| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi Nghệ An ứng phó tốt bệnh lở mồm long móng

Thứ Ba 06/09/2022 , 10:25 (GMT+7)

Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước nên đặc biệt lưu tâm đến công tác tiêm phòng. Thời gian qua, bệnh lở mồm long móng được quản lý tốt.

Empty

Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng quy mô nông hộ chiếm phần nhiều, đòi hỏi công tác quản lý an toàn dịch bệnh phải được chú trọng. Ảnh: Anh Khôi.

Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất, nhì cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, tổng đàn gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 phù hợp với định hướng phát triển ngành: Tổng đàn trâu, bò đạt 772.241 con; đàn lợn đạt 935.051 con, tăng 2,54%; đàn gia cầm 32.162 nghìn con, tăng 9,10%.

Quy mô dẫu lớn nhưng hình thức nông hộ, nhỏ lẻ lại chiếm trên 70%, đồng nghĩa kéo theo muôn vàn nguy cơ tiềm ẩn về lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nói chung. Trong bối cảnh đó, ngành NN-PTNT, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan xác định đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.

Vacxin là một loại chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, được đưa vào cơ thể vật nuôi để kích thích chủ động, qua đó tạo ra kháng thể đặc hiệu nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sử dụng vacxin hợp lý là phương án an toàn, hiệu quả, lại có giá thành phù hợp, vì lẽ đó việc chấp hành tiêm phòng chính là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Chế tài cũng quy định rõ, đối với các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu trách nhiệm theo Luật Thú y. Tại điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ thể hiện: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vacxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.

Tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi hết sức quan trọng tuy nhiên một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tác dụng của tiêm phòng, một số còn trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, việc hệ thống thú y cơ sở bị “chặt đứt” cũng là một rào cản.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, sự nhập cuộc sâu sát, kịp thời của các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là vai trò tham mưu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Đơn cử như năm 2021, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 6 ổ dịch lở mồm long móng tại 5 huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Tân Kỳ, Đô Lương, số gia súc mắc bệnh 87 con gia súc, thấp hơn so với năm 2020 (xảy ra 14 ổ dịch tại 07 huyện, số gia súc mắc bệnh là 173 con). Và đặc biệt, năm 2022, đến thời điểm này chưa ghi nhận ổ dịch lở mồm long móng nào. Tuy nhiên, qua công tác giám sát chủ động cho thấy tỷ lệ lưu hành mầm bệnh khá cao, do đó nhất định không được phép chủ quan, lơ là.

Hàng năm tỉnh Nghệ An đều có chủ trương cấp vacxin LMLM tiêm phòng cho đàn gia súc khu vực miền núi,vùng đệm chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa; vùng ổ dịch; vùng ổ dịch cũ; vùng nguy cơ cao; vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm; vùng nuôi có các chợ buôn bán trâu, bò lớn của tỉnh... nhờ vậy đã hạn chế được tối đa dịch bệnh và bảo về hiệu quả đàn gia súc trên địa bàn.

Song song với công tác tiêm phòng, Nghệ An đã tổ chức triển khai đồng bộ có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Nhờ vậy công tác giám sát được tăng cường, qua đó kịp thời đánh giá nguy cơ dịch có thể xảy ra để sớm đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, vừa hạn chế dịch bệnh phát sinh lại góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi tỉnh nhà.

Empty

Dưới sự tham mưu hiệu quả của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, công tác tiêm phòng trên gia súc, gia cầm đã phát huy tác dụng rõ rệt. Ảnh: Anh Khôi.

Trên thực tế, chăn nuôi Nghệ An đang chuyển dịch đúng hướng, sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được thể hiện rõ với sự nhập cuộc của các ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực này, bao gồm: Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH với tổ hợp trang trại bò sữa gần 25.000 con bò cái vắt sữa; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với 1.500 con bò vắt sữa; Công ty TNHH Massan Farm Nghệ An với 11.000 nái sinh sản; Công ty cổ phần chăn nuôi CP (10 trại lợn, 24 trại gà, 8 trại vịt); Công ty Golden star (25 trại gà lông màu)... Ngoài ra, liên kết chuỗi dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác cũng sớm hình thành và ngày càng phát triển lớn mạnh.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.