| Hotline: 0983.970.780

Năm thăng hoa của cổ phiếu ngành nông nghiệp

Thứ Sáu 15/01/2021 , 16:05 (GMT+7)

Cùng sự phục hồi vượt xa mọi dư đoán của thị trường chung, các mã cổ phiếu nhóm ngành nông nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng có một năm 2020 thăng hoa.

Ấn tượng “tân binh” Tập đoàn Cao su Việt Nam

Năm 2020, nếu nhắc đến các doanh nghiệp nông nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam không thể không kể đến Tập đoàn Cao su Việt Nam (Mã: GVR) với mức tăng trưởng mạnh mẽ mà giới đầu tư hay gọi là “tăng bằng lần".

Chính thức chuyển từ sàn Upcom sang Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) vào tháng 3/2020, đúng cao điểm dịch Covid-19. Sau thời gian 6 tháng đi ngang tích lũy vùng giá 10.000 - 13.000 đồng/CP, bắt đầu từ tháng 10/2020 cổ phiếu GVR có những chuỗi ngày tăng ấn tượng, trong đó rất nhiều phiên tăng trần và đóng cửa năm 2020 với mức giá 30.000 đồng/CP, tức tăng gần 300%.

Cổ phiếu GVR đang có triển vọng rất lớn được thêm vào chỉ số VN30. Ảnh: ST.

Cổ phiếu GVR đang có triển vọng rất lớn được thêm vào chỉ số VN30. Ảnh: ST.

Việc cổ phiếu GVR có chuỗi ngày tăng không ngững nghỉ được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su trên thị trường thế giới đưa lợi nhuận của GVR vượt kết quả đại hội cổ đông giao. Chỉ tính riêng quý 4/2020, GVR dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, bằng 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020.

Ngoài nguyên chính đến từ kết quả kinh doanh, việc GVR liên tục thoái vốn tại một số doanh nghiệp và thu về hàng nghìn tỷ đồng cũng là một trong những nguyên đưa cổ phiếu GVR thăng hoa. Bên cạnh đó, thông tin các thành viên Hội đồng quản trị liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu GVR như chất xúc tác đưa GVR lọt vào tốp những cổ phiếu Bluechip có mức tăng ấn tượng nhất năm 2020.

Với giá trị vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cùng khối lượng giao dịch trung bình các phiên luôn duy trì ở mức 5 - 6 triệu cổ phiếu, GVR được rất nhiều công ty chứng khoán dự báo có triển vọng rất lớn để được thêm vào rổ chỉ số VN30 trong năm 2021.

Cùng với mã cổ phiếu đầu ngành nhóm cao su là GVR, năm 2020, các mã cổ phiếu cao su khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó Cao su Phước Hòa (PHR) tăng từ mức 33.000 đồng/CP tháng 2/2020 lên 63.000 đồng/CP khi kết thúc năm 2020. Cổ phiếu DPR của Cao su Đồng Phú tăng từ đáy dịch từ mức 32.000 đồng hiện đạt 47.000 đồng/CP. Cổ phiếu DRI của Cao su Đắk Lắk bước vào năm 2020 với những bộn bề về tài chính cũng có sự phục hồi ấn tượng từ giá trên 3.000 đồng/CP nay đã cận kề thị giá 10.000 đồng/CP.

Đặc biệt, những ngày gần đây các cổ phiếu của Cao su Hòa Bình (HRC), Cao su Quảng Nam (VHG) có chuỗi cả chục phiên tăng kịch trần biên độ, song nhìn chung ngoài hai mã GVR và PHR có khối lượng thanh khoản tốt, còn lại đa phần các mã cổ phiếu khác của ngành cao su đều có khối lượng thanh khoản rất thấp bởi sự cô đặc của cổ đông sở hữu.

Cổ phiếu chăn nuôi phi mã cùng giá lợn

Năm 2020, việc giá lợn hơi trong nước lần đầu tiên chạm mốc lịch sử 100.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi cũng kéo theo sự thăng hoa và phá đỉnh mọi thời đại của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi.

Trong đó, mã DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã có mức tăng mạnh mẽ từ 17.000 đồng/CP lên 57.000 đồng và hiện đóng cửa ngày 13/1/2020 ở mức giá xấp xỉ 60.000 đồng/CP. Đây là mức giá kỷ lục của DBC đạt được từ khi niêm yết tới nay. Đi kèm với mức giá cổ phiếu kỷ lục, 2020 cũng là năm DBC đạt mức lợi nhuận kỷ lục dự kiến xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ là trên 1.000 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Cùng nhóm ngành chăn nuôi, Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco cũng có mức "tăng bằng lần" khi từ thị giá 10.000 đồng/CP, cổ phiếu MLS của Mitraco tăng một mạch lên trên 40.000 đồng/CP và duy trì suốt từ tháng 9/2020 đến nay và hiện đóng cửa ở giá 47.900 đồng.

Trong nhóm ngành chăn nuôi còn có cổ phiếu MML của Công ty Cổ phần Masan MEATLife thuộc Tập đoàn Masan, tuy nhiên do MML mới đưa vào hoạt động hai nhà máy chế biến thịt mát nên khấu hao tài sản còn rất lớn, trong khi đó việc kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi năm 2020 cũng gặp khó khăn khi sản lượng sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi nên hiện cổ phiếu MML hiện giao dịch ở mức 54.000 đồng/CP, tăng so với mức đáy khi xảy ra dịch Covid-19 20.000 đồng/CP, song còn cách mức đỉnh đầu năm 10.000 đồng/CP.

Triển vọng của cổ phiếu ngành phân bón phụ thuốc rất lớn vào việc sửa Luật thuế số 71 về thuế giá trị gia tăng phân bón. Ảnh: DPM.

Triển vọng của cổ phiếu ngành phân bón phụ thuốc rất lớn vào việc sửa Luật thuế số 71 về thuế giá trị gia tăng phân bón. Ảnh: DPM.

Cổ phiếu phân bón “nín thở” chờ sửa Luật thuế 71

Phân bón có lẽ là một trong những nhóm cổ phiếu hiếm hoi năm 2020 được hưởng lợi từ dịch Covid-19. Do việc giãn cách xã hội khiến giá dầu khí trên thế giới sụt giảm mạnh, trong khi đó dầu khí lại là đầu vào chính quan trọng của nhóm phân bón, đặc biệt là phân đạm nên Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau tại đại hội cổ đông ban đầu chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 xung quanh 50 tỷ đồng, nhưng đã kết thúc năm với khoản lợn nhuật xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau là mã có mức tăng mạnh nhất nhóm ngành phân bón năm 2020 khi từ mức giá trên 4.000 đồng/CP, hiện đã tăng lên trên 14.000 đồng/CP, tức tăng gần 4 lần.

DPM, cổ phiếu đầu ngành của nhóm phân bón của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí năm 2020 cũng có sự phục hồi ấn tượng khi từ mức giá 10.000 đồng/CP, hiện đang giao dịch xung quanh mức giá 19.000 đồng/CP.

Mã DGC của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang cũng là hiện tượng trong nhóm hóa chất, phân bón năm 2020. Từng là một doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhưng sau cổ phần hóa, DGC có sự tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó nhiều năm lợi nhuận DGC vượt cả phía Tập đoàn mẹ là Vinachem nhờ lợi thế về sản xuất DCP, phân bón và choclomin B.

Lũy kế 9 tháng đầu năm DGC đạt lợi nhuận trên 700 tỷ đồng và cả năm 2020 dự kiến đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Chính bởi mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trên nên cổ phiếu DGC có sự tăng trưởng rất ổn định và bền vững từ vùng 20.000 đồng/CP hiện lên trên 50.000 đồng/CP.

Nhìn chung, theo đánh giá của các công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu phân bón năm 2021 gặp khó khăn và thách thức khá lớn khi giá dầu khí đang có chiều hướng ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, mấu chốt đối với ngành phân bón sẽ được quyết định vào tháng 3/2021 tại kỳ hợp cuối cùng của Quốc hội, nếu việc sửa đổi Luật thuế số 71 được thông qua theo hướng 5% thì năm 2021 và các năm tiếp tục là cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp ngành phân bón và ngược lại, nếu Luật thuế 71 vẫn giữ nguyên phân bón là mặt hàng không chịu thuế như hiện nay thì 2021 chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp ngành phân bón, đặc biệt là phân đạm sẽ sụt giảm khá mạnh so với 2020.

Cổ phiếu ngành mía đường "sống dậy" nếu áp thuế tự vệ

Nếu không tính quý IV/2020 thì có lẽ nhóm cổ phiếu ngành mía đường là nhóm bết bát nhất năm 2020. Do ảnh hưởng của việc giá đường thế giới giảm sâu cộng đường giá rẻ Thái Lan tràn vào khiến các doanh nghiệp trong ngành mía đường năm 2020 lao đao.

Có thời điểm cổ phiếu SBT của Tập đoàn Thành Thành Công giảm xuống chỉ còn có 11.000 đồng/CP, QNS của Đường Quảng Ngãi xuống 18.000 đồng/CP và Mía đường Lam Sơn xuống 4.000 đồng/CP, mức giá thấp nhất trong lịch sử của các cổ phiếu trên.

Nhóm cổ phiếu ngành mía đường đang có sự phục hồi tốt nhờ giá đường thế giới tăng và câu chuyện áp thuế tự vệ với đường Thái Lan. Ảnh: TTC.

Nhóm cổ phiếu ngành mía đường đang có sự phục hồi tốt nhờ giá đường thế giới tăng và câu chuyện áp thuế tự vệ với đường Thái Lan. Ảnh: TTC.

Tuy nhiên, với việc giá đường trên thế giới có xu hướng tăng từ quý 3/2020 cộng việc Bộ Công thương chính thức điều tra hành vi bán phá giá mặt hàng đường của Thái Lan tại Việt Nam đã giúp cổ phiếu ngành mía đường phục hồi mạnh mẽ.

Theo đó, cổ phiếu SBT đã phục hồi về mức giá 22.000 đồng/CP, bằng mức trước khi xảy ra dịch Covid-19, cổ phiếu QNS thậm chí đã đạt 40.000 đồng/CP, vượt mức đỉnh trước khi xảy ra dịch tới 10.000 đồng/CP sau khi giảm về mức thấp nhất năm 2020 là 18.000 đồng/CP vào tháng 3.

Ẩn số nhóm cổ phiếu nông nghiệp có câu chuyện

Năm 2020, trong ngành nông nghiệp cứng kiến rất nhiều cuộc sáp nhập, thâu tóm giữa các doanh nghiệp, trong đó dư âm của câu chuyện Tập đoàn Trường Hải (Thaco) mua lại Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) vẫn còn nguyên sức nóng. Triển vọng với cổ phiếu HNG năm 2021 thực sự là một ẩn số đáng để quan tâm.

Trước đó, việc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) trở thành cổ đông chi phối Công ty Cổ phần GTN Food (GTN) và Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) cũng đã thực sự tạo nên cơn sốt giúp cổ phiếu GTN và VLC có chuỗi ngày thăng hoa.

Đặc biệt, cuối năm 2020, việc chính thức đưa cổ phiếu Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu lên sàn Upcom với mã MCM đã tạo cho Vinamilk một hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2020, cổ phiếu PAN của Công ty Cổ phàn Tập đoàn PAN cũng có sự phục hồi ấn tượng từ mức giá 20.000 đồng lên 34.000 đồng/CP. Ít người biết, PAN hiện chính là doanh nghiệp đang nắm quyền chi phối và cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp tại Việt Nam như: Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC), Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC), Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC)…

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, chuyên gia tài chính chứng khoán độc lập Phạm Văn Lịch (Hà Nội) dự báo, hiện chỉ số Vnindex đã chạm ngưỡng lịch sử 1.200 điểm và rất có thể trong thời gian tới có nhịp điều chỉnh cần thiết để có sự tăng trưởng bền vững và chinh phục những mốc cao hơn.

Với việc mặt bằng lãi suất tiền gửi và trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức thấp và sự phục hồi tốt của nền kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 được không chế kịp thời và hợp lí, ông Lịch cho rằng, dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 là vẫn còn khá lớn, tuy nhiên nhà đầu tư cần phải lựa chọn cổ phiếu thật kỹ lưỡng bởi năm 2021 cổ phiếu sẽ có sự phân hóa lớn.

Nhận định năm 2021: Triển vọng!

Ông Phạm Nguyên Thạch, Trưởng phòng Môi giới một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM cho rằng, cùng với xu thế chung của thị trường năm 2021 là tiếp tục tăng trưởng nhờ triển vọng khả quan của nền kinh tế, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp chắc chắn cũng sẽ tăng trưởng.

Đầu tiên phải kể đến nhóm ngân phân bón sẽ trở nên rất khả quan nếu Luật thuế số 71 được sửa đổi từ diện không chịu thuế sang chịu thuế 5% sẽ mỗi năm mang lại thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành phân bón, đặc biệt là phân đạm từ hàng chục cho tới cả trăm tỷ đồng.

Một nhóm cổ phiếu khác cũng sẽ được hưởng lợi về chính sách thuế nếu được áp dụng là mía đường. Ông Thạch khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi sát sao giá đường thế giới và việc điều tra áp thuế tự vệ với mặt hàng đường Thái Lan. Nếu Bộ Công thương chính thức áp thuế tự vệ với mặt hàng đường Thái Lan sẽ thực sự mở ra cơ hội rất lớn cho nhóm cổ phiếu ngành mía đường.

Bên cạnh đó, ông Phạm Nguyên Thạch cũng lưu ý các nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản và phục vụ ngành chế biến thủy sản như: Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV), IDI, Chiếu Xạ an Phú (APC) cũng rất có tiềm năng trong năm 2021 khi việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào EU đang rất triển vọng nhờ Hiệp định thương mại EVFTA chính thức có hiệu lực.

Ngoài ra, theo ông Phạm Nguyên Thạch, nhóm cổ phiếu ngành cao su nhà đầu tư cũng nên đặc biệt chú ý bởi nhu cầu cao su phục hồi sản xuất, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang rất cao, mủ cao su cũng đang có xu hướng phục hồi và tăng tốt nên lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su trên sàn năm 2021 cũng hứa hẹn rất nhiều triển vọng.

Đặc biệt, ông Thạch cũng lưu ý nhà đầu tư tùy theo khẩu vị nhưng cũng không nên bỏ qua các cổ phiếu có câu chuyện trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là câu chuyện sáp nhập như GTN, VNM, MCM, HNG, HAG nhà đầu tư cần lưu tâm.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.