| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị xanh trên tiềm năng xanh Đất Sen hồng

Chủ Nhật 21/03/2021 , 21:00 (GMT+7)

Ông Phạm Thiện Nghĩa cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị không chỉ với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia.

UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Đồng Tháp hợp tác Quế Lâm, lan tỏa nông nghiệp hữu cơ đất Sen hồng

Ngày 20/3, tại Thành phố Cao Lãnh đã diễn ra Lễ ký kết Hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Quế Lâm. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đây là sự kiện này mang rất nhiều ý nghĩa và kỳ vọng lớn.

Trước đây Đồng Tháp thực hiện hai bài toán, thứ nhất là khai hoang đất hoang hóa đưa vào sản xuất, thứ hai là bài toán xóa đói giảm nghèo. Những bài toán đó đã tạo nên một Đồng Tháp Mười là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của quốc gia.

Tuy nhiên, 8 năm qua, Đồng Tháp đã tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi nhận thức người dân từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển dần từ việc sản xuất chạy theo số lượng sang sản xuất chất lượng và giá trị.

Thực tiễn cho thấy, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp đã phát huy được hiệu quả và nâng tầm giá trị nông nghiệp, giải quyết được bài toán nâng cao được thu nhập cho người nông dân. Năm 2020, dù gặp khó khăn về dịch bệnh và bất lợi về thiên nhiên nhưng giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản của Đồng Tháp ước đạt 44.100 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 19.200 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian gần đây, tỉnh Đồng Tháp đang định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn, đạt các quy chuẩn.

Song hành với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung vào lĩnh vực sản xuất, những hội quán và cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, đúng quy chuẩn để xây dựng được thương hiệu nông sản của mình và sản xuất theo chuỗi kinh tế tuần hoàn.

“Rất mừng là Tập đoàn Quế Lâm lựa chọn Đồng Tháp để đầu tư và điều đặc biệt nhất là để cùng với chúng tôi triển khai xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề này nằm trong định hướng phát triển của tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi kỳ vọng và quyết tâm cùng với Tập đoàn Quế Lâm chuyển đổi tư duy, nhận thức người nông dân mạnh mẽ hơn nữa để cùng nhau tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, tạo nên nền nông nghiệp không chỉ ăn no mà phải ăn bổ, khỏe và giá trị là cốt lõi nhất là nâng cao thu nhập người nông dân.

Tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ, tiếp sức của Tập đoàn Quế Lâm sẽ là điều kiện giúp Đồng Tháp chuyển dịch mạnh hơn nền sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị xanh trên tiềm năng xanh của Đất Sen hồng. Đặc biệt, qua ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như những chia sẻ quyết tâm, trăn trở và khát vọng của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Hồng Lam chắc chắn sự hợp tác sẽ có kết quả tốt đẹp”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm trên mọi lĩnh vực để tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị, tiêu chuẩn, không chỉ riêng với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm trên mọi lĩnh vực để tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị, tiêu chuẩn, không chỉ riêng với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nội dung hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa Đồng Tháp và Tập đoàn Quế Lâm bao gồm việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: cây ớt tại huyện Thanh Bình, cây lúa tại huyện Tam Nông, cây có múi tại huyện Lai Vung, cây xoài tại Thành phố Cao Lãnh, hoa kiểng tại Thành phố Sa Đéc...

Theo đó, phía Tập đoàn Quế Lâm sẽ thực hiện mô hình và hướng dẫn phổ cập về việc làm mô hình nông nghiệp hữu cơ; tập huấn kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân; đào tạo cho cán bộ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hợp tác phát triển thị trường.

Tập đoàn Quế Lâm cũng sẽ hình thành các đầu mối, tổ hợp tác, hội quán, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và nghiệm thu quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, chất lượng nông sản và tác động đến môi trường tại các mô hình liên kết.

Các nội dung ký kết còn hướng đến việc xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, chọn một số cây trồng thích hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường để đầu tư liên kết trong việc sản xuất thu mua; tạo ra chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cung ứng cho xã hội các sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng…

Bên cạnh đó, phía Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu sản lượng nông sản từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tại các mô hình liên kết; đồng thời, đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại Đồng Tháp...

Tập đoàn Quế Lâm cũng sẽ phối hợp Sở NN-PTNT Đồng Tháp cung cấp phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán, tổ hợp tác và người dân địa bàn tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng và theo quy định…

Tập đoàn Quế Lâm sẽ thực hiện mô hình và hướng dẫn phổ cập về việc làm mô hình nông nghiệp hữu cơ; tập huấn kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, đào tạo cho cán bộ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hợp tác phát triển thị trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Tập đoàn Quế Lâm sẽ thực hiện mô hình và hướng dẫn phổ cập về việc làm mô hình nông nghiệp hữu cơ; tập huấn kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, đào tạo cho cán bộ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hợp tác phát triển thị trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, phía tỉnh, từ các hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp, các sở ngành, địa phương cam kết một lòng kiên quyết thực hiện không chỉ đối với góc độ nâng cao giá trị thương hiệu nông sản mà phải xây dựng được một giá trị đích thực của nền nông nghiệp.

“Tuy biết rằng đường đi không phải tất cả đều bằng phẳng nhưng với quan điểm tất cả lãnh đạo Đồng Tháp và thực tiễn người nông dân Đồng Tháp đã luôn tin tưởng đồng hành với tỉnh trong thời gian qua sẽ vượt qua khó khăn để cùng với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng từng mô hình, từng địa phương, từ đó tạo sự lan tỏa nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm trên mọi lĩnh vực để tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị, tiêu chuẩn, không chỉ riêng với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia”, ông Phạm Thiện Nghĩa nói.

Khát vọng trả lại sự trong lành cho những cánh đồng ở miền Tây

Với khát vọng đồng hành với các địa phương và người nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nông nghiệp hữu cơ, những năm qua, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết, hỗ trợ triển khai các mô hình điểm tại các tỉnh Long An, Sóc Trăng…

Mô hình trồng lúa hữu cơ chỉ dùng thảo mộc phun trị bọ trĩ cũng như dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: QL.

Mô hình trồng lúa hữu cơ chỉ dùng thảo mộc phun trị bọ trĩ cũng như dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: QL.

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết thực hiện 5,2ha mô hình trồng lúa, 0,6ha trồng hành tím và 0,7ha trồng bưởi da xanh. Tất cả các mô hình trên đều đem lại hiệu quả tốt về năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho hộ dân.

Khảo sát đánh giá mới đây, mô hình sản xuất dưa hấu hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn 5 không (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại) tại Hợp tác xã Trồng màu Mỏ Ó, thuộc xã Trung Bình đạt hiệu quả rất cao, nhất là về năng suất, chất lượng dưa ngon hơn so với sản xuất theo cách truyền thống, màu sắc dưa đẹp, dưa có độ ngọt, độ giòn, trái dưa bảo quản được lâu, giá bán 9.000 đồng/kg.

Tương tự, mô hình trồng lúa hữu cơ tại hộ ông Trương Văn Chệt, khóm Tân Thành, phường 2 (thị xã Ngã Năm). Bằng hình thức Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ phân bón, các loại chế phẩm sinh học, hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất đã cho năng suất, chất lượng cao hơn, trong khi tiền đầu tư chăm bón thấp hơn so với canh tác theo phương pháp thông thường.

Ruộng lúa chỉ dùng thảo mộc phun trị bọ trĩ cũng như dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm cung cấp, tổng chi phí cho 1 công lúa (1.000m2) là 880.000 đồng, giảm 220.000 đồng so với sản xuất truyền thống…

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước chia sẻ: Các mô hình hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trong lĩnh vực trồng trọt đã cho thấy hiệu quả hết sức rõ rệt, tới đây chúng tôi kiến nghị mở rộng thêm các mô hình chăn nuôi để từ đó thay đổi nhận thức người nông dân nhằm mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Dưa hấu hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn 5 không đạt hiệu quả rất cao, giá bán 9.000 đồng/kg. Ảnh: QL.

Dưa hấu hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn 5 không đạt hiệu quả rất cao, giá bán 9.000 đồng/kg. Ảnh: QL.

Tại tỉnh Long An, từ hai năm nay ông Nguyễn Quốc Trịnh ở xã Phú Long, huyện Châu Thành đã hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ. Từ 400 trụ thanh long tím hồng vào năm 2018, đến nay mô hình đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3 ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn.

Với phương thức Quế Lâm giám sát quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7 - 15%, mỗi vụ thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Từ đó, các mô hình thanh long hữu cơ Quế Lâm ở Long An liên tục được mở rộng.

Đi thực tế các mô hình và hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long rất có khát vọng, họ muốn tự thay đổi nhưng vẫn đang còn có những nút thắt, rào cản. Những vấn đề còn nan giải như lòng tin giữa người dân đối với quản lý nhà nước, người dân với doanh nghiệp, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp… Đó là những khoảng cách, hạn chế.

Tại lễ ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Hồng Lam cũng cho rằng, với nông nghiệp hữu cơ hiện nay còn những khó khăn do nhận thức còn hạn chế và chưa xây dựng được lòng tin lẫn nhau. Chính vì vậy, trước mắt Tập đoàn Quế Lâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân, hợp tác xã thực hiện các mô hình, từ trồng trọt, chăn nuôi đến sản xuất phân hữu cơ vi sinh…

Từ những quyết tâm của cả hệ thống chính trị như tỉnh Đồng Tháp, trên cơ sở Quế Lâm quản lý đầu vào và đảm bảo đầu ra, hướng dẫn và hỗ trợ người nông dân sản xuất bằng quy trình chặt chẽ của tập đoàn chắc chắn sẽ xóa bỏ được những rào cản này và nông nghiệp hữu cơ ở Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ thay đổi.

Ông Nguyễn Hồng Lam: Nông nghiệp hữu cơ ở Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ thay đổi. Ảnh: Tiến Anh.

Ông Nguyễn Hồng Lam: Nông nghiệp hữu cơ ở Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ thay đổi. Ảnh: Tiến Anh.

“Chúng tôi nhìn nhận, Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng và dư địa sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất lớn. Lượng phế thải từ chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, chế biến dư thừa rất lớn. Đó là nguồn nguyên liệu cực kỳ quý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Với phương châm trồng trọt phải gắn với chăn nuôi để tạo nên chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Tập đoàn Quế Lâm khẳng định luôn sẵn sàng cùng với các địa phương như Đồng Tháp rút ngắn chặng đường chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ. Bởi chỉ có kinh tế tuần hoàn người nông dân mới có thể giàu được”, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định. 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất