| Hotline: 0983.970.780

Muốn giữ rừng phải… giữ được người

Thứ Tư 11/01/2023 , 11:17 (GMT+7)

Những cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng vốn đã thiệt thòi thì nay lại càng khó khăn hơn khi nhiều chế độ của họ bỗng nhiên bị cắt.

z3976548161449_142fa04e5f779f3d3a3c02ce212a4cfa

Cán bộ Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng luôn duy trì lực lượng tuần rừng 24/24. Ảnh: Nguyễn Thành.

Kiểm lâm nhưng lại không phải… kiểm lâm

Bài liên quan

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có diện tích tự nhiên 15.593 ha, toàn bộ là rừng đặc dụng nằm trên địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hoà Bình.

Nơi đây mang trên mình những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... và là nơi lưu giữ, bảo tồn các mẫu, nguồn gen có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.

Ông Ngọc Lê Huy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn, cho biết, hiện đơn vị có 20 cán bộ đang công tác. Tuy nhiên, theo Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững thì Ban cần có 53 biên chế để đáp ứng nhu cầu công việc.

Tuy nhiên, với số lượng ít ỏi, anh em phải gánh khối lượng công việc rất lớn, có người phải kham gần 3000ha rừng, trong khi theo quy định mỗi cán bộ chỉ phải quản lý 500ha.

Do tính chất công việc phải bảo vệ “rừng vàng”, các cán bộ kiểm lâm nơi đây vô hình trung đã trở thành cái gai trong mắt của nhiều đối tượng xấu. Kể về những lần bị kẻ gian chọc phá, các cán bộ Ban quản lý đều ngán ngẩm thở dài, nhiều khi đi tuần xong, lúc ra đến cửa rừng để quay lại trạm nhưng xe không nổ được máy, kiểm tra thì bình dầu đã bị đổ đầy cát, có xe thì bị dao băm nát bấy cả lốp, phải bỏ xe lại hoặc nhờ người kéo về. “Lương thấp, lại phải mất thêm nhiều chi phi tu sửa chữa phương tiện đi lại, nhiều khi anh em còn chẳng đủ tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày”, ông Huy chia sẻ.

Để vào được vùng lõi, các cán bộ phụ trách địa bàn phải mất 2-3 ngày leo bộ không ngừng nghỉ. Hành trang là vài cái lương khô, bánh mỳ, nước lọc và bộ đồ nghề phục vụ công tác giữ rừng.

Ở nơi rừng thiêng nước độc luôn tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy như rắn rết, các loại côn trùng độc hại khác. Chưa kể phải di chuyển qua những vách núi cheo leo hay vực sâu hun hút, trượt chân là mất mạng như chơi. Thành ra, “bài học” đi rừng được cán bộ trong Ban truyền đạt cho nhau, thuộc vanh vách như đọc bảng cửu chương.

Là người có thâm niên trong ngành kiểm lâm, ông Huy cũng đã “thấm” hết những nhọc nhằn của nghề này. “Nhà nước giao cho chúng tôi làm chủ rừng và nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích rừng đã giao. Vậy chúng tôi cũng phải được xem là lực lượng chuyên trách. Cùng chức năng, nhiệm vụ đầy hiểm nguy, vất vả, nhưng lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý như đứng “ngoài rìa” các chế độ đãi ngộ cho công việc có tính đặc thù riêng biệt này”, ông Huy buồn bã nói. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, thời gian trước, mọi người ở Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là kiểm lâm viên, nhưng đến năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chuyển chức danh nghề nghiệp của các cán bộ đang công tác tại đơn vị thành Quản lý bảo vệ rừng viên theo Quyết định số 181 của Sở Nội vụ.

Bài liên quan

Cụ thể, căn cứ theo Thông tư số 18/2020 TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 của Bộ NN-PTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng; Căn cứ theo Quyết định số 03/2020 QĐ-UBND ngày 3/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy định quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và người quản lý doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, 20 cán bộ thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng mang trọng trách như kiểm lâm nhưng lại không phải là kiểm lâm viên.

Hiện tại, ngoài được cấp trang phục ngành do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quy định thì từ giám đốc đến nhân viên không còn được hưởng bất cứ chế độ hay quyền hạn như một kiểm lâm viên. Vì lực lượng Quản lý bảo vệ rừng viên còn mới nên chưa có những quy định chi tiết, cụ thể về chế độ đãi ngộ.

Khi Quyết định số 181 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, lương của các cán bộ trong Ban bị giảm đáng kể. Cụ thể, giám đốc, phó giám đốc và các anh em công tác lâu năm bị giảm từ 4-6 triệu tiền lương/tháng. Những cán bộ trẻ cũng giảm mất 2-3 triệu. Tiền lương giảm, quyền hạn không còn như trước, nhiệm vụ, trách nhiệm thì vẫn nặng nề khiến nhiều người nản lòng. “Ngoài lương sự nghiệp được hưởng theo hệ số nhà nước ban hành chung ra, các cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở ban không hề có được một khoản thu nhập mang tính đãi ngộ nào khác. Không có ưu đãi nghề, không có chế độ thâm niên. Thử hỏi, như vậy làm sao yên tâm công tác, làm sao giữ được cán bộ?”, ông Huy nhấn mạnh.

"Trung bình mỗi tháng, anh em trong đơn vị phải có ít nhất 20 ngày ăn ở trong rừng. Vì nhiệm vụ tuần rừng là phải thường xuyên, liên tục. Trung bình mỗi ngày phải đi cả chục cây số đường rừng. Làm không sót ngày nào dù có là cuối tuần, ngủ đêm trong rừng cũng như cơm bữa. Thế nhưng, chế độ của chúng tôi 'mạt' lắm", vị giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn trăn trở. 

Mong một cái Tết ấm

Do tính chất công việc, các cán bộ tại Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đều duy trì lực lượng trực 24/24. Vào dịp lễ tết, những anh em nhà xa sẽ được ưu tiên nghỉ dài ngày. Anh Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Ban nói vui rằng, làm lãnh đạo nhưng anh thường xuyên phải nịnh nhân viên đi làm, “chúng nó mà nghỉ thì lấy đâu ra người bảo vệ rừng, công việc nhiều áp lực nhưng không đảm bảo được cuộc sống nên từ năm 2020 đến nay, đã có 4 cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc. Quân số ít, nếu mà nghỉ thêm thì làm sao giữ được rừng”.

z3981155495083_4fee87b0564361dde8cadf2e9363e602

Đường lầy lội bùn đất khiến cho việc tuần rừng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Cường Vũ.

Được biết, ngoài mức lương còm cõi 3-4 triệu/tháng, các cán bộ nơi đây có thêm 400.000đ tiền phụ cấp, nhưng chừng đó chẳng đáng là bao so với mức chi tiêu hiện nay. Anh Thanh cho biết thêm, cả cơ quan có 20 người thì 14 người thường xuyên phải vay thấu chi, hiểu nôm na đây là loại hình vay ngân hàng cho những ai có nhu cầu chi tiêu gấp nhưng không cần số tiền quá lớn.

Cứ như vậy, sau một năm miệt mài làm việc, ngoảnh đầu nhìn lại thì tết đã cận kề, anh Nguyễn Thanh Phương, trạm trưởng trạm Hòa Bình rút tay từ túi quần đã bạc màu ra chút tiền lẻ, vừa khoe tôi anh vừa chậc lưỡi, “Tết nay cũng giống tết xưa, chẳng để ra được đồng nào”.

“Người có điều kiện thì mong Tết chứ với chúng tôi thì ngày Tết càng gần thì lòng lại càng lo âu. Với những người đi làm xa nhà, Tết đến xuân về thì họ thường mang tiền hoặc mua quần áo, quà cáp cho gia đình, người thân, còn chúng tôi cùng lắm thì có hộp bánh chứ chẳng tươm tất là bao”.

Nhớ gia đình, nhớ vợ con, anh Phương ngậm ngùi, đưa đôi mắt, anh nhìn về những cánh rừng xanh bạt ngàn phía xa. Có lẽ, niềm an ủi duy nhất đối anh cũng như các cán bộ nơi đây là sự an toàn của gần 16.000 ha rừng đặc dụng này.

Sâu thẳm trong ánh mắt mỗi một người cận vệ rừng là sự mong mỏi, mong lương tăng, mong có thêm phụ cấp, thêm chế độ đãi ngộ để trước mắt là đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác, cống hiến với nghề, chứ chưa dám nghĩ đến việc có một khoản tiết kiệm nho nhỏ gửi về cho gia đình. Như vậy, các anh sẽ được tiếp thêm sức mạnh để theo đuổi đam mê, để những bước chân không còn dang dở…

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là đơn vị sự nghiệp công, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ đất rừng đều được quy hoạch là rừng đặc dụng, nên không thể sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Thời gian tới, Ban cần nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các cấp để thông qua các chương trình, dự án cấp vốn đầu tư cho các nhiệm vụ, đề tài khoa học để phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, phê duyệt đề án du lịch sinh thái để thực hiện hoặc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, giúp các cán bộ kiểm lâm có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống. 

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm