| Hotline: 0983.970.780

Nam Định đẩy nhanh tiến độ

Thứ Hai 24/11/2014 , 09:23 (GMT+7)

Được chọn là tỉnh đầu tiên triển khai dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp”, tuy nhiên kết quả mà Nam Định đạt được đến tháng 8/2014 còn khiêm tốn.

Vướng nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Nam Định), điều phối viên BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh, mặc dù triển khai dự án từ tháng 10/2013, nhưng đến ngày 25/7/2014, toàn tỉnh mới thực hiện được 532 công trình khí sinh học.

Nghĩa Hưng là huyện thực hiện được nhiều công trình biogas nhất (105 công trình), tiếp đến là Ý Yên (96 công trình), Hải Hậu (88 công trình).

Các huyện thực hiện được ít công trình biogas là Trực Ninh (27 công trình), Nam Trực (29 công trình), Mỹ Lộc (46 công trình), Giao Thủy (36 công trình). Trong tổng số 532 công trình khí sinh học đã xây dựng, mới chỉ có 318 công trình đã nhận được hỗ trợ.

Do các định chế tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể, nên các hoạt động phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam và Ngân hàng HTX Việt Nam trong việc triển khai cho vay tín dụng vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Tại Hợp phần 3 (chuyển giao công nghệ SX nông nghiệp các bon thấp), tỉnh cũng chưa xây dựng được mô hình nông nghiệp các bon thấp nào.

Nguyên nhân là do việc lựa chọn và tư vấn thiết kế cho chủ hộ xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học của các Cty và tổ thợ xây còn hạn chế; chưa có trách nhiệm cao trong việc hướng dẫn các hộ dân cam kết thực hiện các yêu cầu của dự án (gói môi trường), dẫn đến nhiều công trình chậm hoàn thiện hồ sơ giải ngân.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Cty và tổ thợ xây với cán bộ kỹ thuật cơ sở chưa tốt. Một số Cty, tổ thợ xây triển khai chậm, một số địa phương không có hoạt động truyền thông.

Chất lượng của các công trình đã hoàn thành còn nhiều hạn chế. Công tác thông tin báo cáo chưa thực hiện đầy đủ.

Có trường hợp cán bộ kỹ thuật chưa nắm chắc thông tin, kiến thức về các công trình khí sinh học nên việc tư vấn cho hộ dân còn hạn chế; việc kiểm tra, nghiệm thu công trình còn mang tính thủ tục, qua loa (ghi biên bản nghiệm thu chưa đạt...); chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, thu nhận đơn đăng ký, hoàn thiện hồ sơ giải ngân...

Những việc cần làm

Để dự án được thực hiện nhanh và đảm bảo hiệu quả, ông Tấn kiến nghị: BQL dự án Trung ương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ như hội thảo, tập huấn các nội dung có liên quan, đặc biệt là các mô hình SX nông nghiệp các bon thấp (nên cho cán bộ các BQL cấp tỉnh đi học tập, tham quan mô hình trước để về triển khai tại tỉnh); sớm thành lập Ban hỗ trợ kỹ thuật (TSU) để các tỉnh còn tham khảo ý kiến.

Đồng thời cần sớm hoàn thiện các hướng dẫn và tiêu chí liên quan đến Hợp phần 2 - Hợp phần về tín dụng để trả lời thắc mắc cho người dân.

"Chúng tôi đang đốc thúc cán bộ tuyên truyền và các kỹ thuật viên của dự án xuống cơ sở, vào từng gia trại, trang trại để vận động người dân đăng ký tham gia dự án", ông Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Nam Định).

Đối với UBND các huyện, thành phố: cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến, giới thiệu dự án tới đông đảo người chăn nuôi để đăng ký tham gia dự án;

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thống kê, rà soát các hộ chăn nuôi tiềm năng (có chăn nuôi nhưng chưa có công trình xử lý chất thải - biogas) để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lắp đặt/xây dựng với BQL dự án tỉnh.

Đối với các cán bộ kỹ thuật viên, cần tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung của dự án tới người chăn nuôi; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ các công trình đã nghiệm thu chuyển lên BQL dự án tỉnh để giải ngân hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Đồng thời phối hợp và hỗ trợ tối đa các đội thợ xây, các Cty trong việc triển khai các hoạt động của dự án.

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, trong 4 tháng cuối năm 2014, tỉnh Nam Định dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng/lắp đặt khoảng 800 - 1.000 công trình khí sinh học (cả năm 2014 đạt 1.300 - 1.500 công trình), chỉ đạt 70 - 80% kế hoạch đề ra.

Theo điều tra của BQL dự án, thời điểm này đang là mùa khô, thời tiết rất thuận lợi cho việc xây dựng hầm chứa nguyên liệu biogas bằng vật liệu gạch hoặc lắp đặt hầm chứa biogas bằng vật liệu composite, nhiều hộ chăn nuôi đã tranh thủ thời gian để xây dựng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.