| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty Nông, lâm nghiệp (Tiếp theo& hết)

Chủ Nhật 16/03/2014 , 13:54 (GMT+7)

Phần tiếp theo bài viết của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về thay đổi căn bản trong sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty nông, lâm nghiệp. 

 
Về phương hướng: tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020 theo hướng:

1. Tiếp tục duy trì, củng cố phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: đối với các công ty nông nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh kết hợp an ninh - quốc phòng, tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.

Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất: sẽ được sắp xếp lại theo 2 hình thức:

(1) Các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

(2) Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện nhiệm vụ công ích, đồng thời được huy động các nguồn tài chính phục vụ bảo vệ, phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng hoặc chuyển sang Ban quản lý rừng.

2. Thực hiện cổ phần hóa các công ty nông nghiệp và công ty lâm nghiệp  (quản lý chủ yếu rừng trồng). Theo quy định về tiêu chí phân loại danh mục doanh nghiệp thì các công ty này thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối, nhưng do đặc thù của các công ty nông, lâm nghiệp quản lý quỹ đất đai lớn, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhiều công ty đã, đang giao khoán đất ổn định lâu dài cho người lao động liên quan đến đồng bào dân tộc nên việc cổ phần hóa cần được thực hiện chặt chẽ.

Do vậy, trước mắt nhà nước giữ 65% trở lên, sau năm 2015 sẽ giảm dần theo quy định và tình hình thực tế. Riêng đối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hàng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công ty giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.   

3. Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn công ty nông, lâm nghiệp phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với công nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ nông lâm sản. Công ty thực hiện thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện sản xuất kinh doanh theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt và bảo đảm quyền lợi của người lao động đang nhận giao khoán đất của công ty.

4. Giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng (thực chất là “phát canh thu tô”), giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai, sản phẩm làm ra; các công ty không cần thiết phải giữ lại. Khi giải thể đất đai phải chuyển về địa phương quản lý sử dụng theo quy hoạch

Về nhiệm vụ, giải pháp: Các Bộ, ngành được phân công chủ trì phối hợp với cáp ủy đảng, chính quyền các cấp, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ phát triển rừng, cơ chế tài chính, tín dụng và khoa học công nghệ để các công ty nông, lâm nghiệp có cơ sở hành lang pháp lý triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty, cụ thể là:

1. Tiếp tục rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo hướng hình thành mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, nông - lâm - công kết hợp, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa, giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất; nâng cao đời sống của người dân. Công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành chủ thể chính trong mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng, đơn vị khoa học công nghệ, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

2. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất, nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả hơn đất đai, tài nguyên rừng: trước hết, cấp Ủy Đảng, chính quyền các cấp, Bộ, ngành chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định rõ diện tích từng loại đất tiếp tục giữ lại để quản lý, sử dụng; diện tích phân bổ cho từng mục đích sử dụng phù hợp với nhiệm vụ được giao; diện tích đất phải chuyển giao về địa phương. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất chưa đúng quy định, đất cho thuê, cho mượn; đất bị lấn chiếm, tranh chấp; đất giao khoán; đất ở, đất kinh tế hộ gia đình; đất liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác đầu tư.  Phấn đấu hết năm 2015 hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất đai về địa phương các loại đất mà công ty không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không có hiệu quả, hoang hóa; các nông, lâm trường phải giải thể; các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.

Đổi mới nội dung hình thức quản lý, sử dụng đất trong các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng:

(i) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất các công ty nông, lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ công ích, không phục vụ kinh doanh, đất hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất đúng quy định của pháp luật về đất đai.

(ii) Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích đất giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh, các hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi tiếp nhận đất từ các công ty nông lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại các đối tượng sử dụng đất để giải quyết cho hộ gia đình cá nhân được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất nảo đảm nguyên tắc:

(i) ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán đất trực tiếp sản xuất.

(ii) Hộ gia đình, cá nhân  đang được nhận giao khoán đất sẽ được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất.

(iii) diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không cao hơn diện tích bình quân của các hộ dân đang sử dụng đất tại địa phương.

3. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp vay vốn. Bổ sung hoàn hiện hình thức giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý chăm sóc bảo vệ, theo nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ phát triển rừng và cùng hưởng lợi. Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt không có khả năng phục hồi, được lập dự án cải tạo để trồng rừng mới hoặc trồng cây công nghiệp hiệu quả hơn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở  tiêu chí phân loại rừng tự nhiên nghèo kiệt được chuyển đổi. 

Việc thu hoạch sản phẩm rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng quyết định về thời điểm và được tự do tiêu thụ. Thực hiện quản lý rừng bền vững có chứng chỉ rừng quốc tế  về quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu và trung bình. Thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất nhưng chưa có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt và chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững; rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chưa có khai thác.

4. Rà soát bổ sung cơ chế tài chính phù hợp với nội dung sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng coa hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp. Nhà nước bổ sung vốn điều lệ theo quy định đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc Nhà nước giữ cổ phần chi phối; Nhà nước có chính sách đầu tư, phát triển rừng trồng trên diện tích đất được quy hoạch là rừng phòng hộ, đặc dụng, chi phí bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên chưa có phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững. Bổ sung sửa đổi chính sách tài chính, hạch toán phù hợp với đặc thù sản xuất nông, lâm nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng,…

Tiếp tục thực hiện chế độ đối với lao động dôi dư trong khi sắp xếp, chuyển đổi theo quy định hiện hành. Công ty nông, lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công nhân và người lao động đang làm việc.

Đổi mới việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông sản. Các công ty nông lâm nghiệp phải có chương trình, kế hoạch triển khai, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ, khoa học và công nghệ về giống mới, phân bón, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nhằm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và dịch vụ tốt về sản xuất, canh tác, thị trường, giá cả cho nhu cầu sản xuất của công ty và nhân dân trong vùng. Các công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong việc hình thành và thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ sở khoa học công nghệ.

5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với công ty nông, lâm nghiệp. Cấp ủy Đảng, chính quền các cấp phải nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển  công ty nông, lâm nghiệp. Chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định hiện hành.

***

Sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ lớn, khó khăn, có liên quan trực tiếp đến đất đai, tài nguyên rừng, việc làm, thu nhập và đời sống của bộ phận không nhỏ người lao động và nhân dân trong vùng. 

Do vậy, phải có sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, nhiện vụ giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông lâm nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo sát sao tập trung kiên quyết của các cấp chính quyền địa phương của các Bộ ngành có liên quan và sự quyết tâm thực sự đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp mới có thể thực sự tạo sự đột phá làm thay đổi căn bản quản trị nâng cao hiệu quả hoạt động tại các công ty nông, lâm nghiệp trong thời gian tới./.

Phần đầu của bài viết quý vị độc giả có thể theo dõi tại đây.

 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.