Có thể đánh, nhưng…chưa biết lúc nào
Với câu hỏi này, giới chuyên gia phân tích quốc tế về cơ bản đều cho rằng, Mỹ chưa sẵn sàng để gắn tuyên bố với hành động. Điều này không chỉ bởi chuyện “doạ rồi lại thôi” xảy ra khá nhiều lần trước đây, mà bởi còn bởi tình hình thực tế buộc Mỹ phải cân nhắc nếu muốn sử dụng tới hành động quân sự, biện pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể thành mối đe doạ với Mỹ trong tương lai xa? |
Nguyên nhân được chỉ ra khá nhiều, từ việc Mỹ không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng phóng các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng, trong khi thủ đô Seoul của Hàn Quốc lại nằm trong tầm đạn pháo miền bắc, tới sự phản đối của Nga và Trung tại Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh là đồng minh quốc tế duy nhất của Bình Nhưỡng, và bất chấp những tuyên bố cứng rắn cùng lá phiếu thuận cho lệnh trừng phạt do Mỹ đệ trình Liên Hợp Quốc được thông qua mới đây, vẫn có những nghi ngờ về sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Mỹ khó lòng có thể giải quyết được chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nếu không có sự hợp tác thực sự từ phía Trung Quốc. Giải pháp quân sự có thể khiến con số thương vong ở bán đảo Triều Tiên lên tới hàng chục nghìn người, trong lúc Mỹ chưa thực sự huy động được sự ủng hộ cần thiết từ cộng đồng quốc tế cho hành động này.
Một dấu hiệu cho thấy Mỹ chưa tính tới giải pháp quân sự với Triều Tiên ở ngay phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ông Mattis đã trả lời “Có” cho câu hỏi có hay không lựa chọn quân sự với Triều Tiên, nhưng đồng thời cho biết, chưa thể “đi sâu vào chi tiết”, và rồi sau đó thừa nhận rằng, Mỹ không mong muốn phải tiến tới sử dụng vũ lực gây thương vong.
Phép tính của Trung Quốc
Hôm qua, Trung Quốc và Nga đồng thời lên tiếng kêu gọi giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, các bên cần tiến hành đàm phán hoà bình, và đây là bước cần thiết để thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) về Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì khẳng định, lập trường của Nga “trùng khớp” với Trung Quốc.
Theo SCMP, trong trường hợp không hướng tới lật đổ chế độ của Triều Tiên mà chỉ ngăn chặn nguy cơ chương trình hạt nhân, Mỹ có thể trông đợi vào “yếu tố Trung Quốc”, cho dù Bắc Kinh đang là đồng minh của Bình Nhưỡng. Báo này đưa ra 3 lý do khiến Trung Quốc sẽ không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ phải tính tới nguy cơ chạy đua vũ khí trong khu vực. Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải tăng cường năng lực vũ trang, và điều này thực tế đang diễn ra, nếu Triều Tiên thực sự nắm giữ vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc đã chính thức tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân vào các năm 1970, nhưng giới chuyên gia quân sự thì tin rằng, nước này vẫn đủ khả năng về thiết bị và kỹ thuật để phát triển. Thực tế ở Hàn Quốc, hiện đã có những ý kiến kêu gọi tái phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở bán đảo.
Hai là Trung Quốc là thành viên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ký bởi Nhật Bản, Mỹ và 185 quốc gia khác. Việc Trung Quốc thừa nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân khó lòng được các nước như Pakistan, Ấn Độ hay Israel chấp nhận. “Các nước này sẽ đặt câu hỏi, vì sao Triều Tiên lại có thể là ngoại lệ?”-chuyên gia quân sự Yue Gang, đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu nói. Và cuối cùng, theo SCMP, Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ngày càng trở nên khó đoán. Việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân dẫn tới khả năng phóng xạ có thể rò rỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Bên cạnh đấy là viễn cảnh Triều Tiên có thể trở ngược, thành mối đe doạ với Trung Quốc. Nếu quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên căng thẳng, không ai có thể đảm bảo ông Kim Jong-un có sử dụng vũ khí hạt nhân với Trung Quốc hay không.
“Cách hiệu quả có lẽ là Mỹ nên nhắc Trung Quốc rằng tên lửa của Triều Tiên có thể bay theo nhiều hướng”-chuyên gia quốc tế Robet Manning thuộc trung tâm Atlantic Council bình luận.