| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao sức khỏe cây trồng góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm

Thứ Hai 13/05/2024 , 18:42 (GMT+7)

Ông Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân ngày Ngày Quốc tế Sức khỏe cây trồng 2024.

Ông Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Sức khỏe cây trồng 2024 xoay quanh sức khỏe cây trồng, thương mại an toàn và công nghệ số. Xin ông cho biết lý do FAO chọn chủ đề này và mối liên hệ giữa 3 yếu tố này trong phát triển nông nghiệp?

Cây trồng cung cấp 80% lượng thực phẩm chúng ta ăn và 98% lượng oxy chúng ta thở. Nhiều năm qua, du lịch và thương mại quốc tế dẫn đến sự xâm nhập và lây lan của dịch hại trên cây trồng. Các loài gây hại xâm lấn là một trong những nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và đe dọa mạng lưới sự sống mỏng manh đang duy trì hành tinh của chúng ta.

Sâu bệnh cũng có liên quan mật thiết đến việc trái đất đang ấm dần lên, tạo ra những ổ dịch mới cho sâu bệnh cư trú và lây lan. Cùng với đó, việc sử dụng thuốc BVTV đôi lúc còn thiếu kiểm soát, gây hại cho các loài thụ phấn, thiên địch và những sinh vật quan trọng.

Bảo vệ sức khỏe cây trồng là điều cần thiết bằng cách thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch thực vật trong thương mại cũng giúp ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch hại xuyên biên giới.

Ngày Quốc tế Sức khỏe cây trồng năm nay, FAO kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức và hành động để giữ cho cây trồng luôn khỏe mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như thương mại an toàn cho nền kinh tế và sinh kế bền vững.

Chúng tôi chọn chủ đề này vì mỗi năm có hơn 240 triệu container vận chuyển hàng hóa di chuyển giữa các quốc gia, trong đó bao gồm các sản phẩm thực vật, gây ra rủi ro về an toàn sinh học. Đồng thời, khoảng 80% các lô hàng thương mại quốc tế bao gồm vật liệu đóng gói bằng gỗ cũng tạo ra con đường lây truyền dịch hại. Kết quả là các loài dịch hại gây ra thiệt hại khoảng 220 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.

Ngoài ra, những thách thức toàn cầu chưa từng có mà chúng ta phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu đòi hỏi những cách tiếp cận mới, đưa công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ các quốc gia có hệ thống cảnh báo sớm và giám sát dịch hại mạnh mẽ hơn.

Bảo vệ sức khỏe cây trồng là điều cần thiết, thông qua việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM), hay chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto) giúp việc giao thương trở nên nhanh chóng và an toàn hơn.

FAO có nhiều hoạt động đẩy mạnh số hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia trên thế giới. Ảnh: FAO.

FAO có nhiều hoạt động đẩy mạnh số hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia trên thế giới. Ảnh: FAO.

Từ năm 2021, với sự hỗ trợ của FAO, Việt Nam đã xây dựng đề án về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giúp giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan tới dịch hại, môi trường và sức khỏe con người. Sau gần 3 năm triển khai, xin ông chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên về công nghệ để đảm bảo sức khỏe cây trồng?

Tôi muốn đặt đề án IPHM vào trong bối cảnh là Chính phủ, thông qua Bộ NN-PTNT và FAO đã xây dựng khung chương trình quốc gia cho giai đoạn 2022 - 2026 (CPF). Khung chương trình này đóng góp không nhỏ vào Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thông qua ngày 28/3/2023.

Khung chương trình quốc gia CPF được xây dựng dựa trên một số trụ cột. Thứ nhất là cách tiếp cận "một sức khỏe". Thứ hai là ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba là an toàn thực phẩm, sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như sinh kế công bằng cho tất cả mọi người. Cuối cùng là trụ cột xuyên suốt về chính phủ, giới và người khuyết tật.

Với sự hỗ trợ dành cho IPHM, cách tiếp cận "một sức khỏe" cây trồng là tố rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở Việt Nam. Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt rất nhiều, có thể kể ra như sự phát triển, vận động không ngừng của thế giới. Hôm nay bạn giải quyết bệnh này, ngày mai lại có bệnh mới. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân luôn phải trong trạng thái sẵn sàng bất cứ lúc nào.

Tôi cho rằng, thách thức mà hầu hết các bên phải đối mặt là đảm bảo rằng những tác nhân và nguồn lực chủ chốt đảm bảo cho sức khỏe cây trồng luôn có nhận thức rõ ràng về sự biến động mới trên toàn cầu. Các quốc gia không chỉ có chung đường biên giới mà còn có chung những vấn đề chung về sức khỏe và dịch bệnh thực vật.

Trên cơ sở có cách tiếp cận đúng đắn về sức khỏe cây trồng, chúng ta sẽ cùng nhau góp phần hiện thực hóa kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở Việt Nam.

Ở góc độ của FAO, chúng tôi chủ trương hỗ trợ các chính phủ những phương pháp tiếp cận khoa học, đổi mới và công nghệ mới nhất. Trong đó, bao gồm bảo tồn nguồn tài nguyên di truyền thực vật, phát triển các giống hữu hiệu và các cây trồng có tính chống chịu để tăng năng suất. Nó cũng liên quan đến việc quản lý dịch hại và dịch bệnh bền vững bằng cách hợp tác chặt chẽ với từng quốc gia và cộng đồng như Công ước Bảo vệ thực vật Quốc tế (IPPC) .

FAO hỗ trợ Việt Nam thực hiện có hiệu quả đề án IPHM và sắp tới là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Ảnh: TL.

FAO hỗ trợ Việt Nam thực hiện có hiệu quả đề án IPHM và sắp tới là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Ảnh: TL.

- Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi thực phẩm theo hướng bền vững, như triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại ĐBSCL. Là nhà tài trợ chính cho chương trình IPHM tại Việt Nam, những hoạt động, hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo mà FAO sẽ triển khai là gì để phù hợp với tình hình mới của Việt Nam?

Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là một phần trong kế hoạch hành động tổng thể quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. FAO ngay từ đầu đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chương trình này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và các bên liên quan khác trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong nông nghiệp. Theo báo cáo của World Bank, nông nghiệp chiếm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.

Lúa gạo là tác nhân chính gây ra lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp. Đó cũng là lý do FAO đang hỗ trợ phát triển các công cụ như công cụ đo lường, báo cáo và xác minh để đo lượng khí thải metal trong sản xuất lúa gạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thu thập dữ liệu và giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định.

Với chương trình 1 triệu ha lúa, việc áp dụng công nghệ, đổi mới là điều cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ chính phủ trong huy động các nguồn tài chính công, hợp tác công – tư, hay xã hội hóa để thực hiện đề án này.

Cũng không thể bỏ qua nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Vì vậy, FAO rất quan tâm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác Bắc - Nam, Nam - Nam và Ba bên, đồng thời đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Đây thực sự sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công chương trình 1 triệu ha lúa.

Nâng cao sức khỏe cây trồng góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: TL.

Nâng cao sức khỏe cây trồng góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: TL.

Năm 2024, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số của Việt Nam lựa chọn chủ đề là phát triển kinh tế số. Với nông nghiệp, kinh tế số tập trung chủ yếu trong thương mại điện tử. Ông có lời khuyên gì với Việt Nam để vừa phát triển thương mại điện tử, vừa đảm bảo thương mại an toàn?

Chính sách đổi mới nông nghiệp ở Việt Nam đã và đang cải thiện đáng kể hệ thống lương thực, thực phẩm. Nhờ sự ra đời của công nghệ, các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, tăng năng suất... Ở một góc độ nào đó, công nghệ và tiến tới là số hóa có thể coi là chìa khóa tăng tốc chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở Việt Nam.

Đẩy mạnh thương mại điện tử là một phần trong việc số hóa nền kinh tế. Ví dụ, ngày nay chúng ta biết rằng máy móc tự động có thể tưới nước, phân bón trên đồng ruộng. Thương mại phát triển đồng nghĩa với nguy cơ lây lan dịch bệnh gia tăng. Do đó, FAO tin rằng những công cụ như chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, góp phần đảm bảo thương mại an toàn giữa các quốc gia.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngày 12/5 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Sức khỏe cây trồng nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu rằng: Bảo vệ sức khỏe cây trồng có thể giúp chấm dứt nạn đói, giảm nghèo, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng con giống cho người dân Hải Phòng

HẢI PHÒNG Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã thăm, chia sẻ, động viên và tặng quà người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Ninh Thuận khẩn trương dập dịch tả lợn Châu Phi

Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng dập dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Bình luận mới nhất