| Hotline: 0983.970.780

Na dai La Hiên

Thứ Tư 24/09/2014 , 13:15 (GMT+7)

Cây na dai bén rễ ở xã La Hiên (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) từ cuối những năm 1990, khi những người dân gốc tỉnh Hưng Yên lên đây lập nghiệp.

Na dai tỏ ra đặc biệt thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất ven núi đá nơi đây.

Bà Phạm Thị Tĩnh ở xóm Hiên Bình, xã La Hiên cho hay, ban đầu chỉ có một vài hộ dân mang giống na ở quê lên trồng thử với suy nghĩ đơn giản là trồng tận dụng trên đất núi đá, có quả thì tốt, bằng không cũng cho bóng mát. Gặp môi trường thuận lợi, na lớn nhanh, cho quả sai.

Đặc biệt, chất lượng quả đặc trưng với vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị đậm thơm không nơi nào sánh nổi. Người dân nhận thấy mối lương duyên giữa cây na Hưng Yên với mảnh đất La Hiên nên không ngừng tăng diện tích.

Cho đến nay, toàn xã La Hiên đã có trên 230 ha na, tập trung tại 8 xóm. Từ chỗ là cây trồng thử nghiệm tự phát, na trở thành cây trồng mũi nhọn, cây làm giàu trên đất La Hiên.

Ông Chu Thế Đồng, trưởng xóm Hiên Bình cho biết, gia đình ông có 10 sào na. Hơn một tháng qua, ngày nào hai bố con ông cũng ra vườn thu hái để vợ ông mang ra Quốc lộ 1B bán. Thu nhập đến nay đã được hơn 130 triệu đồng.

Ông tính toán, vườn na của gia đình nếu hết vụ, chắc chắn sẽ cho thu nhập thêm hàng chục triệu nữa. Theo ông Đồng, năng suất bình quân của na đạt khoảng 120 tạ quả/ha. Nếu nhân với giá bình quân khoảng 40.000 đ/kg thì giá trị sẽ đạt xấp xỉ 500 triệu đồng/ha.

"Từ việc áp dụng thuần thục kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, tới đây xã La Hiên sẽ tiếp tục đề nghị ngành chức năng công nhận làng nghề trồng na góp phần nâng giá trị, đưa hương vị đặc sản của na La Hiên đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Qua đó, góp phần giữ ổn định và phát huy thương hiệu na La Hiên VietGAP", bà Liên chia sẻ.

Trên địa bàn xã La Hiên hiện có nhiều gia đình trồng trên 1 ha na. Cây na cho thu nhập cao nên nhiều người từ các nơi đổ về La Hiên. Một số người tìm cách đầu cơ mua lại vườn na của dân để SX thu lời. Giá bán hiện tại không được tính bằng diện tích mà được tính bằng cây.

Theo đó, mỗi cây na đã ra quả (na trưởng thành, từ 3 năm tuổi trở lên) có giá bán 1 triệu đồng/cây. Na vào mùa, Quốc lộ 1B đoạn qua các xóm Hiên Bình, Hiên Minh, Làng Lai, Trúc Mai, La Đồng của xã La Hiên trở thành chợ na. Thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua rộn ràng như ngày hội.

Ông Giang Văn Kiểm, Trưởng xóm Hiên Minh cho biết, thời gian đầu, người trồng na ở La Hiên vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người làm na ở La Hiên được tập huấn về cách thức chăm bón, thu hái và bảo quản quả na theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Kiểm thật thà kể, trước đây, khi na ra hoa, đậu quả và đặc biệt là khi thu hái, dù không dùng hóa chất hay bằng cách nào đó để thúc na chín ép, chín sớm mà chất lượng thịt quả đã tuyệt vời. Nay lại được tập huấn về kỹ thuật bón thúc, thời gian cách ly, cách thu hái, bảo quản nên na không bị dập nát, chất lượng càng được nâng cao, giá bán cũng cao hơn.

Bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết, xác định na là cây mũi nhọn, trọng điểm trong phát triển kinh tế nông hộ, trong nhiều năm qua, xã đã đưa vào Nghị quyết về việc mở rộng diện tích của loại cây trồng này. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích đất hoang, đất ven núi đá đã được cây na phủ kín.

Từ năm 2014, xã đã lập kế hoạch, mỗi năm phát triển, chuyển đổi thêm 10 ha na từ những vàn đất cao, không chủ động thủy lợi sang trồng na.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.