| Hotline: 0983.970.780

Mỹ: Ngành đánh bắt cá hồi gặp họa vì các dòng sông ấm dần

Thứ Năm 29/07/2021 , 07:18 (GMT+7)

Những ngư dân kiếm sống nhờ cá hồi trưởng thành đang như ngồi trên lửa khi những đợt nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài ở miền Tây Hoa Kỳ.

Một con cá hồi Chinook chết do nước ấm bất thường được giữ lại tại một bẫy cá hồi ở hạ lưu sông Klamath, Weitchpec, California (Mỹ). Ảnh: AP.

Một con cá hồi Chinook chết do nước ấm bất thường được giữ lại tại một bẫy cá hồi ở hạ lưu sông Klamath, Weitchpec, California (Mỹ). Ảnh: AP.

Hàng trăm nghìn con cá hồi con đang chết trên sông Klamath ở Bắc California do mực nước thấp. Hạn hán còn tạo điều kiện cho một loại ký sinh trùng phát triển mạnh tàn phá đàn cá ở đây. Chưa hết, các quan chức về động vật hoang dã cho biết sông Sacramento đang phải đối mặt với tình trạng “gần như mất hoàn toàn” cá hồi Chinook con do nước ấm bất thường.

Cá hồi non một năm tuổi chết có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến tổng số cá và rút ngắn hoặc ngừng mùa đánh bắt. Đây đang là mối quan tâm ngày càng tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục làm cho miền Tây nước Mỹ trở nên nóng và khô hơn. Ngành công nghiệp đánh bắt cá hồi thương mại, chỉ riêng ở California đã trị giá 1,4 tỷ USD, đứng trước tương lai u ám.

Mike Hudson, người đã dành 25 năm qua làm nghề đánh bắt và bán cá hồi tại các chợ nông sản ở Berkeley, cho biết, sản lượng khai thác giảm mạnh khiến giá bán lẻ cá hồi tăng vọt, làm 'tổn thương' khách hàng. "Họ nói không còn đủ khả năng mua 1 kg cá với giá 77 USD", Hudson nói với AP.

Hudson cho biết đã cân nhắc việc nghỉ hưu và bán chiếc thuyền dài 12 mét của mình vì “mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn từ đây”.

Cá hồi Chinook mùa đông được sinh ra ở sông Sacramento, bơi hàng trăm dặm tới Thái Bình Dương, sinh sống khoảng ba năm trước khi quay trở lại nơi sinh để giao phối và đẻ trứng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Không như cá hồi Chinook mùa thu sống sót gần như hoàn toàn nhờ phối giống nhân tạo, cá hồi Chinook mùa đông chủ yếu sống trong môi trường tự nhiên.

Hồi tháng 5, các quan chức thủy sản liên bang dự đoán khoảng 80% cá hồi con có thể chết vì nước sông Sacramento ấm hơn. Giờ đây, họ nói rằng con số đó có thể cao hơn do hồ nước mát Shasta đang cạn kiệt nhanh chóng. Các nhà quản lý cấp nước liên bang cho biết trong tuần này, hồ chứa lớn nhất của California chỉ được lấp đầy khoảng 35% dung tích.

John McManus, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cá hồi Golden State, đại diện cho ngành công nghiệp đánh bắt cá, cho biết: “Nỗi đau sẽ được cảm nhận chỉ trong vài năm nữa, khi không còn cá hồi sinh sản tự nhiên ngoài đại dương".

Khi hồ Shasta được hình thành vào những năm 1940, nó đã chặn lối vào các dòng suối mát trên núi, nơi cá thường sinh sản. Để đảm bảo sự sống sót của chúng, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải duy trì nhiệt độ sông dưới 13 độ C trong môi trường sinh sản vì trứng cá hồi nói chung không thể chịu được nhiệt độ ấm hơn.

Nước ấm cũng bắt đầu ảnh hưởng đến cá lớn tuổi. Các nhà khoa học đã chứng kiến ​​một số con cá trưởng thành chết trước khi chúng có thể đẻ trứng.

Jordan Traverso, phát ngôn viên của Cục Cá và Động vật Hoang dã California cho biết: “Một loạt các hiện tượng khí hậu cực đoan đang đẩy chúng ta vào tình trạng khủng hoảng này".

Miền Tây nước Mỹ đang phải vật lộn với một đợt hạn hán lịch sử và những đợt nắng nóng gần đây trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, gây căng thẳng cho các tuyến đường thủy và các hồ chứa nuôi sống hàng triệu người và động vật hoang dã.

Kết quả là, chính quyền phải vận chuyển hàng triệu con cá hồi được nuôi tại các trại giống ra biển mỗi năm, bỏ qua hành trình hạ nguồn đầy nguy hiểm. Các trại sản xuất giống của tiểu bang và liên bang cũng phải thực hiện các biện pháp đặc biệt khác để bảo tồn nguồn cá hồi đang suy tàn.

Ngư dân và các nhóm môi trường đổ lỗi cho các cơ quan cấp nước vì chuyển quá nhiều nước quá sớm đến các trang trại, điều này có thể dẫn đến cá hồi chết hàng loạt và đẩy loài này đến gần nguy cơ tuyệt chủng.

Sam Mace, Giám đốc của tổ chức bảo vệ cá hồi Save Our Wild Salmon cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm cho tình trạng này trở nên phổ biến hơn và các cơ quan cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Trên sông Klamath gần dòng tiểu bang Oregon, các quan chức động vật hoang dã California quyết định không thả hơn 1 triệu con cá hồi Chinook non vào tự nhiên và thay vào đó đưa chúng đến các trại giống có thể nuôi dưỡng chúng cho đến khi tình trạng sông được cải thiện.

Tại Idaho, các quan chức nhận thấy cá hồi mắt đen có nguy cơ tuyệt chủng sẽ không thực hiện cuộc di cư ngược dòng của chúng qua hàng trăm dặm nước ấm đến môi trường sinh sản của chúng, vì vậy họ cần làm ngập sông Snake với nước mát, sau đó đánh bẫy và chở cá đến các trại giống.

Và các nhà bảo vệ môi trường đã kiện ra tòa vào tháng này ở Portland, Oregon, để cố gắng buộc các nhà điều hành đập trên sông Snake và Columbia xả thêm nước tại các đập ngăn cá hồi di cư, cho rằng tác động của biến đổi khí hậu và đợt nắng nóng gần đây đang đe dọa nhiều hơn đến cá hồi, đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng.

Mực nước thấp cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động câu cá giải trí. Các quan chức ở Wyoming, Colorado, Montana và California đang yêu cầu chỉ câu cá vào những thời điểm mát mẻ nhất trong ngày để giảm thiểu tác động đến những con cá bị căng thẳng do lượng oxy thấp trong nước ấm.

Các nhà khoa học cho biết quần thể cá hồi ở California trong lịch sử tăng dần trở lại sau một đợt hạn hán vì chúng đã tiến hóa để chịu đựng khí hậu giống Địa Trung Hải và được hưởng lợi từ những năm mưa ẩm ướt. Nhưng hạn hán kéo dài có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài cá hồi.

Andrew Rypel, một nhà sinh thái học cá tại Đại học California, Davis, cho biết: “Chúng ta đang ở thời điểm mà tôi không chắc hạn hán là thuật ngữ thích hợp để mô tả những gì đang xảy ra. Miền Tây đang chuyển đổi sang một môi trường ngày càng khan hiếm nước".

(Theo AP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.