Hội đồng Sản xuất Thịt lợn Quốc gia Mỹ (NPPC) cho biết, việc thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2022. Theo NPPC, việc tiếp cận thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của các hiệp hội thương mại.
“Chúng tôi rất cảm ơn các nhà lập pháp, dẫn đầu là các Hạ nghị sĩ Ron Kind (đảng Dân chủ, bang Wisconsin), Darin LaHood (đảng Cộng hòa, bang Illinois), Jim Costa (đảng Dân chủ, bang California) và Dusty Johnson (đảng Cộng hòa, bang South Dakota) đã hỗ trợ chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ”, Chủ tịch NPPC Jen Sorenson nói.
Theo bà Sorenson, người dân Việt Nam tiêu thụ khá nhiều thịt lợn nhưng hiện đang phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Điều đó đã làm giảm sản lượng thịt lợn trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn thịt lợn nhập khẩu. Do đó việc cắt giảm thuế quan sẽ cho phép chúng tôi xuất thêm nhiều sản phẩm hơn đến thị trường Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của họ.
Trước đó vào năm 2020, bà Maria Zieba, trợ lý phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại của NPPC cũng đã đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ, đồng thời kêu gọi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump không áp đặt các rào cản thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.
NPPC cho biết họ đang tiếp tục các nỗ lực, bao gồm chuyển một lá thư của 70 thành viên Quốc hội, yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hối thúc Việt Nam loại bỏ thuế quan đối với thịt lợn Mỹ.
Tính đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. NPPC tuyên bố rằng việc cắt giảm thuế sắp tới sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng Mỹ vẫn ở thế bất lợi trong cạnh tranh với Liên minh châu Âu, Nga và các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hội đồng Sản xuất Thịt lợn Quốc gia Mỹ cho biết, hiện hàng hóa của các quốc gia trong khối CPTPP đang có mức thuế 7,5% so với 10% của Mỹ vào thị trường Việt Nam. NPPC cho biết họ đang tiếp tục hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden tái tham gia Bản hiệp định CPTPP.
Hoa Kỳ từng là một phần của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trước đây, nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi các cuộc đàm phán trong năm 2017.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 350.000 con heo sống từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 50% so với cùng kỳ. Ngoài ra trong cùng thời kỳ còn có gần 332.000 tấn thịt heo các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm trên, Việt Nam đã chi khoảng 617 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống. Trong đó năm quốc gia xuất khẩu thịt heo lớn nhất sang thị trường Việt Nam là Nga, Ba Lan, Đức, Brazil, Hà Lan và Canada, trong đó riêng Nga chiếm 42,8% thị phần, đạt 142,3 triệu tấn.
Cùng với thịt lợn, 10 tháng đầu năm nay Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 50.000 tấn thịt bò với giá trị 220 triệu USD. Trong đó, bò từ Australia chiếm 50% thị phần với số lượng lên tới 25.000 tấn.
Lý giải về lượng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh tiếp tục tăng nhanh vào thị trường Việt Nam, các chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng do các nước sản xuất - xuất khẩu lớn trên thế giới thuộc khối EU và Brazil dư thừa về sản lượng, lại có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc từ đầu năm đến nay sức mua thịt lợn cũng bị giảm mạnh do nhiều vấn đề khác nhau.