| Hotline: 0983.970.780

Mỹ, Hàn khác biệt quan điểm về xả nước thải nhiễm xạ của Nhật

Chủ Nhật 18/04/2021 , 16:19 (GMT+7)

Trong khi Hàn Quốc bày tỏ quan ngại với kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima gây ô nhiễm thì Mỹ lại tin tưởng vào tính minh bạch của Nhật Bản.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay đã nêu ra những quan ngại xung quanh quyết định xả nguồn nước thải nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản ra biển với đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry. Tuy nhiên cựu Ngoại trưởng Mỹ lại tái khẳng định, Washington tin tưởng vào tính minh bạch của kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã được xử lý đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Ảnh chụp từ flycam cho thấy các bể chứa nước đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị thảm họa sóng thần ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, ngày 13 tháng 2 năm 2021. Ảnh: Kyodo 

Ảnh chụp từ flycam cho thấy các bể chứa nước đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị thảm họa sóng thần ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, ngày 13 tháng 2 năm 2021. Ảnh: Kyodo 

Trước đó, ông John Kerry đã đến Seoul vào thứ Bảy để thảo luận về các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu gây ấm lên toàn cầu trong chuyến công du Đông Bắc Á. Trước đó, ông Kerry đã có chặng dừng chân ở Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu vào ngày 22-23 tháng 4 tới.

Tại cuộc gặp gỡ ở thủ đô Seoul hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của ông Kerry để phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, với khối lượng hơn 1 triệu tấn sắp tới.

"Mỹ tin tưởng rằng chính phủ Nhật Bản đang tham vấn rất đầy đủ với Cơ quan Năng lượng quốc tế nguyên tử (IAEA). IAEA đã thiết lập một quy trình rất nghiêm ngặt và tôi biết rằng Nhật Bản đã cân nhắc tất cả các lựa chọn cũng như ảnh hưởng và họ đã rất minh bạch về quyết định này", ông Kerry nói về việc xử lý nguồn nước sẽ được thải từ nhà máy bị tàn phá bởi một trận động đất và sóng thần vào tháng 3 năm 2011 tại phía đông của Nhật Bản.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Washington sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Nhật Bản "giống như mọi quốc gia, để đảm bảo rằng không có mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nào".

Ngay sau khi Tokyo công bố kế hoạch, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cực lực phản đối quyết định này, thậm chí Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để bày tỏ quan điểm, trong khi Tổng thống Moon Jae-in thì yêu cầu giới chức đệ đơn lên tòa án quốc tế.

Các nhà bảo vệ môi trường Hàn Quốc phản đối kế hoạch xả nước thải bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc hôm 14/4 - Ảnh: AFP

Các nhà bảo vệ môi trường Hàn Quốc phản đối kế hoạch xả nước thải bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc hôm 14/4 - Ảnh: AFP

Vào ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc họp với Hàn Quốc và quan điểm của Bắc Kinh là chia sẻ với lập trường cứng rắn của Seoul, đồng thời Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo “hành động của Nhật Bản có thể đe dọa an ninh lương thực” cả khu vực.

Trong các cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mạnh mẽ chỉ trích Tokyo "vô trách nhiệm" và tuyên bố Bắc Kinh sẽ "hành động" nếu Nhật tiếp tục kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ.

Reuters

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.