Tại hội nghị phổ biến các quy định mới về xoài xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vừa qua tại An Giang và Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, số lượng mã số vùng trồng các Chi cục địa phương quản lý hiện rất lớn.
Trên quan điểm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về mã số vùng trồng, cũng như các kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"..., Cục BVTV chủ trương bàn giao dần những mã số đã được cấp từ Chi cục về huyện (Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, Phòng NN-PTNT huyện).
Trong quá trình chuyển giao, Chi cục địa phương cần phối hợp với các đơn vị cấp huyện giám sát mã số vùng trồng theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hàng năm, Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại công tác giám sát mã số vùng trồng đã cấp, với tỷ lệ khoảng 10 - 15% hồ sơ mà Trạm Trồng trọt và BVTV cấp huyện quản lý.
Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ chỉ kiểm tra các vùng trồng được đề nghị cấp mã số mới. "Trong quá trình này, chúng ta cần tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp để thay đổi nhận thức", bà Hương nói.
Theo Cục BVTV, định hướng mới của Cục sẽ giúp bà con nông dân hiểu rõ và nắm chắc hơn những yêu cầu xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, bao bì, cách làm này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bài bản, bền vững hơn.
Cùng với việc giải đáp thắc mắc của các đại biểu và bà con nông dân, bà Hương còn giới thiệu cho đại biểu tham dự cách tra cứu thuốc BVTV bằng phần mềm tra cứu thuốc BVTV trên điện thoại. Các thao tác truy cập phần mềm cơ sở dữ liệu về phân bón và những quy định mới về kiểm dịch thực vật của các nước trên website Cục BVTV cũng được cán bộ Cục BVTV hướng dẫn.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh An Giang được cấp 236 mã số cho 123 vùng trồng (xoài, lúa, mít và chuối) xuất khẩu. Trong đó, xoài 195 mã số của 82 vùng trồng (diện tích 5.146 ha).
Trong năm nay, Cục BVTV đã tổ chức 1 lớp tập huấn online về quy định mã số vùng trồng trên lúa cho 84 lượt học viên; tập huấn 14 lớp cho 140 các cán bộ của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, Trạm Khuyến nông và cán bộ các huyện; tập huấn 20 lớp cho tổ chức, cá nhân, nông dân với 200 người.
Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, Cục BVTV cũng phối hợp Sở NN-PTNT An Giang triển khai mô hình trình diễn thuốc BVTV sinh học trên đồng ruộng, hay "Cánh đồng ước mơ" góp phần bảo vệ môi trường, tạo thói quen cho nông dân giảm lượng thuốc BVTV hóa học.
Ngành BVTV tại An Giang cũng đã triển khai 4 mô hình sử dụng phân bón tại các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Chợ Mới và An Phú trên các giống OM 18, OM 5451 và VNG-20. Kết quả, các mô hình sử dụng phân bón ít hơn ruộng đối chứng của nông dân từ 100 - 130 kg/ha, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/ha.
Trong năm 2022, Cục BVTV sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT An Giang dự kiến tổ chức 5 lớp tập huấn trên lúa, cây ăn quả và rau màu. Ngoài ra, các mô hình “Không dấu chân”, “Canh tác lúa gạo bền vững”, “Mô hình bao lợi nhuận” sẽ được Cục tiếp tục thực hiện.
Tại Hội thảo ngày 14/3, một trong những vấn đề được người làm nông nghiệp An Giang quan tâm là xoài Cát Chu. Đây là mặt hàng được Nhật Bản chính thức mở cửa từ năm 2015, nhờ nỗ lực của Cục BVTV trong việc đàm phán, từng bước tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn các địa phương thiết lập vùng nguyên liệu đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm
Để các vùng trồng xoài duy trì việc đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục BVTV khuyến cáo người dân không ngừng nâng cao kỹ thuật và trình độ sản xuất, đồng thời có những hiểu biết nhất định về quy định thị trường này.
An Giang vừa ban hành Kế hoạch Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 10.217ha, bao gồm: Xoài 9.067 ha, chuối nuôi cấy mô 300 ha, sâu riêng 300 ha, nhãn 380 ha, cây có múi 170 ha.
Việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như sản xuất các loại rau ăn lá có lợi nhuận bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng xoài, bưởi đạt 500 - 800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư...