Tiền mất, thất thu
Tình trạng nông dân “mê” giống lúa vừa cho năng suất và bán được giá cao không có gì lạ ở vựa lúa ĐBSCL. Theo tìm hiểu của Báo NNVN, hiện nay, nông dân tại các địa phương Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Hậu Giang rất chuộng giống lúa Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, Nàng hoa 9, ST 24 hay ST 25…vì các loại giống lúa này được xem là đặc sản, khi gieo sạ cho năng suất vượt trội, được thương lái thu mua với giá cao, quan trọng luôn đảm bảo đầu ra.
Tuy nhiên, với thói quen của nhiều nông dân là hay thích những loại giống “một vốn bốn lời” lại “mê” giá rẻ. Lợi dụng nhược điểm này, nhiều cơ sở bán giống đã đi thu mua lúa ngang trong dân, sau đó đem về phơi sấy và bán lại cho nông dân với giá rẻ hơn thị trường khoảng 4 ngàn đồng/kg.
Nhiều nông dân “vỡ mộng” vì mê…giống lúa rẻ. |
Cụ thể, lúa giống Đài Thơm 8 đạt tiêu chuẩn của Cty CP giống cây trồng Miền Nam được cung cấp ra thị trường với mức giá là 320 ngàn đồng/giạ (1 giạ tương đương 20kg).
Tuy nhiên, theo đại diện Cty CP giống cây trồng Miền Nam cho rằng, giống lúa của đơn vị hiện đang được nhiều cơ sở cung cấp giống “mạo danh” và được bán với giá rẻ hơn giá mà Cty đưa ra khoảng 4 ngàn đồng/kg.
Có thể kể đến trường hợp của ông Đoàn Quốc Dự, 35 tuổi, ấp Tam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cho biết: “Thấy các cơ sở bán giống Đài Thơm 8 với giá 12 ngàn đồng/kg (240 ngàn đồng/gịa) vì ham rẻ, nghĩ cũng điều cùng chung một giống, chỗ bán giá cao chỗ bán giá rẻ, nên tôi quyết định mua về gieo sạ.
Thường thì khoảng từ 90 - 105 ngày, là đến thời điểm thu hoạch vụ lúa, nhưng khi sắp đến ngày thu hoạch thì lúa chỉ trổ bông khoảng 85 - 90%. Chưa nói lúa giống có đạt chất lượng hay không thì nông dân không thể nào biết được, chỗ nào bán giá rẻ hơn thì chọn mua về dùng.. Khi đó, gia đình mới hối tiếc, chỉ vì mê giống rẻ mà vụ mùa vừa rồi không thu hoạch được gì”, ông Dự buồn bã nói.
Trước thực trạng trên, ông Dự đề nghị ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ, không riêng gì giống lúa mà kể thuốc BVTV, nhằm loại bỏ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi nông dân không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, đến cuối vụ phát hiện ra thì đã muộn, tiền mất tật mang.
Hiện nay, lúa giống giả được các Cty, HTX, cơ sở SX giống… bày bán tràn lan. Đặc biệt, họ bán với giá rẻ hơn các giống lúa được bảo hộ độc quyền.
Ông Trần Văn Vàng, ở ấp Nam Hưng, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cho biết: “Hộ ông cũng từng một lần gặp phải tình trạng đó, chỉ vì mê giá giống rẻ, mà cuối cùng hơn 1ha canh tác chẳng thu được gì". Kể từ đó, ông luôn đến các cơ sở có uy tín để mua lúa giống về xuống. Tuy giá đắt hơn một chút, nhưng an tâm hơn.
Cơ quan chức năng cũng bó tay
Trước thực trạng nhiều giống lúa “nhái” thương hiệu, đại diện của các Cty cung cấp giống cũng đã cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng sở tại xác minh, làm rõ. Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với nông dân để tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cho bà con nông dân tránh mua nhầm sản phẩm giả, kém chất lượng.
Đại diện Cty CP giống cây trồng Miền Nam, cho biết: “Có rất nhiều cơ sở kinh doanh giống, khi họ thấy mẫu ruộng nào đó sử dụng lúa giống Đài Thơm 8 đạt năng suất cao thì họ tiến hành thu mua lúa ngang.
Sau đó, mang về sấy, phơi rồi cho vào bao bì rồi “giả mạo” giống lúa này để bán ra thị trường. Vì là lúa ngang, chưa qua kiểm định nên được các cơ sở này bán với giá rẻ, nhằm đánh vào thị hiếu của người nông dân. Chính vì vậy, trên thị trường mới tràn lan các loại giống giả. Trong đó có sản phẩm lúa giống Đài Thơm 8 của Cty”.
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Tú, Phó Chi cục trưởng – Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Nói chung văn bản về bên quản lý giống thì còn thiếu chi tiết, cụ thể. Từ đó, có một số tổ chức, cá nhân khi chưa có bản quyền và tránh né bản quyền bằng cách sử dụng cái giống sàng lọc và gọi là lúa lương thực.
Tuy nhiên, khi đơn vị đi kiểm tra và gặp loại giống này thì mình cũng không xử lý vi phạm được. Do đơn vị kinh doanh nói loại giống này họ bán để làm lương thực, chứ không phải làm giống. Từ đó, khiến cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vấn nạn này”.
Theo ông Tú, sự việc giống lúa giả mạo đã tồn tại từ nhiều năm nay, tuy nhiên cơ quan chuyên môn rất khó xử lý. Nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh lúa giống “luồn lách” qua mặt cơ quan chức năng một cách dễ dàng nhưng lại thiếu hành lang pháp lý.
Thiếu chế tài xử phạt nạn giả, nhái lúa giống. |
“Nếu nói về giống thì chúng tôi mới lấy mẫu để kiểm tra chất lượng giống đó có đảm bảo hay không. Còn khi nào mình bắt tận tay họ là họ bán cho nông dân để làm giống thì khi đó chúng ta mới xử lý vi phạm được. Có một thực trạng là nhiều nông dân lại đồng tình, chấp nhận mua giống lúa rẻ. Khi kiểm tra thấy họ trưng bày, mình biết là họ bán đó nhưng lại không có bằng chứng để nói là họ bán làm giống”, ông Tú nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Điền Khanh, cán bộ Thanh tra thuộc Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Bạc Liêu thông tin: “Về giống sàng lọc, không riêng ở tỉnh Bạc Liêu đâu, mà hầu hết các tỉnh ở vùng ĐBSCL cũng đang nở rộ vấn nạn đó (giống giả, giống nhái kém chất lượng).
Thật ra, giống này xuất phát từ các giống lúa chủ lực hiện nay được nông dân trồng phổ biến. Hầu hết, các đơn vị sản xuất người ta đã đăng ký bảo hộ độc quyền hết rồi. Do đó, những đơn vị được bảo hộ thì họ sẽ không nhượng quyền cho những tổ chức, cá nhân khác để sản xuất, ra tiêu chuẩn và cấp xác nhận”.
Ông Khanh chỉ ra rằng, sở dĩ có sự việc lúa nhái, lúa giống kém chất lượng là do đơn vị đã được bảo hộ SX giống không đủ sản phẩm để cung cấp ra thị trường cho từng vụ. Đồng thời, giá bán quá cao so với giá thành sản xuất ra một kg giống. Do nhu cầu sử dụng lúa giống trong dân quá lớn, nên nhiều đơn vị, đặc biệt là HTX đã thu mua rồi bán cho dân với giá rẻ hơn.
“Nhiều HTX với danh nghĩa ban đầu là sàng lọc giống để cung ứng cho xã viên. Sau đó, họ nhận thấy nhu cầu bên ngoài của người dân nhiều, nên họ đã mở rộng ra. Thậm chí, hiện nay, có nhiều cơ sở SX loại giống này để kinh doanh. Họ lách luật bằng cách trên bao bì, họ không ghi là lúa giống mà để bao trắng, có những đơn vị họ ghi loáng thoáng vài thông tin là cơ sở SX, tên giống được viết tắt .
Ví dụ là lúa Đài Thơm 8 thì họ ghi DT8, Nàng hoa 9 là NH9. Họ tránh ghi các tên giống đã được bảo hộ, và các loại giống này được người dân chấp nhận vì giá rẻ và tỷ lệ nảy mầm đạt. Người dân chấp nhận thì họ cứ thế mà bán thôi”, ông Khanh nói.
Hiện Chi cục đã báo cáo vấn nạn này với Bộ NN-PTNT để nghiên cứu chỉnh sửa các văn bản trước đây nhằm giúp cho các địa phương dễ xử lý cũng như quản lý được chặt chẽ hơn.
Về mặt quản lý Nhà nước thì theo luật sở hữu trí tuệ thì ngăn cấm người khác dùng vật liệu nhân giống từ hạt giống đã được bảo hộ để SX giống nhằm mục đích kinh doanh. “Nếu nói theo luật sở hữu trí tuệ thì, người sàn lọc giống này đã vi phạm. Nhưng họ đã lách luật, khi chúng tôi kiểm tra, xử lý thì họ nói rằng, họ không SX giống, họ chỉ tuyển chọn lại lúa trên các ruộng đẹp và sàn lọc ra lúa sạch để bán lúa lương thực thôi. Còn dân, họ thấy lúa tốt muốn mua về làm giống thì đó là chuyện của dân. Chứ họ không thừa nhận là SX lúa đó để bán làm giống. Hiện tại, tỷ lệ người dân sử dụng lúa lương thực để làm giống đạt khoảng 50%, và đó là những hộ tham gia bao tiêu”, ông Khanh chia sẻ. |