| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh trên những miền rừng

Thứ Bảy 10/12/2022 , 10:30 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Nghề khai thác gỗ keo thuê tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo. Nhưng đằng sau công việc đó là biết bao nhọc nhằn, hiểm nguy, có cả mồ hôi và máu...

Nhọc nhằn mưu sinh 

Mưa lất phất bay dưới nền trời u ám. Khu rừng Hố Ông Chò (thuộc xã Phổ Cường, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thấp thoáng bóng người. Họ trùm tấm ni lông mỏng làm việc trong màn mưa lạnh. Tôi cuốc bộ vượt đồi dốc, băng qua những vạt rừng tiến về phía nhóm người cặm cụi đằng xa. Lá khô mục ẩm ướt lạo xạo dưới chân. Những con đường xe tải chở gỗ hằn sâu vết bánh, bùn đất nhão nhoẹt trườn lên dốc núi cao, nằm cạnh vực sâu.

Lán trại những người khai thác gỗ keo thuê dựng tạm bợ làm nơi trú ngụ

Lán trại những người khai thác gỗ keo thuê dựng tạm bợ làm nơi trú ngụ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tài xế điều khiển xe phải lắm gan lì mới dám vượt qua những cung đường hiểm nguy như thế. "Tài xế tay lái giỏi và phải có "thần kinh thép" mới dám vào rừng chở gỗ keo chứ người thường chẳng dám chạy đâu. Đường trơn trượt cộng với xe chở nặng nguy hiểm lắm", ông Trần Sơn, chủ rừng cho biết.

Tôi bắt chuyện với nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê đến từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Họ vượt khoảng 70 cây số bằng xe máy đến đây mưu sinh bằng nghề cưa hạ, cắt khúc và lột vỏ keo thuê. Hai người đàn ông khỏe mạnh ôm cưa máy đẵn cây và cắt thành khúc dài tầm 3m. Tiếng cưa máy chói tai tựa lời gào thét của sơn thần dọa nạt những kẻ cả gan khuấy động giấc ngủ của vị chúa tể chốn sơn lâm.

Cây bị đốn hạ ngã đổ ầm ào đội vào vách núi. Những người còn lại gom cây thành đống rồi cặm cụi lột vỏ. Công việc kéo dài từ sáng sớm tinh mơ đến tận trưa. Họ trở về lán trại lúi húi nấu nướng và ăn vội bữa trưa khá đạm bạc, nghỉ ngơi giây lát rồi lại tiếp tục ra rừng làm việc.

Chiều muộn, mọi người cùng nhau gắng sức khiêng, vác gỗ chất lên xe tải chở đến bán cho những nhà máy dăm gỗ. Xong xuôi, họ cùng nhau ra khe suối tắm rửa rồi vác thùng nhựa chứa nước nặng trĩu vai trở về lán trại nấu ăn khi ngày dần chuyển sang đêm. "Gày gáy là chúng tôi đã dậy nấu rồi ra rừng làm sớm. Trưa tối cũng tự kiếm củi nấu ăn và tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai còn làm tiếp", anh Phạm Văn Lít, một người trong nhóm cho biết.

Dù đã rất cẩn thận, nhưng những lao động thu hoạch keo luôn gặp những nguy hiểm do tai nạn lao động.

Dù đã rất cẩn thận, nhưng những lao động thu hoạch keo luôn gặp những nguy hiểm do tai nạn lao động. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nhóm của anh Lít một nửa là phụ nữ với dáng người mảnh mai nhưng họ vẫn cặm cụi làm việc như nam giới. Họ khiêng những khúc cây to lớn chất thành đống rồi lột lớp vỏ ngoài để lộ thân gỗ trắng tinh. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo giữa trời rét lạnh. Họ luôn tay làm việc và chuyện trò bằng tiếng Hrê tựa giọng chim hót líu lo giữa rừng. Chốc lát, rộ lên tràng cười vui vẻ làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn. Thỉnh thoảng, họ ngoái nhìn về hướng lán trại phủ bạt xanh đậm màu cách đấy chừng vài trăm mét.

"Làm nghề keo mệt lắm nhưng ở nhà thì không có tiền. Vậy nên cả vợ chồng cùng đi. Nhiều gia đình có con lớn nghỉ học rồi cũng theo cha mẹ đi làm luôn. Gặp rừng keo tốt thì mỗi ngày kiếm được hơn 200 nghìn đồng. Nếu rừng keo xấu, không có tấn thì ít hơn", một phụ nữ cho biết.

Hiểm nguy chực chờ 

Hơn một năm trước, anh Lít phải nằm dưỡng thương nhiều ngày sau khi bị tai nạn trong lúc mưu sinh tại khu rừng thuộc địa bàn Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Hôm ấy, anh ôm máy cưa đẵn cây như thường ngày. Tiếng máy nổ giòn hơn pháo Tết, lưỡi cưa cắm sâu vào gốc cây khiến cành lá rung rinh. Chợt một cơn gió mạnh tràn qua khu rừng như sắp bão. Một cành cây khô lớn hơn cổ tay gãy và rơi thẳng đứng, đập vào đầu anh như búa bổ.

Đầu óc anh quay cuồng, cảnh vật nhòe đi trước mắt. Anh bỏ máy và gắng gượng chừng mươi bước chân thì quỵ ngã. Một người đàn ông khỏe mạnh trong nhóm xốc anh lên lưng rồi cõng chạy đến nơi để xe máy. Vợ anh cùng mọi người đưa đến bệnh viện để chữa trị với vết thương khá nặng vùng đầu.

Hiem nguy 3

Đằng sau những con số ấn tượng của ngành gỗ là những nhọc nhằn thầm lặng của những lao động chân tay. Ảnh: Thanh Kỳ.

Sau một tuần điều trị, anh xuất viện về nhà nằm dưỡng thương hơn cả tháng mới có thể quay vào rừng tiếp tục công việc. "Dù chúng tôi luôn để ý tránh những rủi ro nhưng làm nghề keo hay bị cây đập vào người lắm. Nhẹ thì bị thương trầy sướt da hay phải may vài mũi. Nặng thì phải vào nằm viện nhiều ngày, thậm chí tử vong. Cách đây 3 năm có người đàn ông đang ngồi lột vỏ keo thì bị cây ngã đập chết tại chỗ. Đó là chưa kể khi làm việc trong rừng bị rắn độc cắn...", anh Lít tâm sự.

Anh Phạm Văn Héo không thể nhớ nổi mình đã bị thương bao nhiêu lần sau hơn 8 năm khai thác gỗ keo thuê. Vô số cây keo trồng cạnh nhau với cành lá sum sê như tấm lưới ẩn chứa hiểm họa chực chờ ập xuống những phận đời bé nhỏ.

Ngày nọ, anh lui cui cưa gốc keo khá lớn. Keo ngã, phần ngọn nặng trĩu đập mạnh vào cây bên cạnh. Nhánh cây này không chịu nổi nên bật gãy và đập ngược vào đầu khiến anh ngất xỉu. Mọi người xúm lại băng bó vết thương nhưng máu chảy không ngừng. Thế là họ liền cõng anh về lán trại rồi dùng xe máy vượt chặng đường khá xa đến bệnh viện.

Lần khác, anh bị một nhánh cây lớn chừng bằng bắp tay đập vào đầu khi vừa cưa xong gốc cây khá lớn. Máu chảy dầm dề, băng bó nhiều lớp vẫn thấm ướt. Những người trong nhóm vội chuyển anh đến bệnh viện nằm điều trị gần cả tháng trời. "Cưa gỗ keo thì ai cũng phải chú ý để khỏi bị thương nhưng khó lắm.

Rừng cây với nhiều nhánh lớn đan vào nhau nên khi ngã thường lôi kéo, dễ xảy ra tai nạn. Đó là chưa kể đôi lúc xui rủi lưỡi cưa trượt vào chân. Nhiều lúc cây ngã vào chỗ người đang lột vỏ. Làm rừng nguy hiểm lắm nhưng nếu không làm thì đâu biết tìm việc gì khác để kiếm ra tiền...", anh Héo tâm sự.

"Neo" đời vào rừng 

31 tuổi đời với hơn 13 năm khai thác gỗ keo thuê, anh Phạm Văn Thủy rong ruổi qua những nẻo đường rừng hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Khi làm thuê cách nhà trên dưới hai mươi cây số, vợ chồng anh chị thường đi về trong ngày. 2 con nhỏ gửi cho người chị gái đón đưa đến trường thay cha mẹ bận việc mưu sinh.

Hiem nguy 5

Với nhiều người dân ở Bình Định, thu hoạch keo thuê đã trở thành "nghề". Ảnh: Thanh Kỳ,

Tầm 2 giờ đêm, vợ chồng anh thức dậy nấu nướng rồi ăn vội bữa sáng trước khi rời nhà. Trưa, hai vợ chồng mở gói cơm mang theo ăn qua bữa rồi tiếp tục làm việc với bao nỗi nhọc nhằn. Sau khi chất gỗ lên xe vào chiều muộn, anh chị vượt đường rừng trở về bên hai con trong đêm tối mịt mùng. Những khi làm xa, việc đón đưa, chăm sóc con cái đành phó thác cho người chị gái ở quê.

Nhiều đêm trăn trở giữa rừng sâu, vợ anh nhớ thương con đến cháy lòng nhưng vẫn mím môi chịu đựng để khỏi bật ra tiếng khóc. Vào dịp hè, vợ chồng anh cùng những người làm chung đưa con vào rừng cho vơi nỗi nhớ thương khi xa cách. Cha mẹ cần mẫn cưa hạ, lột vỏ keo ngoài rừng thì chúng tụm lại bên lán trại chơi đùa, nói cười líu lo như chim non đón mừng nắng mới.

"Mỗi ngày vợ chồng em kiếm được 400 - 500 nghìn đồng, chưa kể xăng xe đi lại. Làm nghề khai thác keo khổ cực và nguy hiểm lắm! Nhưng nếu không thì chẳng có nghề nghiệp gì làm để kiếm sống. Mỗi năm em ở nhà có vài chục ngày thôi. Những bữa đó có ai kêu đi phụ hồ hay làm thuê là mừng lắm", anh Thủy tâm sự.

"Ở quê em lao động thì nhiều nhưng ít công việc làm thuê, vì vậy tụi em phải đi làm keo. Đến mùa thì lên Tây Nguyên hái cà phê. Nhà em có 3 sào ruộng lúa, chỉ đủ ăn nên phải làm thuê để kiếm tiền lo cho con cái ăn học", anh Phạm Văn Láy góp chuyện.

Hiem nguy 4

Những lao động thu hoạch keo thường phải ở lại trong rừng nhiều ngày liền, với điều kiện sống hết sức thiếu thốn, chật vật. Ảnh: Thanh Kỳ.

Chỉ 1 sào ruộng sản xuất bấp bênh nên hơn 8 năm qua, vợ chồng anh Héo rong ruổi khắp các miền rừng khai thác gỗ kéo thuê. Khoản tiền kiếm được từ sự cơ cực giúp gia đình anh chị vượt qua những tháng ngày khốn khó, nuôi 2 con ăn học. Khi thời tiết chuyển mùa, mưa không ngớt khiến đường trơn trượt nên xe tải không thể vào rừng. Việc khai thác phải tạm dừng chờ ngày nắng ráo. Vợ chồng anh nhận phát dọn chồi thuê dưới tán rừng keo âm u đầy muỗi vắt.

Nhọc nhằn bao nỗi khiến anh già hơn so với tuổi 45 của mình. Rồi, con gái lớn lập gia đình cũng theo cha mẹ vào rừng khai thác gỗ keo thuê. "Ở quê tôi cha mẹ lẫn con cái vào rừng khai thác gỗ keo nhiều lắm. Bởi vì lớn rồi mà không có việc làm thì phải đi làm keo thôi", anh Láy tâm sự. (Còn nữa)

Tôi đã đi qua những chặng đường rừng quá đỗi gập ghềnh, trơn trượt bên vách núi cheo leo. Nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ so với bao chặng đường mà những người khai thác gỗ keo đã qua. Và, chặng đường mưu sinh của họ cũng lắm nỗi hiểm nguy lẫn nhọc nhằn giữa cuộc đời gian khó.

 

   

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm