| Hotline: 0983.970.780

Nâng giá trị khoai lang

Thứ Hai 04/03/2019 , 14:20 (GMT+7)

Những năm trước đây, cây khoai lang ở Quảng Bình được khái niệm như là cây chống đói. Vì vậy, giá trị hàng hóa rất thấp.

Vài năm trở lại đây, nông dân đã biết phát huy thế mạnh, đưa cây khoai lang thành một sản phẩm nông nghiệp có thu nhập cao gấp 3-5 lần cây lúa…

16-12-04_nnvn__1-_nong_dn
Người dân Thanh Thủy phát triển diện tích cây khoai lang

Về vùng cát trắng nghe chuyện trồng khoai lang làm giàu cũng không là điều ngạc nhiên. Nông dân Nguyễn Văn Hải (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) bộc bạch: “Trung bình mỗi ha khoai lang chi phí giống, phân bón và công chăm sóc khoảng 15 triệu đồng. Sau 4 tháng thì thu hoạch. Năng suất bình quân đạt  từ 10 - 12 tấn củ/ha, giá bán trên thị trường là 10 - 12 triệu đồng/tấn. Trừ trừ chi phí, người dân sẽ có lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha”...

Cũng theo ông Hải, nếu khoai đẹp, nhiều bột , bán cho người tiêu dùng nấu ăn cho đỡ thèm thì giá bán có thể lên đến 50 - 70 ngàn đồng/kg. “Tính ra, cao gấp nhiều lần so với cây lúa”, ông Hải cho biết thêm.

Từ củ khoai lang chống đói ngày nào, qua chế biến, thương hiệu “khoai deo Hải Ninh” có tiếng trong cả nước. Bình quân mỗi vụ khoai, người dân xã biển Hải Ninh chế biến, tạo ra 175 tấn khoai deo, với giá bán hiện nay là 100 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu 17,5 tỷ đồng. Nhờ các cơ sở sản xuất khoai deo này mà gần như toàn bộ sản lượng củ khoai lang thương phẩm đều được tiêu thụ hết với giá bán ổn định, tạo sự yên tâm cho người trồng và có được thu nhập cao, ổn định...

Chúng tôi về xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) thăm cơ sở sản xuất khoai deo Lâm Hường do anh Phan Xuân Lâm là chủ để biết thêm về người đã đi đầu về việc nâng tầm giá trị của cây khoai lang. Vài năm trước, khi người dân trong xã mở rộng diện tích trồng khoai lang lên hàng trăm ha thì anh Lâm đã nảy sinh ý định chế biến củ khoai để tiêu thụ cho bà con.

“Phải tạo nên nhiều sản phẩm từ củ khoai lang thì mới nâng cao giá trị và giới thiệu sản phẩm đa dạng của củ khoai lang đến tay người tiêu dùng”, anh Lâm chia sẻ.

Ban đầu, anh Lâm thu mua khoai củ đưa về sân nhà ủ trong khoảng một tháng để khoai chuyển hóa tinh bột thành đường nhằm tạo cho lát khoai deo ngọt và mềm dẻo. Sau đó, khoai được nấu chín và cắt thành lát mỏng đưa vào lò hấp sấy. Những hôm gặp trời nắng thì khoai được phơi hong cho khô. Qua bước chế biến đó, sản phẩm khoai deo được đóng gói và đưa đến tay người tiêu dùng.

Theo anh Lâm, cứ 3 kg khoai củ, sau khi chế biến được 1 kg khoai deo. “Nếu 3 kg khoai củ có giá 30 ngàn đồng, sau khi chế biến thành sản phẩm khoai deo thì được bán với giá 100 ngàn đồng. Vậy là giá trị củ khoai lang được nâng lên rất nhiều lần”, anh Lâm nói thêm.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm khoai deo, anh Lâm còn vận dụng và phát huy sản phẩm từ củ khoai truyền thống. Qua nhiều lần thất bại nhưng anh Lâm không nản lòng. Đến nay, sản phẩm từ khoai lang của cơ sở Lâm Hường đã có mặt trên thị trường như mứt khoai, tinh bột khoai, bột khoai nguyên liệu làm bánh. Mỗi sản phẩm đều mang hương vị và đặc trưng khác nhau và đều được người tiêu dùng đánh giá cao.

Mời chúng tôi thưởng thức món mứt khoai trong dịp đầu năm, anh Lâm cho hay: “Trong dịp tết Kỷ Hợi vừa qua, nhiều đơn hàng đặt mứt khoai lắm. Nhưng do số lượng sản phẩm chưa được nhiều nên không thể đáp ứng được. Gần tết, nhiều cơ sở gọi điện mua hàng mà không thể cung cấp được. Kế hoạch tới, cơ sở chúng tôi sẽ tăng thêm lượng sản phẩm này”.

16-12-04_nnvn__2-_sn_phm
Sản phẩm từ khoai lang của cơ sở Lâm Hường

Được biết, sản phẩm từ khoai của cơ sở Lâm Hường giờ đây đã vươn ra thị trường cả nước. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh Lâm tiêu thụ cho bà con nông dân trong xã khoảng 500 tấn khoai củ nguyên liệu. Sau khi trừ các khoản chi phí, cơ sở có lãi hơn 400 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quang Đồng, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết, đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 160 ha đất trồng dưa hấu, đậu các loại sang trồng cây khoai lang để có thu nhập cao. “Nếu 5 năm trước, xã Thanh Thủy có 25% hộ nghèo, thì nay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có việc trồng khoai lang mà tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 4,5%”, ông Đồng cho hay.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Bình, vụ ĐX năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 1.500 ha cây khoai lang, chủ yếu trên chân đất cát ven biển. Phần lớn là giống khoai lang tím Nhật Bản, khoai lang đỏ Chuồn. Ưu điểm của các giống khoai lang này là rất hợp với đất cát. Khoai có chất lượng, được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao.

 

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất