ.

Nhờ sáng dạ, anh Thắng tiếp thu rất nhanh, chỉ 2 năm sau là trở thành thợ chuyên nghiệp của trại mộc. Lúc ấy, anh Thắng không thể ngờ chính cái nghề học được trong trại cải tạo này sẽ giúp anh làm lại cuộc đời sau khi được về nhà.

Nhờ cải tạo tốt, ngày 2/9 năm 2010, anh Thắng được Nhà nước ân xá. Về nhà, anh Thắng quyết định bỏ nghề đi rừng, bởi sợ trở lại nghề “lâm tặc” sẽ lại vi phạm pháp luật.

Nhưng mở cuộc làm ăn thì không có vốn. Để “chữa cháy”, anh Thắng đi chặt keo mướn cho những hộ trồng rừng trong địa phương kiếm tiền mua gạo. Sau khi mượn được của anh em 3 chỉ vàng, anh Thắng sắm ngay giàn máy tiện đồ gỗ mỹ nghệ khoảng hơn 10 triệu đồng.

“Hồi đó không có vốn mua cây về làm, tui chỉ làm gia công. Cây gỗ họ mang đến, tui chỉ làm ăn công nhưng cũng kiếm được hơn 200 ngàn mỗi ngày. Đồ tui làm được khách hàng ưa chuộng, đồn đại tới tai nhiều người, càng ngày tui càng có nhiều hàng để làm.

Lúc đó thì vợ tui không phải đi làm mướn nữa, ở nhà phụ tui chà giấy nhám. Làm ăn khấm khá, tui sắm thêm đồ nghề cho xưởng mộc, giờ thì có đủ cả máy tiện, máy phun PU, máy hốt tai lục bình…”, anh Thắng tâm sự.

Tích lũy được vốn, ngoài làm gia công cho các bạn hàng, hiện nay anh Thắng còn chủ động mua cây gỗ về tổ chức sản xuất đồ mỹ nghệ, bán sỉ cho những chủ hàng lớn ở miền Nam. Và, không chỉ tiện lục bình hoặc làm những món đồ mỹ nghệ, anh Thắng còn được nhiều nhà thầu xây dựng đặt làm cầu thang gỗ và đồ trang trí nội thất.

Chỉ tay vào cặp lục bình thành phẩm to đùng sắp được bán, anh Thắng khoe: “Cặp lục bình này làm bằng lõi cây sơn, đường kính 40cm, cao 1,4m đã có người mua giá 12 triệu đồng”.

Công việc của anh Thắng bây giờ kể như “dày như mạ”, vậy nhưng anh Thắng còn ham công tiếc việc, "lấn sân” sang lĩnh vực chăn nuôi.

Chị Lê Thị Luận, vợ anh Thắng, tâm sự: “Làm ăn dư dả, vợ chồng tui xây chuồng nuôi heo. Không có thời gian nên chỉ chuyên nuôi heo sinh sản cho đỡ công chăm sóc. Mỗi năm 14 lứa heo con, kiếm thêm được vài ba chục triệu đồng. Tính cả thu nhập từ xưởng tiện và chăn nuôi, mỗi tháng vợ chồng tui có dư khoảng 25 triệu đồng. Chỉ có 2 vợ chồng nên tụi tui quần quật cả ngày lẫn đêm mới hết việc”.

Nghe vợ nói đến đó, bỗng dưng anh Thắng bật khóc nức nở. Vừa khóc, anh Thắng vừa trút lòng: “Chính thằng con trai duy nhất của tui đã mất mạng sống để tui được ra khỏi trại cải tạo”. Sâu thẳm trong lòng anh Thắng còn đang chôn chặt nỗi đau khác, nỗi đau mà có lẽ sẽ ám ảnh mãi cuộc đời anh.

Năm 2009, để có số tiền 21 triệu bồi thường cho bên bị hại, tạo điều kiện hoàn tất bản án để anh Thắng được hưởng ân xá, con trai anh Thắng phải lên Tây Nguyên làm nghề phụ hồ khi mới chỉ 18 tuổi. Nhận được đợt lương đầu tiên được 5 triệu, con trai anh Thắng mang tiền về quê đưa cho mẹ lo chuyện, trên đường về xe khách bị tai nạn.

Đứa con trai duy nhất của anh Thắng vĩnh viễn không được tận hưởng niềm vui đoàn tụ của gia đình. Ba ở tù, anh trai mất, đứa con gái của anh Thắng cũng bỏ học đi làm mướn. “Tui được ân xá về nhà đúng ngày giỗ đầu của nó, tui đã khóc hết nước mắt”, anh Thắng nức nở.

“Sau khi về nhà, bà con láng giềng không những đã không xa lánh, còn thường xuyên đến nhà thăm, động viên nên tui mới có động lực làm lại cuộc đời để có ngày hôm nay”, anh Thắng nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm