Ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định cho biết, ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được kiểm soát, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn. Giai đoạn đầu chủ yếu ở các trang trại quy mô lớn còn giữ được đàn lợn nái nên có con giống.
Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có nhu cầu tái đàn, song do khó khăn về nguồn nái hậu bị nên việc tái đàn lợn nái chủ yếu chọn lọc từ lợn thịt. Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh ước đạt 635.200 con, tăng 110.000 con; lợn nái gần 30.000 con.
Chăn nuôi lợn tại các địa phương trong tỉnh đang dần ổn định trở lại. Nhờ đó, nhiều trang trại đã có lợn thịt xuất bán, góp phần giảm giá thịt lợn trên thị trường. Trong tháng 7/2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của toàn tỉnh ước đạt 13.812 tấn, tăng 885 tấn so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 93.106 tấn, tăng 1.384 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 84 kg/con.
Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, bệnh DTLCP lại đang có diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, một số tỉnh lân cận đã xuất hiện bệnh DTLCP trở lại nên nguy cơ bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó có bệnh DTLCP, ngành chăn nuôi Nam Định khuyến cáo người dân tuân thủ chặt chẽ việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.
Nhập con giống tại các cơ sở chăn nuôi có uy tín để bảo đảm nguồn gốc con giống rõ ràng, khỏe mạnh, sạch bệnh. Khi nhập con giống về nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để nâng cao sức đề kháng.
Trường hợp, khi thấy đàn lợn nuôi có biểu hiện bệnh bất thường thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, có biện pháp khoanh vùng dập dịch…
Ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định lưu ý, thời gian tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật phát sinh, lây lan.
Do đó, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh…