| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm chăn nuôi với trang trại quy mô công nghiệp

Thứ Ba 27/09/2022 , 10:25 (GMT+7)

Để đảm bảo sự phát triển, Lâm Đồng thực hiện chăn nuôi theo trang trại quy mô lớn, công nghiệp và đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết.

Phát triển dù gặp nhiều bất lợi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi, giá nhiên liệu tăng cao và dịch bệnh nhưng ngành chăn nuôi địa phương vẫn phát triển ổn định.

Theo đó đàn lợn có xu hướng tăng do người chăn nuôi đầu tư tái đàn để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Đàn bò thịt và gia cầm ổn định, sản xuất dâu tằm phát triển tốt. Riêng đàn bò sữa giảm nhẹ do một số cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ giảm đàn, chuyển đổi ngành nghề.

Hiện đàn lợn tại tỉnh Lâm Đồng có xu hướng tăng do người chăn nuôi đầu tư tái đàn để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện đàn lợn tại tỉnh Lâm Đồng có xu hướng tăng do người chăn nuôi đầu tư tái đàn để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, chất lượng đàn vật nuôi của tỉnh thời gian qua được nâng cao với tỷ lệ đàn bò sữa thuần đạt trên 90%, bò lai đạt trên 78%, tỷ lệ giống heo ngoại và heo lai đạt trên 95%.

Hiện nay, ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển theo hướng trang trại quy mô lớn và hướng an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh này cũng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi, lợn, gà và hoạt động hiệu quả.

Theo số liệu thống kê, 8 tháng đầu năm 2022, đàn lợn của địa phương đạt trên 445 nghìn con, tăng 6% so cùng kỳ, đàn bò sữa khoảng 24,6 nghìn con, đàn gia cầm đạt gần 10 triệu con. Ước tổng sản phẩm thịt hơi các loại đạt khoảng 85,8 nghìn tấn.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng trên 1,3 nghìn trang trại chăn nuôi, trong đó có 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 872 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và khoảng 28 nghìn hộ chăn nuôi. Tỷ lệ gia súc, gia cầm chăn nuôi trong các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 37% tổng đàn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, 8 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương có diễn biến phức tạp. Trong đó bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 85 hộ của 2 huyện làm 97 con bò bị mắc bệnh (bò chết, tiêu huỷ là 31 con), bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 65 hộ của 4 huyện làm 598 con mắc bệnh, chết phải tiêu hủy.

Chăn nuôi công nghiệp hiện đại

Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tập trung theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp hiện đại.

Tỉnh này cũng xác định bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm tiếp tục là các đối tượng vật nuôi chính. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng hướng đến phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết. Đồng thời giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm tăng sức cạnh tranh ngành chăn nuôi. Tỉnh cũng hướng đến nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng ước thực hiện tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 5% so với  năm 2021, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đạt khoảng 18%.

Phát triển tăng quy mô đàn và sản lượng với đàn gia súc đạt khoảng 585 nghìn con (tăng 8,1% so với cùng kỳ), trong đó đàn trâu 13,6 nghìn con, đàn bò 101 nghìn con, đàn lợn 452 nghìn con và đàn gia cầm 11,4 triệu con. Ước tổng sản phẩm thịt hơi các loại đạt khoảng 108 nghìn tấn, sữa tươi 107 nghìn tấn.

Để phát triển ổn định, nâng cao giá trị, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

Để phát triển ổn định, nâng cao giá trị, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

Đến năm 2023, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5,5-6%, duy trì và nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đạt trên 18%.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định phê duyệt đề án phát triển bò thịt cao sản, đề án phát triển chăn nuôi bò sữa và đề án liên kết sản xuất, chế biến. Tỉnh cũng phê duyệt đề án tiêu thụ nông sản và phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, các đề án đã hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người chăn nuôi có điều kiện để cải tạo giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi truyền thống, tận dụng quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại áp dụng công nghệ cao. Các đề án này cũng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi trong nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt góp phần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững.

Tỉnh Lâm Đồng xác định bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm và tằm là các đối tượng vật nuôi chính của địa phương. Trong đó nghề nuôi tằm gặp nhiều khó khăn về vấn đề giống. Do vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NN-PTNT đẩy nhanh việc đàm phán với Trung Quốc để nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch phục vụ sản xuất. Đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng tăng cường công tác nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất trứng giống tằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của tỉnh và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất ngành dâu tằm tơ tại tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.