Dự báo mưa lớn dồn dập cuối năm
Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân (ĐX) 2020-2021 các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ nhận định xu thế thời tiết, thủy văn từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021 ở vụ ĐX 2020-2021. Theo đó, dự báo nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NiNO3.4) tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, với xác suất khoảng 65-70%.
Bão, áp thất nhiệt đợi (ATNĐ) trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường. Dự báo, tự nay đến cuối năm 2020 có khả năng xuất hiện 5-7 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Riêng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn. Hơn nữa, trong các tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vựa phía Nam biển Đông và có thể ảnh hướng đến khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.
Bên cạnh đó, thông thường trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm. Đối với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ trung tuần tháng 10 nhưng năm nay cũng sẽ ảnh hưởng sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
“Dự báo từ nay đến cuối năm 2020 có khoảng 10-12 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021 có khoảng 7-10 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực. Khả năng xuất hiện 4-7 đợt mưa lớn diện rộng trên khu vực tập trung từ tháng 10 đến tháng 12/2020. Vì vậy chúng ta cần đề phòng các đợt mưa lớn, đặc biệt lớn dồn dập và kéo dài ở Nam Trung bộ trong các tháng 10 và tháng 11/2020. Còn tại khu vực Tây Nguyên nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa trong những tháng mùa khô 2021”, ông Kiệt chia sẻ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, những năm qua, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có phong trào, kế hoạch chuyển đổi diện tích lúa kém chất lượng, thiếu nguồn nước sang cây trồng cạn, đặc biệt cây rau màu rất hiệu quả. Đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát lại những nơi nào sản xuất khó tiếp cận nguồn nước, thiếu nước và sản xuất lúa kém hiệu quả thì mạnh dạn chuyển đối cây trồng hoa màu, cây trồng cạn, để có giá trị cao hơn và ít gặp rủi ro. Đồng thời, tiếp tục phát huy chuỗi liên kết với doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững cho người dân.
Theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, hiện mực nước trữ các hồ chứa thủy lợi các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đạt từ 27-80% so với dung tích thiết kế (DTTK). Trong đó, các tỉnh có dung tích trữ cao là Đà Nẵng 80%, Bình Thuận 68%, Quảng Ngãi 63%, Quảng Nam 62%. Còn các tỉnh khác mực nước trữ như Bình Định chỉ 27%, Phú Yên 37%, Khánh Hòa 43% và Ninh Thuận 35%.
Dự báo, tổng lượng mưa từ nay đến cuối mùa mưa ở mức cao hơn TBNN từ 20-30%. Vì vậy đến cuối mùa mưa 2020, hầu hết các hồ chứa trong vùng tích đạt 80-100% DTTK. Riêng Ninh Thuận, một số hồ có thể tích đạt 40-50% DTTK.
Như vậy, nhận định chung vụ ĐX nguồn nước đảm bảo phụ vụ sản xuất. Riêng tại Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận có khả năng xảy ra kịch bản hạn nhẹ đến hạn vừa cục bộ tại các công trình nhỏ, các vùng ngoài công trình thủy lợi.
Chủ động sản xuất
Trước tình hình dự báo trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên triển khai vụ ĐX 2020-2021 tới phải bám sát thời tiết, tránh tình trạng gieo sạ nhiều lần.
“Đối với thời vụ, chúng ta hết sức lưu ý phân theo vùng sản xuất cụ thể. Ví dụ ở chân đất cao hay thiếu nước ở cuối vụ ĐX nên triển khai sản xuất vụ ĐX sớm để tận dụng nguồn nước, đảm bảo cho cả vụ. Đối với vùng đất chân trũng, thường xuyên bị mưa ngập phải chờ nước rút xong, mới gieo sạ, tránh tình trạng phải sạ đi sạ lại nhiều lần”, Thứ trưởng lưu ý.
Về cơ cấu giống, Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương sử dụng bộ giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao và cố gắng đưa tỷ lệ giống chất lượng vào sản xuất từ 60-70% để nâng cao giá trị.
“Các địa phương phải tính toán để điều tiết nước hợp lý để phục đủ cho 2 vụ ĐX và HT. Trong quá trình sản xuất vụ ĐX phải có giải pháp tưới nước tiết kiệm, nông lộ phơi, điều tiết nước toàn vùng và theo thời gian hợp lý”, Thứ trưởng nói.
Các tỉnh Nam Trung bộ: Những diện tích chủ động nguồn nước, bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10/12-31/12/2020, cố gắng không gieo sạ muộn hơn sau ngày 10/1/2021 và thu hoạch trước 30/4/2021. Riêng chân lúa 3 vụ tại Bình Định tập trung gieo sạ từ 25/11-5/12/2020; Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gieo sạ từ 15/11/2020 và kết thúc trong tháng 12/2020. Đối với những diện tích không chủ động nguồn nước cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ trước 10/12/2020. Vùng trũng thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, phấn đấu gieo sạ trước 10/1/2021.
Các tỉnh Tây Nguyên: Đối với vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống từ ngày 10/12 - 31/12/2020. Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ phải cân đối diện tích và sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm trước 10/12/2020. Riêng một số diện tích lúa sản xuất 3 vụ tại Lâm Đồng bố trí gieo sạ từ ngày 15/11-10/12/2020.