Tổng thống Joe Biden hôm 1/10 khẳng định Mỹ sẽ không bỏ rơi Ukraine dù kế hoạch viện trợ bị đưa khỏi dự luật chi tiêu nhằm tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào phút chót.
"Chúng ta không còn nhiều thời gian và đây là một vấn đề cấp bách. Hãy ngừng làm trò, hãy hoàn thành việc này. Tôi muốn đảm bảo với các đồng minh của Mỹ, người dân Mỹ và Ukraine rằng các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bỏ rơi các bạn", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 1/10.
Tổng thống Biden cũng kêu gọi Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Keven McCarthy sẽ "giữ cam kết duy trì hỗ trợ cần thiết để giúp Ukraine".
Cùng ngày, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định viện trợ quân sự của EU cho Ukraine sẽ không phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Borrell cho rằng Ukraine cần thêm viện trợ quân sự và Brussels có kế hoạch duy trì, cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Nếu Brussels muốn quân đội Ukraine thành công hơn, chúng ta phải cung cấp cho họ vũ khí tốt hơn và nhanh chóng hơn”, ông Borrell trả lời báo giới trong chuyến thăm Kiev hôm 1/10.
Tổng viện trợ quân sự từ Brussels và các quốc gia thành viên EU cho Ukraine lên tới 26,4 tỷ USD. Tổng viện trợ về quân sự, tài chính và nhân đạo của khối cho Kiev đạt 89,8 tỷ USD.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Quốc phòng châu Âu ngày 29/9 cho biết đã có 7 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đặt mua đạn dược theo kế hoạch mua chung vũ khí của EU để cung cấp cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt của phương Tây.
Trước các hành động hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh những việc này "chỉ dẫn đến ngõ cụt và chiến tranh thế giới thứ ba đến gần".