| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao uy tín gỗ Việt Nam bằng các chuỗi giá trị hợp pháp

Thứ Sáu 28/10/2022 , 14:07 (GMT+7)

Ngành gỗ Việt Nam phải đảm bảo 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp, phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế.

Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề thúc đẩy 'Các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam' trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần 'hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề thúc đẩy “Các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp”. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 28/10, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA FLEGT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.  

Diễn đàn với sự tham gia của 150 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, các Bộ ngành liên quan, Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức, các viện nghiên cứu và các trường đại học, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành liên quan khác (bao gồm các Chi cục Kiểm lâm, các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, chủ rừng, …), các tổ chức thành viên Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA FLEGT và các tổ chức phi chính phủ. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Điển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Điển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mục tiêu của Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” là thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Qua đó, góp phần thúc đẩy các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam cũng như các đối tác thương mại thông qua tăng cường công tác truyền thông và chia sẻ thông tin về những hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Điển cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt gần 15 tỷ USD bất chấp đại dịch Covid-19, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ đô la Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này, ông Điển cho rằng, ngành gỗ cần làm nhiều việc, trong đó cần tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu.

"Phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Hợp pháp và bền vững là hai từ khóa cho ngành gỗ trong bối cảnh mới, khi mà các quốc gia đều đưa ra các quy định mới về gỗ hợp pháp để góp phần chống lại nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở các nước sản xuất.

Chúng ta cần xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nói.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu đồ gỗ, tầm nhìn của Bình Dương là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng bền vững, hiệu quả, hiện đại.

"Diễn đàn là cơ hội để tỉnh Bình Dương truyền tải định hướng phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh, cũng nhất quán với định hướng chung của Chính phủ về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, tới các bên liên quan trong và ngoài nước”, ông Bông nói.

Trong nhiều năm qua, Hợp tác Phát triển Đức là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển rừng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý các khu bảo tồn và rừng bền vững. Hỗ trợ của Hợp tác Đức đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình đàm phán và nay là thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.

EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9,2 % thị phần xuất khẩu.

Hiệp định VPA/FLEGT tạo điều kiện để Việt Nam giải quyết tận gốc vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, quản lý rừng bền vững, thương mại gỗ có trách nhiệm, thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế. 

Đảm bảo các chuỗi cung ứng gỗ bền vững là một trong những ưu tiên về mặt chính sách của Chính phủ Đức thông qua Đạo luật về hệ thống trách nhiệm giải trình doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng. Chính phủ Đức đang vận động thông qua các quy định pháp luật áp dụng cho các chuỗi giá trị toàn cầu, dự kiến các quy định này sẽ được phê chuẩn trước thời điểm cuối năm nay.

"Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, cam kết cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng cùng với sự ủng hộ đồng hành của Liên minh Châu Âu, các tổ chức quốc tế và trong nước, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ được thực hiện thành công và Việt Nam sớm cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu vào EU, góp phần thúc đấy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Điển khẳng định.

Cũng tại diễn đàn, phiên thảo luận cấp cao với chủ đề "Thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp”.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham quan Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương nhằm tìm hiểu về thực tiễn tuân thủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA FLEGT và Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, hợp tác với các cộng đồng địa phương, cũng như tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và xã hội.

Các đại biểu tham quan Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương.

Các đại biểu tham quan Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương.

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã có hiệu lực kể từ tháng 6/2019. Tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102 nhằm quy định những nội dung chính của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam. Khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành, Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES vào thị trường Liên minh Châu Âu. Tương ứng, phía Liên minh Châu Âu cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam vào thị trường nếu gỗ đó có giấy phép FLEGT (chứng thực tính hợp pháp của gỗ hoặc sản phẩm gỗ - PV). hoặc giấy phép CITES còn hiệu lực.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.