| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm quản lý mã số vùng trồng

Thứ Hai 28/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

Công tác quản lý mã số vùng trồng cần được nâng thêm một bước nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định ngày càng cao của thị trường thế giới.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) việc cấp mới, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục BVTV trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói trải dài trên 50 tỉnh, thành phố. Đây là một con số rất lớn, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, của các cấp, bộ, ban, ngành.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỉ USD. Đó là những con số đáng khích lệ, đòi hỏi công tác quản lý mã số vùng trồng cần được nâng thêm một bước nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định ngày càng cao của thị trường thế giới.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung chia sẻ về những định hướng trong việc phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương. Ảnh: Bá Thắng.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung chia sẻ về những định hướng trong việc phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương. Ảnh: Bá Thắng.

Một số nơi chưa quan tâm đúng mức

- Thời gian qua, Cục BVTV đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Khi nhìn nhận rằng thương mại nông sản ngày càng phát triển, Cục BVTV cũng xác định được "nhiệm vụ kép" phải hoàn thành, đó là vừa đảm bảo tăng số lượng mã số vùng trồng được cấp mới theo đúng thông lệ quốc tế; vừa duy trì, quản lý chất lượng mã số vùng trồng đã cấp. Trên cơ sở đó, năm 2021 Cục đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT phương án giao khoảng 90% mã số vùng trồng cho địa phương chịu trách nhiệm quản lý.

Theo đó, địa phương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đối với việc cấp mới; thực hiện rà soát, đánh giá với các vùng đã có mã số; sau đó tổng hợp lại và gửi về Cục BVTV. Cục sẽ nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ hồ sơ, trước khi gửi tới các nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nông sản để xác nhận các mã số trên. Cục BVTV sẽ làm đầu mối để liên hệ với các nước và thông tin cho địa phương.

Về phía địa phương, từ cấp quận, huyện, thị xã cho đến tỉnh, thành phố đều có trách nhiệm quản lý, duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong đó, tập trung vào 2 yếu tố tiên quyết, là các tiêu chí cấp mới mã số vùng trồng; và các yếu tố kỹ thuật để xem xét, đánh giá hồ sơ, cả trong lẫn ngoài vùng trồng, cơ sở sản xuất, đóng gói.

Cục BVTV ký thỏa thuận với Sở NN-PTNT Đồng Tháp và An Giang về phát triển mã số vùng trồng hồi tháng 11/2021. Ảnh: Bá Thắng.

Cục BVTV ký thỏa thuận với Sở NN-PTNT Đồng Tháp và An Giang về phát triển mã số vùng trồng hồi tháng 11/2021. Ảnh: Bá Thắng.

Trong quá trình triển khai ban đầu, kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, một số địa phương còn xảy ra bất cập. Vấn đề nổi cộm là chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo ra nguồn lực tương xứng để thực hiện nhiệm vụ; quá trình quản lý, cấp mã số vùng trồng nhiều nơi chưa làm đúng quy định, thậm chí lơ là so với quy định, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Là đơn vị tham mưu cho Bộ NN-PTNT, Cục BVTV đã nhiều lần hướng dẫn, tuyên truyền địa phương cần xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, lấy đó làm cơ sở cấp mã số vùng trồng. Muốn làm được, địa phương phải có sự chủ động cần thiết và tận dụng những xung lực bên ngoài như hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

"Chất lượng mã số vùng trồng cũng là một vấn đề. Cục BVTV vẫn nhận thông báo từ các thị trường xuất khẩu, về việc sản phẩm từ vùng trồng không đạt chất lượng. Dù Cục đã tích cực liên hệ với cơ quan quản lý tại cửa khẩu trong việc rà soát, kiểm dịch hàng hóa, tình trạng nhiều lô hàng không đáp ứng quy định và buộc phải quay đầu vẫn xảy ra.

Rõ ràng, chúng ta phải có biện pháp chấn chỉnh, gắn sản xuất nông nghiệp vào chuỗi giá trị ngành hàng. Mọi công đoạn từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bản quản, phân phối đều phải tiến tới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Dù vậy, công tác báo cáo, cập nhật từ một số địa phương còn chậm, khiến cơ hội đưa nông sản ra thế giới bị ảnh hưởng".

(Ông Hoàng Trung)

Không bỏ bê vùng trồng đã được cấp mã số

- Chuyển giao mã số vùng trồng về địa phương quản lý cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao nhận thức cho cấp cơ sở. Cục BVTV đã có những biện pháp nào để thực hiện điều này?

Lãnh đạo Cục BVTV kiểm tra thực tế vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu. Ảnh: NNVN.

Lãnh đạo Cục BVTV kiểm tra thực tế vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu. Ảnh: NNVN.

Vừa qua, Cục BVTV đã cử đoàn công tác đến các tỉnh phía Nam gồm An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang nhằm kiểm tra, đánh giá công tác phát triển vùng trồng và cơ sở đóng gói trong thực tế. Chúng tôi đã trao đổi, thảo luận với địa phương về các khó khăn trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để tìm cách tháo gỡ.

Tại đây, chúng tôi đã ghi nhận nhiều trăn trở của bà con như: Sản phẩm từ các vùng trồng được cấp mã số với các vùng trồng chưa được cấp mã số có giá bán không khác nhau, khiến người dân không mặn mà trong việc được cấp và duy trì mã số sau khi được cấp.

Một trở ngại nữa là việc ghi chép nhật ký canh tác. Trong đó, việc ghi chép đầy đủ các thông tin, nhất là tên thuốc BVTV khiến nhiều nông dân lớn tuổi dễ viết sai do không đọc được tên thuốc.

Qua lắng nghe các ý kiến, Cục BVTV đã tận tình giải đáp các thắc mắc về mã số vùng trồng. Song song với cấp mới, chúng tôi sẽ phối hợp Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố rà soát lại toàn bộ mã số của các vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng vi phạm mã số. Chẳng hạn tại Tiền Giang vừa qua, Cục BVTV đã thu hồi, hủy 32 mã số vùng trồng và 451 mã số cơ sở đóng gói.

Sau khi chuẩn hóa, địa phương sẽ bổ sung thông tin mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói lên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến tới việc quản lý cấp mã số trên hệ thống này nhằm hạn chế hồ sơ, giấy tờ.

Cục BVTV khuyến cáo nông dân và các địa phương cần chú trọng duy trì các mã số vùng trồng đã được cấp vì những lợi ích lâu dài, không vì những khó khăn trước mắt mà bỏ bê. Ảnh: NNVN.

Cục BVTV khuyến cáo nông dân và các địa phương cần chú trọng duy trì các mã số vùng trồng đã được cấp vì những lợi ích lâu dài, không vì những khó khăn trước mắt mà bỏ bê. Ảnh: NNVN.

Về giá bán của sản phẩm từ vùng trồng được cấp mã số, chúng tôi kiên trì tuyên truyền cho bà con về hoạt động xuất khẩu. Đây là một hành trình dài, không thể vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ bê, không duy trì vùng trồng đã được cấp mã số. Cấp một mã số vùng trồng đã khó nhưng duy trì nó còn khó hơn gấp bội. Trong bối cảnh, các nước đều tiến dần đến tiêu chí minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chúng ta cần thay đổi quan điểm tiếp cận thị trường, tự quảng bá cho bản thân. Từ đó, lợi ích của mã số vùng trồng sẽ thể hiện.

Cục BVTV cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình ghi chép nhật ký canh tác. Cục đang xây dựng phần mềm nhật ký ghi chép online. Trước mắt, chúng tôi sẽ áp dụng cho việc ghi chép của các vùng trồng xoài và vải xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2022, sau đó mở rộng cho các sản phẩm khác. Nhật ký này hướng đến việc tích hợp dữ liệu từ vùng trồng, nhà đóng gói cho đến cửa khẩu, giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng và tiện lợi hơn, góp phần minh bạch sản phẩm

Về công tác tuyên truyền, tập huấn, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào vấn đề là chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, Cục BVTV đã chủ động đa dạng phương thức tập huấn cho người dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên đài phát thanh, lồng ghép vào các chương trình khuyến nông, hội nông dân hay tổ chức các hội thi tuyên truyền... Mục đích cuối cùng là thông tin, quy định của thị trường xuất khẩu phải đến tận doanh nghiệp, người dân, giúp họ hiểu rõ hơn vai trò, lợi ích và trách nhiệm bảo vệ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Việc duy trì mã số vùng trồng có ý nghĩa rất lớn nhằm phục vụ cho chiến lược xuất khẩu nông sản. Ảnh: NNVN.

Việc duy trì mã số vùng trồng có ý nghĩa rất lớn nhằm phục vụ cho chiến lược xuất khẩu nông sản. Ảnh: NNVN.

Cục BVTV cũng xác định rõ, là tập huấn phải đúng đối tượng, tránh lãng phí và đạt hiệu quả không mong muốn. Để làm được như vậy, chúng tôi đã lên kế hoạch kết nối doanh nghiệp, ưu tiên thu mua nông sản tại các vùng trồng có đầy đủ nhật ký canh tác; đưa đầy đủ thông tin về vùng trồng đã được cấp mã số lên các website của Sở NN-PTNT, hệ thống Chi cục, hoặc UBND các cấp để thuận tiện trong thông tin liên lạc.

Bên cạnh xây dựng tài liệu trực tuyến, mở các lớp tập huấn ToT, Cục BVTV sẽ đẩy mạnh những mô hình như “Không dấu chân”, “Canh tác lúa gạo bền vững”, “Mô hình bao lợi nhuận”… Đây là cách để chúng tôi lồng ghép lợi ích của mã số vùng trồng với những kỹ thuật canh tác phổ biến hiện nay như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng".

"Không thể không nhắc tới vai trò của địa phương. Tại An Giang, ngoài việc cấp mã số vùng trồng cho trái cây, tỉnh đã mở rộng sang cả diện tích trồng lúa; hoặc Đồng Tháp đã triển khai về việc quản lý mã số vùng trồng đến cấp huyện. Các chỉ tiêu về cấp mã số vùng trồng cần được đưa vào chủ trương, chính sách của Đảng ủy, UBND các cấp.

Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là giúp người dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, làm bài bản hơn trên chính cánh đồng của họ. Qua đó, tự người dân sẽ có phương án, kế hoạch giảm chi phí sản xuất, vật tư đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, và các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, cũng như cung ứng cho tiêu dùng trong nước".

(Ông Hoàng Trung).

Cần sự quan tâm, vào cuộc của địa phương

- Khi quản lý mã số vùng trồng, địa phương sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ. Cục BVTV có khuyến cáo gì giúp địa phương đảm bảo công tác này?

Điều chúng tôi mong mỏi đầu tiên, là chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm vấn đề này. Thực tế cho thấy, những tỉnh, thành phố có chính sách, chủ trương rõ ràng về mã số vùng trồng thì đều làm tốt, từ tổ chức sản xuất, đến năng suất, chất lượng, và giá trị sản phẩm. Đây cũng là ưu thế cho địa phương khi các doanh nghiệp xem xét, đánh giá trước khi đầu tư dự án.

Việc tập huấn, nâng cao trình độ trong quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ địa phương cần được duy trì thường xuyên. Ảnh: TL.

Việc tập huấn, nâng cao trình độ trong quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ địa phương cần được duy trì thường xuyên. Ảnh: TL.

Thứ hai, địa phương cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, xác định rõ đâu là cơ quan đầu mối thông tin, quản lý về mã số vùng trồng, là Chi cục Trồng trọt và BVTV, hay Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất phương án là cấp Chi cục, Sở chỉ thực hiện việc kiểm tra cấp mới, còn Trạm Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thực hiện việc giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Thứ ba là việc tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ địa phương cần được duy trì thường xuyên. Trước khi hướng dẫn bà con, cán bộ kỹ thuật phải nắm rõ về yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Đây cũng là trăn trở của Cục BVTV nhiều năm qua. Nhiều nơi, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác để xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc”. Với những địa phương có sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu, mở cửa thị trường, Cục cũng có văn bản, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay như kiểm tra trực tuyến.

Thứ tư là địa phương phải dành nguồn lực tương xứng để thực hiện các nhiệm vụ, phải sâu sát tới tận người dân trong việc lấy mẫu, phân tích, kiểm tra định kỳ. Với các Sở NN-PTNT, cần có định hướng rõ ràng trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói như xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện theo từng tháng, nâng cao chất lượng công tác giám sát các mã số đã được cấp.

"Các địa phương cần lên kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng. Phân cấp việc quản lý, cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không những để tiến tới một nền nông nghiệp xanh, có trách nhiệm, minh bạch thông tin với người tiêu dùng, mà còn là một giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030".

(Ông Hoàng Trung)

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.