| Hotline: 0983.970.780

Na 'bay', hồi 'xòe' mang về nghìn tỷ đồng cho người dân xứ Lạng

Thứ Bảy 03/09/2022 , 07:30 (GMT+7)

Phát huy lợi thế trền nền thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng, cây na, cây hồi mỗi năm mang về nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho người dân Lạng Sơn.

Na Chi Lang-17

Lạng Sơn hiện có khoảng 4.000ha trồng na, chủ yếu tập trung ở vùng núi đa vôi huyện Chi Lăng. Ảnh: Tùng Đinh.

Mỏ vàng na Chi Lăng

Quệt vội mồ hôi trên trán, ông Lê Hải Dụng ung dung gánh gần tạ na thoăn thoắt trên dốc núi gần như dựng đứng ở khu vườn na VietGAP thuộc khu Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.

“Trồng theo chuẩn VietGAP vất vả hơn, nhưng cây khỏe, quả đều. Cầm quả na trong tay thấy cũng chắc chắn hơn hẳn. Do mới năm đầu trồng theo hướng hữu cơ nên quả hơi nhỏ, nhưng vị ngọt rất thanh”, ông Dụng chia sẻ.

Nhẩm tính trừ chi phí đầu chừng 80 triệu, ông Dụng lãi ít nhất 250 triệu trong vụ na này. Vùng na VietGAP này không chỉ có ông Dụng, còn 26 hộ khác với tổng diện tích 25ha. Tấm bảng chỉ dẫn cỡ lớn dựng sát tỉnh lộ 279 ghi rất rõ: Sản lượng 8-10 tấn/năm. Ra hoa tháng 4-5. Thu hoạch tháng 8-9.

27 hộ dân trồng na theo chuẩn VietGAP, chất lượng đồng đều, có chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Điều này gần như tạo nên “thế lực” mà thương lái không thể ép giá. Đó là cách mà nông dân Chi Lăng tự mình vượt qua điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, mang lại thu nhập tăng đều hàng năm.

Ông Dụng và người dân vùng na tổng kết: “Dưới xuôi nhiều người thích na dai, trên xứ Lạng này bọn tôi thích na bở. Giá na bở thường cao hơn na dai khoảng 20.000đ/kg. Có lẽ do khẩu vị, ăn quả na bở giống như ăn kem, cắn vào là gần như tan trong miệng, vị ngọt thanh giữ rất lâu”.

Năm ngoái, doanh thu từ na mang về cho nông dân Chi Lăng hơn 700 tỷ đồng, con số dự kiến còn tăng mạnh trong năm 2022.

Việc liên kết tạo thành vùng sản xuất, không chỉ giúp nông dân đứng vững trước những gian trá thị trường mà còn giúp họ cải thiện từng chi tiết nhỏ trong trồng trọt. Con đường đất trơn trượt ngày nào, giờ đã được đổ bê tông, xe máy qua lại dễ dàng. Với những vườn na trên đỉnh núi đá vôi, đã có dây cáp di chuyển xuống các mảnh đất bằng để xe máy đưa xuống chân núi.

Khung cảnh rất khác xưa. Vẫn còn người gánh na, song chủ yếu na vẫn “bay” từ trên vườn xuống qua hệ thống cáp treo. Người Chi Lăng vẫn đùa nhau, bảo uống nước núi đá vôi, ăn na nên phụ nữ ở đây có làn da trắng đặc trưng. Chân leo núi nhiều nên dù ngoài 40, nhiều phụ nữ vẫn có đôi chân thon, thẳng.

Từ những năm 1980, người dân Chi Lăng đem na từ Hoài Đức, Hà Nội về trồng thử. Không ai ngờ cây na lại ưa đất núi đá vôi đến vậy, mang lại chất quả tạo nên “Một trong 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, qua nhiều lần tổ chức.

Empty

Người dân Lạng Sơn dùng ròng rọc đưa na từ những khu vực hiểm trở xuống núi. Ảnh: Tùng Đinh.

Na "du lịch"

Lác đác ở Chi Lăng, có những ngôi nhà mọc lưng chừng núi. Ngước mắt lên, thấy núi đá cao vút. Phóng mắt ra xa, thấy vườn na trải dài, xanh biếc. Không khí luôn trong lành, không bụi, không khói, thoang thoảng mùi thơm của núi rừng.

Chủ những ngôi nhà đó, không phải nông dân. Họ là những người có tiền, mua lại ít vườn, xây nhà trên nền có sẵn. Những căn nhà đầy đủ tiện nghi, chỉ để dùng dịp nghỉ cuối tuần.

Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng cho biết, địa phương cũng đã tính tới du lịch sinh thái, trải nghiệm chăm sóc na, để tăng thu nhập cho nông dân. Mọi việc đang còn dừng ở xây dựng đề án, song tín hiệu khả quan là điều thấy được bằng mắt thường.

Empty

Người trồng na ở Lạng Sơn giờ đây đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật để rải vụ, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Rải vụ thành công

Với tổng diện tích gần 4.000ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng. Nếu như trước cây bà con canh tác theo kiểu tự nhiên, có đến đâu bán đến đó thì hiện cây na đã được chăm sóc bài bản, quy mô hơn và đem lại giá trị cao hơn, tiêu biểu nhất là rải vụ.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng, cho biết, những năm trước đây, na chỉ chín tập trung trong vòng 1 tháng, tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn với địa phương và bà con nông dân. Trước những thách thức đó, Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai một số đề tài để giải quyết vấn đề này.

Trong đó, đề tài đầu tiên là nghiên cứu canh tác rải vụ na và đề tài thứ hai là sử dụng chế phẩm AVG để kéo dài thời gian chín của quả na. Theo ông Chung, sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, các đề tài này được đánh giá có hiệu quả với cây na ở Chi Lăng và được Phòng NN-PTNT chuyển giao cho bà con tổ chức sản xuất.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy phun chế phẩm sinh học ở thời điểm quả na đạt từ 85 đến 90 ngày tuổi với nồng độ 0,83 g/lít và lượng dung dịch 3 lít/cây có tác dụng kéo dài thời gian chín trên cây cho quả na từ 9 đến 10 ngày.

Ngoài ra, quá trình chín kéo dài còn giúp quả được tích lũy thêm vật chất, từ đó tăng 3,51% khối lượng/quả, tăng 7,32% lượng đường so với đối chứng. Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm Retain trên cây na không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả trong những năm tiếp theo.

“Sau khi ứng dụng kỹ thuật canh tác mới cùng với chế phẩm AVG, thời gian thu hoạch của na đã kéo dài từ 1 tháng lên 4 tháng, thay vì chỉ trong tháng 7 như trước đây mà hiện nay đến tháng 11 vẫn còn na để bán”, ông Lương Thành Chung cho biết thêm.

Điều này giúp áp lực tiêu thụ cùng một thời điểm giảm đi rõ rệt, hơn nữa, giá na về cuối vụ có xu hướng tăng dần, giúp người nông dân nâng cao được giá trị kinh tế của cây trồng này.

Không chỉ các cơ quan quản lý, người dân ở Chi Lăng cũng rất chủ động trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình canh tác na. Ông Lê Hải Dũng, ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết, dù trồng na đã trên 20 năm trên núi đá vôi nhưng gia đình ông mới chỉ áp dụng kỹ thuật canh tác mới trong vài năm trở lại đây.

“Thay vì trồng tự nhiên, chúng tôi đã học cách tỉa cành, tỉa quả để nâng cao chất lượng. Trước kia có khi mỗi cây na cho đến 150 quả nhưng bây giờ chỉ khống chế ở khoảng 70 quả/cây. Do đó, số lượng quả to từ 4 - 5 lạng/quả cũng tăng lên, cây khỏe và đều quả qua nhiều năm”, ông Dũng chia sẻ ngay tại vườn na trên núi của gia đình.

Không chỉ thay đổi về kỹ thuật, vườn na của người nông dân này cũng đang được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và theo hướng hữu cơ. Cụ thể, các gốc na được bón phân chuồng là chính, hạn chế phân hóa học. Còn về các sinh vật gây hại, người dân ở đây sử dụng bẫy để bắt ruồi vàng chứ không phun thuốc lên cây.

Empty

Hiện nay, Lạng Sơn đã có nhiều chính sách xúc tiến thương mại cho quả na

Xúc tiến thương mại phát triển vượt bậc

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, quả na năm 2013 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận "Quả Na Chi Lăng". Đồng thời, tỉnh chỉ đạo phát triển diện tích, xây dựng các mô hình đầu tư thâm canh để nhân rộng phát triển thành vùng hàng hoá có chất lượng, sản lượng cao.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm chủ lực luôn được quan tâm thực hiện, từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức đưa nông sản Lạng Sơn tham gia 14 hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu trên cả nước, như: Hội chợ triễn lãm nông nghiệp quốc tế (Agroviet); Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Phú Quốc, Tây Nguyên - Gia Lai...); Diễn đàn, hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; Chương trình “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh phân phối các sản phẩm nông sản bị đứt gãy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Tổng công ty bưu chinh Viettel đưa các sản  phẩm OCOP,  nông  sản địa phương tham gia gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn, hệ thống Checkvn.mart.gov.vn và các trang mạng cá nhân như Zalo, Facebook...

Các sản phẩm được cập nhật lên các sàn giao dịch thương mại điện tử đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, các chủ thể được hỗ trợ đăng ký tài khoản, các quy trình thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu sản phẩm cụ thể của từng hộ sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng.

Empty

Sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn đang cần đầu tư thêm về khoa học, công nghệ để có thể phát triển bền vững hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây hồi chờ đầu tư bài bản để phát huy giá trị đặc hữu

Khác với na, một nông sản đặc trưng nữa của Lạng Sơn là cây hồi lại đang cần thêm các công trình nghiên cứu để giúp phát triển bền vững và ổn định trong thời gian tới. Một trong những vấn đề đang được nhiều người trồng hồi ở Lạng Sơn quan tâm là phương pháp canh tác bền vững, tránh tình trạng năm nay được mùa, năm sau lại mất.

Theo ông Nông Văn Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã có một quy trình đầy đủ đối với sản xuất hồi, từ giai đoạn chuẩn bị cây giống cho đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và người trồng hồi ở Văn Quan đang mong muốn các nhà khoa học có những đề tài nghiên cứu sâu hơn về loại cây này để bà con có thể thâm canh bền vững, duy trì năng suất theo từng năm.

Sở dĩ có mong muốn này là do cây hồi ở Văn Quan hiện chưa có tính ổn định, có thời điểm năng suất giảm tới 80 - 90% chỉ sau một năm. Trong khi đó, bà Lăng Thúy Hồng, người trồng hồi ở xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết, vài năm trở lại đây, cây hồi ở huyện đang gặp phải bệnh thán thư và bị bọ ánh kim đe dọa.

Do đó, rất mong các cơ quan chức năng tuyên truyền về kỹ thuật canh tác và hỗ trợ máy phun có thể bao trùm được cây hồi để người dân có thể đối phó với các mối nguy nói trên. Từ đó, giúp người dân trồng hồi có năng suất ổn định, cải thiện kinh tế.

Empty

Hoa hồi là nông sản đã đạt và vượt giá trị nghìn tỷ đồng của nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn xác định cây hồi cần được quan tâm phát triển và đã định hướng tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững và sản xuất hữu cơ, đảm bảo các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất và có giá trị sử dụng thân thiện với môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cây hồi, một trong các giải pháp hiệu quả đó là sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trồng hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được tỉnh khuyến khích và hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư tại các huyện, điển hình như tại huyện Chi Lăng (174ha), Bình Gia (131ha), Văn Quan (trên 400ha).

Từ tập quán canh tác lạc hậu theo kiểu truyền thống, các cơ quan chức năng đang hướng dẫn, vận động người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất như làm đất, chọn giống, bón phân hữu cơ, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm an toàn...

Về xúc tiến thương mại, thời gian qua, Lạng Sơn đã có chính sách thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu vào nông nghiệp, trong đó đang hình thành chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi của các Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex); Công ty TNHH chế biến và XNK lâm sản Lạng Sơn (Aforex); Công ty Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn…

Hiện nay, tổng diện tích hồi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 40.000ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 28.000ha, tập trung tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng, Cao Lộc.

Sản lượng thu hoạch hồi năm 2022 ước đạt 13.000 tấn quả khô, giá trị thu hoạch ước đạt 1.500 tỷ đồng. Năm 2021 giá trị xuất khẩu là 31.000.000 USD tương đương với sản lượng xuất khẩu khoảng 3.500 tấn hồi khô.

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn xác định sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức, quản lý sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…). Bên cạnh đó, chỉ đạo thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản đạt yêu cầu. Ngành nông nghiệp tỉnh xác định đây là những yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NN-PTNT xây dựng. Đặc biệt, chú trọng công tác tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 4.000ha na tập trung tai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.800ha. Năm 2022, do điều kiện thời tiết đầu năm lạnh, mưa lớn đợt đầu tháng 5 làm ảnh hưởng tới năng suất, ước sản lượng năm 2022 đạt khoảng 33.000 tấn. Bên cạnh đó, vụ thu hoạch chính na năm nay cũng muộn hơn hàng năm, tập trung từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9 dương lịch, giá bán trung bình khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, giá trị ước tính đem lại khoảng 1.300 tỷ đồng.

Chú trọng xây dựng mã số vùng trồng

Theo Sở NN-PTNT Lạng Sơn, đến nay trên địa bàn tỉnh đang có 190 mã số vùng trồng, với diện tích trên 936ha được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu. Trong đó, có 149 mã số vùng trồng thạch đen xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 675ha; 37 mã số vùng trồng ớt xuất khẩu, diện tích 221ha và 4 mã số vùng trồng na với 40ha trên địa bàn huyện Chi Lăng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh có 13 doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận và cấp mã số cơ sở đóng gói thạch đen đủ điều kiện xuất khẩu Trung Quốc.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...