
Nông dân Nam Định xuống đồng sau những ngày nghỉ tết.
Khí thế mới, quyết tâm cao
Sau những ngày vui xuân, đón tết cổ truyền, không khí lao động quay trở lại bình thường ở các miền quê. Trên những cánh đồng, bà con đang hối hả làm việc, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ sản xuất lúa.
Mỗi người một việc, không ai bảo ai. Người thì be bờ, tháo nước chia luống; người thì kéo đất, san ruộng; người thì bón lót đưa mạ xuống đồng. Tất cả cùng chung sự kỳ vọng vụ lúa xuân sẽ bội thu, thóc lúa đầy bồ.
Vừa cặm cụi làm đất, chuẩn bị cho việc gieo sạ, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh) vừa cho biết, sau những ngày nghỉ tết, gia đình bà đã tranh thủ ra đồng làm bờ, cào ruộng; đồng thời ngâm ủ thóc theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của HTX.
Vụ này gia đình bà canh tác hơn 4 sào lúa. Chủ yếu là sạ thẳng xuống ruộng. Nhờ công tác làm đất bảo đảm, việc ngâm thóc giống đúng quy trình nên toàn bộ thóc giống đã nảy mầm trắng, thuận lợi cho việc xuống đồng, đúng khung thời vụ.
Cũng như nhiều gia đình khác, bà Hoa hi vọng vụ lúa xuân năm nay sẽ đem lại thắng lợi cho gia đình.
Không khí làm việc với tinh thần khẩn trương ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh cũng không kém phần so các địa phương khác. Nhiều năm trở lại đây, vụ xuân ở Trực Chính luôn áp dụng phương thức gieo sạ, giúp các hộ tiết kiệm được thời gian, nhân công.
Nông dân Mai Văn Chiểu (xóm An Thành, Trực Chính) cho hay, sau khi cả cánh đồng đã đủ nước, ông tranh thủ ra đồng làm cỏ dại ở bờ trục, tạo thuận lợi cho việc đi lại và đắp mô bờ nhỏ ngăn chia giữa các thửa ruộng khác để giữ nước.
Để tiết kiệm thời gian, nhân công, vụ xuân năm nay, gia đình ông tiếp tục áp dụng phương thức gieo sạ. Theo ông Chiểu, gieo sạ cho năng suất cao hơn phương thức cấy truyền thống khoảng 15%.
Theo tính toán của ông Chiểu, với 5 sào ruộng thì vợ chồng ông chỉ mất một ngày là gieo sạ xong. Qua đó, rút ngắn được thời gian, đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh cho biết, vụ xuân 2020, toàn huyện gieo cấy khoảng 7.300 ha. Vụ này, huyện đẩy mạnh phương thức gieo sạ (chiếm hơn 60% diện tích), còn lại là cấy. Đến hết ngày 11/2, toàn huyện đã gieo sạ và cấy được 95% diện tích, sớm hơn kế hoạch đề ra.
Tại huyện Hải Hậu, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cánh đồng đã phủ ngập một màu xanh mạ non. Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện chia sẻ, vụ xuân 2020, toàn huyện gieo cấy 10.000 ha lúa. Năm nay, thời tiết ủng hộ nên bà con xuống đồng với một khí thế mới, quyết tâm cao.
100% diện tích đổ ải
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Nam Định dự kiến gieo cấy 73.100 ha lúa (lúa lai chiếm 15% diện tích, lúa thuần 85% diện tích). Trong đó, diện tích gieo sạ khoảng 42.000 ha, chiếm 57% tổng diện tích gieo cấy.

Kéo đất lấy mặt bằng trước khi gieo sạ.
Theo kế hoạch, vụ xuân Nam Định tập trung gieo cấy các giống lúa như: lúa lai (Nhị ưu 838, CT16, Thái Xuyên 111…), lúa thuần: (Bắc thơm 7, Nếp 97, TBR225, CS6-NĐ, NĐ5...). Trong đó, giống chủ lực là giống lúa Bắc thơm số 7.
Trước đó, theo báo cáo của các công ty thủy lợi thuộc tỉnh và kiểm tra, rà soát thực địa của Sở NN-PTNT thì tổng diện tích dự kiến sẽ bị khó khăn về nước tưới là khoảng 20.000ha.
Tuy nhiên, trận mưa lớn xảy ra vào rạng sáng ngày 25/1 trên địa bàn Nam Định được ví như “cơn mưa vàng”. Mực nước đo được chỗ cao nhất là 12cm, chỗ thấp nhất là 7cm.
Nhờ đó, hàng chục héc ta ruộng thoát nạn “khát nước”, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ lấy nước đổ ải. Hiện tại, 100% diện tích gieo cấy đã có nước đổ ải; công tác bừa lồng, bừa cấy cũng hoàn thành trước kế hoạch.
Theo Sở NN-PTNT Nam Định, do chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ gieo cấy nên việc xuống đồng gieo cấy của nông dân trong tỉnh khá tập trung, bảo đảm trong khung thời vụ và theo đúng kế hoạch chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp.
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định bộc bạch, do tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo lấy nước từ trước Tết Nguyên đán, kết hợp với lượng nước mưa trong dịp đầu năm mới nên toàn tỉnh đã bảo đảm đủ lượng nước cho việc làm đất và gieo cấy.
“Trước tết, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi đã về kiểm tra việc lấy nước đổ ải trên địa bàn tỉnh và có những chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp”, ông Việt cho biết thêm.
Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV Nam Định, đến hết ngày 11/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 30.000 ha (đạt 41% diện tích). Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh là: Trực Ninh, Ý Yên, Hải Hậu... Nam Định phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 20/2.
Sở NN-PTNT Nam Định khuyến cáo, sau khi gieo cấy xong, các địa phương cần tiết kiệm nguồn nước, tập trung diệt chuột, chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh khi lúa bén rễ, phát triển.