Thứ Ba, 14/1/2025 16:42 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Hồ Thác Bà dưới mực nước chết, thủy sản lồng bè thoi thóp

Thứ Hai 12/06/2023 , 06:30 (GMT+7)

YÊN BÁI Nước hồ Thác Bà xuống dưới mực nước chết đã khiến hàng nghìn lồng bè nuôi thủy sản rơi vào tình cảnh hết sức gay go.

Khẩn trương "sơ tán" lồng bè

Nhiều tháng nay, mực nước hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái) xuống thấp kỷ lục trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Nước cạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành điện, việc tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở khu vực hạ lưu, đặc biệt những hộ dân nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà hết sức khốn đốn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở tổ 13 (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, Yên Bái) làm nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã gần 10 năm nay. Chưa năm nào nghề nuôi cá lồng của gia đình bà lại gặp khó khăn như bây giờ do mực nước hồ xuống quá thấp. Đây cũng là mực nước thấp chưa từng có trong vòng hơn 20 năm qua.

Người nuôi cá trên hồ Thác Bà phải di chuyển lồng cá tới các điểm nước sâu hơn để tránh thiệt hại. Ảnh: Thanh Tiến.

Người nuôi cá trên hồ Thác Bà phải di chuyển lồng cá tới các điểm nước sâu hơn để tránh thiệt hại. Ảnh: Thanh Tiến.

Để đảm bảo mực nước an toàn cho các lồng cá, gia đình bà đã phải di chuyển 80 lồng từ xã Thịnh Hưng về thị trấn Yên Bình với khoảng cách hơn 10km đường thuỷ trong vòng ròng rã 15 ngày. Khó khăn càng chồng chất hơn khi 5 tấn cá các loại đang trong chu kỳ phát triển bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 650 triệu đồng. Nguyên nhân số lượng cá chết nhiều như vậy là do trong quá trình di chuyển mực nước không ổn định, kèm theo nắng nóng, ngưng đọng nhiều bùn bẩn dẫn đến lượng oxy trong nước thiếu hụt làm cá chết nhiều.

Để thuận tiên cho việc vận chuyển thức ăn và điện sinh hoạt, gia đình bà đã phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng đầu tư đường giao thông cũng như kéo điện lưới từ đất liền ra khu vực lồng bè nuôi thủy sản của gia đình mình.

Bà Nguyễn Thị Hà lo lắng chia sẻ: “Thời tiết năm nay mưa ít, nước hồ cạn, mực nước chỉ được từ 1,5m đến 2m nên cá nuôi trong lồng chết rất nhiều. Mỗi ngày nắng nóng, gia đình phải vớt từ 30 - 40kg cá chết, thật sự rất xót ruột. Cả cá giống và cá thịt đều bị chết. Tình hình hiện rất gay go, nếu mực nước hồ không được cải thiện trong thời gian tới sẽ càng bi đát".

Cũng chung cảnh ngộ do mực nước hồ xuống thấp, HTX thủy sản Hoàng Kim là một trong những đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình. HTX hiện có 300 lồng nuôi các loại cá như trắm, chép, rô phi…, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Tuy nhiên bước vào vụ cá năm nay, HTX đã gặp không ít khó khăn do mực nước hồ xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc cũng như bán cá ra thị trường.

Mực nước hồ Thác Bà xuống rất thấp nên HTX thủy sản Hoàng Kim (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) phải theo dõi tình hình sức khỏe của đàn cá rất chặt chẽ. Ảnh: Thanh Tiến.

Mực nước hồ Thác Bà xuống rất thấp nên HTX thủy sản Hoàng Kim (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) phải theo dõi tình hình sức khỏe của đàn cá rất chặt chẽ. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay khiến lượng nước trong hồ cạn sâu, nước đục và làm môi trường nước thay đổi đột ngột, gây ra thiếu oxy cục bộ. Hàm lượng oxy hoà tan trong nước và các chỉ số bất lợi cho thủy sản đều vượt ngưỡng cho phép đã làm cho 2 tấn cá của HTX bị chết, ước tính thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Quản lý sản xuất HTX Thủy sản Hoàng Kim cho biết: “Hiện tại mực nước hồ xuống quá thấp, điện lại bị cắt luân phiên, vì vậy chúng tôi thường xuyên phải sử dụng máy phát điện để chạy máy sục oxy cho các lồng cá, tuy nhiên mọi thứ cũng không thể đáp ứng được.

Trên các lồng cá, chúng tôi vẫn nỗ lực tạo các guồng nước tạo dòng chảy để bổ sung lượng oxy cần thiết. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, bây giờ cũng chỉ biết cầu trời có mưa để nâng mực nước trong hồ, chứ nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chúng tôi cũng chưa có biện pháp nào ứng phó".

Nguy cơ dịch bệnh bủa vây

Xã Phúc An (huyện Yên Bình) là một trong những địa phương có số lượng lồng cá lớn với 80 lồng cá các loại. Thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi thuỷ sản của các hộ dân nơi đây.

Nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ là thức ăn chính cho cá. Nay nước cạn, nguồn lợi thủy sản này không thể khai thác được, gia đình nào cũng phải bỏ tiền mua thức ăn cho cá. Cùng với việc thiếu thức ăn, nước cạn dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh trên cá ngày càng tăng. Nước ít, lượng oxy trong nước thấp, ngưng đọng nhiều bùn bẩn gây bất lợi cho cá. Trong tình hình này, nếu thời gian tới trời có mưa, nước trên đồi sẽ chảy xuống lòng hồ, gây sục bùn. Do vậy, người nuôi cá vừa phải đối phó với nắng hạn hiện tại, lại vừa nơm nớp trời mưa nên phải thường xuyên di chuyển lồng ra lòng hồ để phòng dịch bệnh. 

Hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản ở hồ Thác Bà đang đối mặt nguy cơ 'mắc cạn' nếu trời tiếp tục nắng hạn. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản ở hồ Thác Bà đang đối mặt nguy cơ "mắc cạn" nếu trời tiếp tục nắng hạn. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình có gần 2.000 lồng nuôi cá của hàng trăm hộ dân. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cá lồng trong giai đoạn chuyển mùa, đơn vị chức năng của huyện Yên Bình khuyến cáo các hộ nuôi cần chủ động các biện pháp đối phó với nắng nóng, hạn hán còn có khả năng kéo dài, đảm bảo môi trường sống cho cá lồng; đồng thời cần vệ sinh lồng cá, loại bỏ rong rêu, rác thải bám xung quanh lưới lồng, khơi thông dòng lưu thông nước trong và ngoài lồng để không bị thiếu oxy cục bộ cho cá trong lồng nuôi.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết: “Chúng tôi đã có những văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người dân nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại những điểm nước cạn bị ảnh hưởng thì di chuyển đến những điểm nước sâu hơn. Đối với những doanh nghiệp, HTX có điều kiện, khuyến cáo đưa các máy sục oxy để tạo oxy cho những ngày nước cạn, nắng nóng để hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

Để duy trì và chăm sóc tốt các lồng cá trong mùa nắng nóng, các hộ dân cũng như các cơ sở nuôi cá cần tăng cường sức khỏe cho cá, thường xuyên theo mực nước, tăng cường quạt nước để trao đổi oxy. Ngoài ra, cần phải bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi và lựa chọn những loại thức ăn phù hợp, chất lượng, tránh ăn những thức ăn bị ôi, thối, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh trưởng của cá cũng như đảm bảo môi trường.

Do nắng nóng kéo dài, các nguồn nước đầu nguồn về rất thấp. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, thời điểm này, mực nước hồ Thác Bà đang dao động từ 45 đến 46m, thấp hơn mực nước chết 15cm đến 20cm.

Xem thêm
Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.