| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi, hủy nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Thứ Ba 22/03/2022 , 09:31 (GMT+7)

Tiền Giang phát hiện nhiều mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu và đề Cục Bảo vệ thực vật thu hồi và hủy các mã số này.

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang về công tác quản lý mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay từ năm 2017, tỉnh này đã đăng ký và được cấp MSVT đối với vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là cơ hội, tiền đề để thúc đẩy ngành hàng trái cây xuất khẩu theo hướng an toàn, bền vững.

Đoàn công tác của Cục BVTV làm việc tại cơ sở kinh doanh trái cây Hai Quý (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Cục BVTV làm việc tại cơ sở kinh doanh trái cây Hai Quý (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Tiền Giang có 281 MSVT đã được cấp, với tổng diện tích trên 19.000ha. Trong đó, có 127 MSVT được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích trên 17.200ha cho 6 loại trái cây gồm mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm.

Còn lại, các MSVT được cấp sang các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và NewZealand với diện tích trên 1.800ha, gồm 4 loại trái cây là thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Tiền Giang cũng gửi 3 hồ sơ cho Cục BVTV đề nghị cấp MSVT sầu riêng và đang chờ quyết định phê duyệt của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Về mã số CSĐG, từ năm 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 728 CSĐG được cấp mã số. Trong đó, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 721 mã số, còn lại là Mỹ, Úc và NewZealand. Riêng năm 2021, Tiền Giang đã cấp mới 1 mã số CSĐG, đồng thời gửi 7 hồ sơ cho Cục BVTV (6 hồ sơ sầu riêng và 1 hồ sơ ớt) đề nghị cấp mã số CSĐG và đang chờ quyết định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong công tác kiểm tra, giám sát, đến nay, Cục BVTV và Chi cục Trồng Trọt - BVTV tỉnh Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra giám sát. Đến nay, đã kiểm tra giám sát được 151/281 MSVT và 524/728 mã số CSĐG. Qua đó, Chi cục phát hiện 32 vùng trồng và 466 cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu. Chi cục cũng đề nghị Cục BVTV thu hồi 2 MSVT, huỷ 30 MSVT; thu hồi 15 và huỷ 451 mã số CSĐG, 15 CSĐG cần khắc phục để duy trì mã số trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Về nguyên nhân có nhiều MSVT, mã số CSĐG bị đề nghị thu hồi, huỷ, ông Võ Văn Men cho biết: Các vùng trồng bị thu hồi mã số do diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Vùng trồng đã chuyển đổi sang trồng cây trồng khác. Bên cạnh đó, một số vùng trồng trồng xen với cây trồng khác nên khó khăn trong quản lý sinh vật gây hại. Vùng trồng không có nhật ký canh tác...

Đối với các CSĐG đề nghị thu hồi/hủy, do nhiều CSĐG không có hồ sơ, giấy tờ liên quan đủ điều kiện ATTP, không có quy trình đóng gói, chủ yếu thực hiện gia công đóng gói cho các công ty xuất khẩu hoặc chỉ là địa chỉ thu mua từ thương lái hoặc từ các chợ đầu mối không trực tiếp thu mua tại các vùng trồng đã được cấp mã số.

Đến cuối năm 2021, tỉnh Tiền Giang có 82.776ha cây ăn trái, sản lượng đạt gần 1,6 triệu tấn. Trong đó, nhiều loại cây ăn quả có quy mô lớn từ 3.000ha trở lên như thanh long, sầu riêng, mít, khóm, bưởi và xoài.

Ví dụ như tại cơ sở Hai Quý (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang), chủ cơ sở là ông Trần Năng Quý cho hay vựa chỉ thu mua, bán trái cây trong vùng và Bình Phước, không trực tiếp làm xuất khẩu, chỉ thu mua ngoài chợ và bán, không thu mua trực tiếp tại các vùng trồng. Do đó, Chi cục đã đề nghị thu hồi mã số CSĐG của đơn vị này.

Trong khi đó, hiện nay có khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp lại đang rất cần MSVT và mã số CSĐG. Ví dụ HTX Vĩnh Kim là đơn vị kinh doanh chủ lực là các loại trái cây của tỉnh Tiền Giang như thanh long, sầu riêng, mít, sapo... Sản lượng HTX tiêu thụ hàng năm khoảng 10.000 tấn.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX Vĩnh Kim cho biết: “Hai năm qua, HTX đã tiếp cận với các ngành chức năng xin được cấp MSVT, mã số CSĐG để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện xuất khẩu tiểu ngạch chi phí lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính”.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình ghi chép xuất xứ hàng hoá, chủng loại nông sản tại các cơ sở đóng gói. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình ghi chép xuất xứ hàng hoá, chủng loại nông sản tại các cơ sở đóng gói. Ảnh: Minh Đảm.

Tương tự, tại Công ty TNHH Dừa Hạnh Phúc (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên 2 năm qua Công ty không hoạt động đóng gói xuất khẩu, vì vậy hồ sơ không có. Cơ sở thu mua từ nhiều nơi (vùng trồng, HTX, thương lái) và bán đi rất nhiều nơi như chợ Long Biên (Hà Nội) Hải Dương, Hải Phòng... Cơ sở cũng đang chuẩn bị cho các hoạt động xuất khẩu trở lại trong thời gian tới.

Ông Trương Thành Vinh, Giám đốc Công ty nói: “Công ty đã được cấp mã số CSĐG. Thời gian tới, theo yêu cầu thị trường, Công ty cũng đang xây dựng và xin cấp MSVT cho các loại trái cây chủ lực mà Công ty đang xuất khẩu như xoài, mít, thanh long và đặc biệt là dừa tươi".

Qua làm việc tại tỉnh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng: Việc tiếp tục mở rộng cấp MSVT và mã số CSĐG nhưng công tác quản lý các mã số đã được cấp không tốt  thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp MSVT, mã số CSĐG.

Thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang rà soát lại toàn bộ mã số của các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại Tiền Giang.

Việc cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: NNVN.

Việc cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: NNVN.

Theo bà Hương, Tiền Giang là một trong những địa phương có MSVT, mã số CSĐG được cấp thuộc hàng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có mã số bị thu hồi nhiều nhất và diện tích được cấp mã số còn ít so với tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Tỷ lệ rà soát MSVT, mã số CSĐG thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của MSVT, mã số CSĐG, đồng thời ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng nông sản Việt Nam.

Bà Hương cho rằng, công tác rà soát, giám sát, quản lý các MSVT, mã số CSĐG còn chậm, do đó đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang quan tâm, sớm có cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm đối với các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT, chính quyền địa phương.

Bà Hương gợi ý, tỉnh Tiền Giang cần xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng tháng để đánh giá công tác thiết lập và giám sát MSVT. Tỉnh cũng cần tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò và tầm quan trọng của vấn đề cấp MSVT, mã số CSĐG trong sản xuất bền vững ngành hành trái cây trong thời gian tới, nhất là tuyên truyền qua các lớp tập huấn, hướng dẫn đến tận nông dân thông qua các chương trình khuyến nông... hay qua báo đài để người dân kịp thời nắm bắt.

Bà Hương cũng cho biết thêm, hiện Cục BVTV đang xây dụng hệ thống cơ sở dữ liệu để kết nối đồng bộ với các địa phương trong vấn đề quản lý MSVT, mã số CSĐG.

Xem thêm
Từ tiểu thương bán rau đến đại lý cấp I kinh doanh heo giống, cám Japfa

Quảng Ngãi Năm 2012, chị Duyên quyết định dồn hết vốn liếng xây dựng trại nuôi 50 heo thịt và mở cửa hàng kinh doanh cám của Japfa Việt Nam. Hướng đi này giúp chị thành công.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất