| Hotline: 0983.970.780

Chọn công nghiệp hóa làm đột phá trong tái cơ cấu chăn nuôi

Thứ Tư 21/09/2022 , 15:30 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp, hiện đại gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh tham quan, kiểm tra quy trình tự động hóa tại Công ty Phú Lâm. Ảnh: Viết Cường.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh tham quan, kiểm tra quy trình tự động hóa tại Công ty Phú Lâm. Ảnh: Viết Cường.

Theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi nước ta cần ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, điện, nguồn nước và xử lý môi trường cho các cơ sở sản xuất giống, giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi nằm trong khu vực đã được quy hoạch.

Đồng thời, ngành chăn nuôi cần phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Những năm gần đây, các địa phương ở Quảng Ninh đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại. Duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Hiện toàn tỉnh có trên 240 trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nổi bật là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Nuôi bò tập trung tại Công ty TNHH Phú Lâm. Ảnh: Viết Cường.

Nuôi bò tập trung tại Công ty TNHH Phú Lâm. Ảnh: Viết Cường.

Hiện một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã có những bước đầu tư bài bản như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh...

Được biết, Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh với tổng đàn bò của doanh nghiệp mỗi năm lên đến 20.000 - 30.000 con. Hiện trang trại bò Phú Lâm đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Để đạt được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp này đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu thức ăn đảm bảo không gần hóa chất độc hại.

Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện giám sát lâm sàng động vật, lấy mẫu xét nghiệm các vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe vật nuôi, lưu thông tin quá trình vật nuôi bị bệnh và điều trị bệnh; đảm bảo trong thời gian 12 tháng trước đó không xảy ra dịch bệnh lớn, không có ca bệnh lâm sàng và ca mắc của bệnh được cấp chứng chỉ an toàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%), rất khó sản xuất sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, lượng chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường. Đồng thời, tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Về lâu dài, tỉnh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kiểm soát tốt và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, lạm dụng hoặc sử dụng bất hợp pháp thuốc thú y và hóa chất trong chăn nuôi.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2022, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tổ chức tháng cao điểm tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, sát trùng, vệ sinh môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm phục vụ kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh nguy hiểm khác.

Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc.

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.