| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị lúa gạo: Làn gió mới

Thứ Sáu 12/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Một loạt DN có uy tín, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo theo quy trình chuyên nghiệp, bài bản./ "Mỏ vàng" gạo nội địa

Trào lưu bắt đầu sau khi các DN nhận thấy khoảng trống, tiềm năng và cơ hội từ phân khúc gạo chất lượng cao cho thị trường tiêu thụ nội địa.

TIÊN PHONG AGPPS

Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) được biết đến là DN hàng đầu về SX-KD thuốc BVTV tại VN. Nhưng từ năm 2010, AGPPS đã bắt tay vào xây dựng chuỗi giá trị gạo khép kín từ khâu giống, vùng nguyên liệu đến xây dựng nhà máy sấy - xay xát và làm thương mại đến tận tay người tiêu dùng.

Hiện lực lượng kỹ sư 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của AGPPS đã lên đến hơn 1.200 người để trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ cho nông dân.

Bà con nông dân được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và thu mua theo giá thị trường. Thậm chí, nếu giá chưa ưng ý, bà con có thể gửi 30 ngày mà DN không tính phí lưu kho.

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGPPS, DN đang đầu tư xây dựng nhiều vùng nguyên liệu để cung cấp lúa cho 5 nhà mày chế biến gạo ở ĐBSCL, mỗi nhà máy công suất 100.000 tấn/năm.

Năm 2015, tổng diện tích vùng nguyên liệu của AGPPS dự kiến đạt 105.000 ha với sự tham gia của gần 25.000 hộ nông dân. Theo kế hoạch, AGPPS sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu của mình lên 360.000 ha với công suất chế biến 2,4 triệu tấn gạo vào năm 2018.

Để kiểm soát chất lượng hạt gạo, tất cả nông dân đều được tham gia xây dựng vùng nguyên liệu với AGPPS, đảm bảo ghi chép đầy đủ sổ nhật ký đồng ruộng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các kỹ sư 3 cùng. Chính vì vậy, AGPPS là một trong những DN hiếm hoi có sản phẩm gạo đạt các tiêu chuẩn để được XK vào thị trường khó tính như Nhật Bản.

Gần 3 năm có mặt tại thị trường VN, thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời của AGPPS đang dần dần được người tiêu dùng lựa chọn do có ưu điểm được SX từ những giống lúa đặc sản thuần chủng, không đấu trộn, không chất tạo mùi, truy xuất được nguồn gốc và phù hợp với khẩu vị người VN.

12-16-52_2
Quy trình làm lúa gạo của AGPPS

Gạo Hạt Ngọc Trời hiện được phân phối qua các đại lý bán lẻ, hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc.

Tháng 9/2014, AGPPS khai trương chi nhánh tại Hà Nội, theo chia sẻ của bà Hoàng Vĩnh Quý, GĐ kinh doanh Hạt Ngọc Trời khu vực Thủ đô: "Tổng sản lượng gạo, tấm do AGPPS phân phối ra thị trường trong năm 2014 đạt trên 250.000 tấn, trong đó XK 130.000 tấn, bán nội địa 120.000 tấn.

Bên cạnh việc SX sản phẩm gạo chất lượng cao, AGPPS đang bắt tay triển khai SX các sản phẩm sau gạo như gạo dinh dưỡng Vigigaba, dầu cám, bánh gạo, sữa gạo... Riêng thị trường miền Bắc, bình quân mỗi tháng AGPPS tiêu thụ hơn 50 tấn gạo đóng túi Hạt Ngọc Trời và từ 2 - 3 tấn gạo mầm Vigigaba".

NHỮNG ẨN SỐ KHÁC?

Ngoài BVTV An Giang, tính đến cuối năm 2014, một loạt DN nông nghiệp, thậm chí phi nông nghiệp cũng bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo cho chính mình với quy mô, cách thức không hề thua kém AGPPS. Những “ẩn số” đó được coi là một tín hiệu mừng với thị trường lúa gạo VN trong bối cảnh đang bị gạo Thái Lan cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2014, nhiều khách tham quan tỏ ra ngạc nhiên, bất ngờ khi thấy xuất hiện sản phẩm “Gạo hữu cơ Quế Lâm” với bao bì bắt mắt do Tập đoàn Quế Lâm SX, trong khi từ trước tới nay Quế Lâm được biết đến là DN SX phân bón hữu cơ tại VN.

12-16-52_3
Vùng nguyên liệu SX gạo hữu cơ Quế Lâm của Tập đoàn Quế Lâm

Ông Trần Văn Tư, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Quế Lâm phương Bắc kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & ứng dụng công nghệ sinh học (Tập đoàn Quế Lâm) cho biết, những năm gần đây Tập đoàn triển khai SX lúa chất lượng cao theo hướng gạo hữu cơ, chủ yếu là các giống DT39 Quế Lâm, Bắc thơm số 7, Hương Cốm 4 tại một số tỉnh, thành với diện tích khoảng 1.000 ha, trong đó riêng giống lúa DT39 Quế Lâm khoảng 300 ha.

Hiện Quế Lâm đã có một nhà máy chế biến tại Hà Tĩnh với công suất 20.000 tấn gạo/năm.

Do sản phẩm gạo hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, được bón bằng toàn bộ phân hữu cơ Quế Lâm nên giá bán tương đối cao. Theo chia sẻ của ông Trần Văn Tư, trong vòng 5 năm gần đây, Tập đoàn Quế Lâm đã tiêu thụ khoảng 300 tấn gạo hữu cơ. Riêng trong năm 2013 là 200 tấn và dự kiến năm 2014 khoảng 400 tấn.

Vừa qua, Tập đoàn Tân Tạo (ITACO), DN chuyên phát triển khu công nghiệp và hạ tầng đã ra mắt Cty CP Đầu tư nghiên cứu & xuất khẩu gạo thơm ITARICE theo tiêu chuẩn GLABOLGAP với sự hợp tác của ĐH Tân Tạo và cá nhân GS. Võ Tòng Xuân.
Bà Nguyễn Thùy Linh, phụ trách kinh doanh sản phẩm gạo ITARICE tại Hà Nội cho biết, gạo sạch ITA RICE đang được bày bán với thương hiệu Nàng Đào, Nàng Yến, Nàng Nga, Vua Liêu...; mỗi tháng người dân Thủ đô mua khoảng 7 - 8 tấn.

Để đảm bảo hoạt động SX-KD, Tập đoàn Quế Lâm đã quy tụ 16 chuyên gia là những nhà khoa học đầu ngành, đồng thời mới tuyển dụng 100 sinh viên đại học ngành nông nghiệp. Số sinh viên này phải thức khuya, dậy sớm, trực tiếp ra đồng cùng nông dân tổ chức SX, đến từng hộ dân để tiếp thị sản phẩm, giám sát, thu mua lại lúa ở vùng nguyên liệu khi đến ngày thu hoạch.

Mới đây, Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã khởi công nhà máy chế biến gạo tại KCN Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với công suất 20.000 tấn gạo/năm, vốn đầu tư lên tới 5 triệu USD.

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinaseed, sau khi khánh thành nhà máy tại Đồng Văn (khoảng tháng 5/2015) Vinaseed sẽ xây dựng thêm 1 nhà máy tại ĐBSCL. Để phục vụ cho 2 nhà máy chế biến, Vinaseed đã quy hoạch được vùng nguyên liệu hàng nghìn ha, trong đó riêng diện tích giống lúa thơm RVT là 500 ha.

Bên cạnh đó, Vinaseed cũng chi một khoản tiền rất lớn để thuê DN nước ngoài làm công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước cũng như thị trường một số nước tiềm năng như: Mỹ, EU, Nhật Bản…

Bà Liên nhấn mạnh, Vinaseed xác định sẽ chế biến gạo dành cho cả XK và thị trường nội địa. Trong đó, sẽ thành lập thương hiệu Panfood để làm gạo XK, còn Vinaseed sẽ lo thị trường trong nước với ba phân khúc gồm: Phân khúc gạo cao cấp là giống lúa thơm RVT, gạo hạt tròn Japonica (J02); Phân khúc trung bình như Jasmine 85, OM và phân khúc thấp là các giống gạo cao hơn Khang dân 18 như Thiên ưu 8.

Cùng với Vinaseed, một DN lớn và uy tín khác về SX-KD giống là Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) cũng kịp sở hữu một nhà máy chế biến gạo có công suất khoảng 30.000 tấn/năm và nhà máy chế biến hạt giống 20.000 tấn/năm trong cuộc đua nước rút giành thị phần gạo chất lượng cao nội địa thời gian sắp tới.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TSC cho biết, mục tiêu của TSC là sẽ xây dựng "Gạo thơm Thái Bình" trở thành “tượng đài” về gạo thơm chất lượng cao tại VN.

Xem thêm
Viện Chăn nuôi chuyển giao gần 9 triệu con giống năm 2024

Năm 2024, Viện Chăn nuôi đạt nhiều thành tựu lớn, chuyển giao gần 9 triệu con giống, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Tủ gốc, tưới nước lên tán cây ăn quả vào sáng sớm để chống rét

Cục Trồng trọt khuyến cáo các biện pháp chống rét cho cây trồng trước dự báo rét đậm, rét hại.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.