Huawei và nông sản
Reuters hôm qua đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ vừa nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Cụ thể theo Bộ trưởng Willbur Ross, chính phủ Mỹ sẽ cấp giấy phép cho các công ty muốn bán sản phẩm cho Huawei nếu xét thấy không đe doạ tới an ninh quốc gia. Ông Willbur Ross cho biết, đây là quyết định tuân theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 |
Trước đó, Huawei đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào “Danh sách thực thể” với cáo buộc tạo nên mối đe doạ với an ninh quốc gia nước này. Các công ty Mỹ không được phép bán linh kiện, phụ tùng cho Huawei nếu không được cấp giấy phép đặc biệt.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, việc nới lỏng lệnh cấm của Mỹ có thể giúp Huawei hưởng lợi ích, nhưng chỉ trong thời gian nhất định và Huawei cũng chỉ được mua những loại chíp thông dụng của Mỹ, phổ biến trên thị trường thế giới. Giới phân tích thì đánh giá, rất khó để chắc chắn loại sản phẩm nào có thể qua cửa “kiểm duyệt” của Mỹ để có thể bán cho Huawei. Tuy nhiên, động thái của Mỹ phần nào đó vẫn giúp căng thẳng trong cuộc đối đầu về thương mại giữa nước này với Trung Quốc giảm nhiệt.
Đây là kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại hội nghị G20. Bên cạnh việc nhất trí nối lại đàm phán song phương, Tổng thống Trump đồng thời chấp nhận tạm hoãn việc đánh thêm thuế nhập khẩu lên 300 tỉ USD hàng hoá từ Trung Quốc. Đổi lại, Reuters cho biết theo tin từ Mỹ, Bắc Kinh đã chấp nhận tăng khối lượng hàng hoá nông sản từ Mỹ. “Chúng tôi hoãn đánh thuế, và họ sẽ mua thêm nông sản”, ông Trump cho biết.
Một tuần sau hội nghị ở Osaka, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện một thương vụ mua nông sản nào lớn từ Mỹ. Thông cáo chính thức của Bắc Kinh cũng không xác nhận cam kết của ông Tập về việc này. Bộ Thương mại Trung Quốc trong khi đó chỉ bình luận khá chung chung khi cho biết, “nông sản là vấn đề quan trọng 2 phía cần thảo luận”. Nhưng rõ ràng, có cơ sở để tin tưởng Bắc Kinh đã có những nhân nhượng nhất định đối với vấn đề này. Đây cũng là cách tiếp cận mềm dẻo hơn nhiều so với các phản ứng trước đó của Trung Quốc khi đề cập tới những vấn đề còn mâu thuẫn với Mỹ trên bàn đàm phán. (RT) |
Cửa mở nhưng không lớn
AFP cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer đã có cuộc trao đổi với phía Trung Quốc gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Zhong Shan. Theo mô tả của cố vấn Larry Kudlow, các cuộc điện đàm mang tính xây dựng cao. Tuy nhiên, ông Kudlow đồng thời cũng cho biết, còn quá sớm để thông báo các vấn đề chi tiết. Đôi bên cũng chưa xác định thời gian cụ thể cho các vòng đàm phán tiếp theo.
Cơ hội đàm phán thành công giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn rất khó đoán |
“Phải nói thật rằng chúng tôi rất mong muốn, tôi xin nhấn mạnh, mong muốn Trung Quốc trong thời gian ngắn sắp tới sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ”-ông Kudlow cho biết.
Trên thực tế tổng sản lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc chỉ gần 40 tỉ USD, nhập khẩu ngô khoảng 600 triệu. Con số này là rất nhỏ so với khoản thâm hụt ngân sách lên tới trên 400 tỉ USD của Mỹ so với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu cho thấy đôi bên bắt đầu có những nhượng bộ để mở đường cho những giải pháp hoà hoãn trong tương lai, cho dù triển vọng đàm phán thành công trong thời gian ngắn lá khá nhỏ. Giới phân tích đánh giá, khác biệt về mong muốn giữa 2 phía là quá lớn để có thể đi tới một thoả thuận hoàn hảo.