| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực

Thứ Hai 14/03/2022 , 18:40 (GMT+7)

AN GIANG An Giang phối hợp với Cục BVTV sẽ đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng phục vụ xuất khẩu trong năm 2022, với số lượng dự kiến 860 mã số.

Ngày 14/3 Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) kết hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu và kế hoạch phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói năm 2022 ở địa bàn An Giang.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã được cấp 180 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói. Trong 180 mã số vùng trồng gồm 139 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít, 30 mã lúa.

Đặc biệt, mã số vùng trồng cấp cho cây xoài chiếm cao nhất với diện tích trên 6.734 ha, chiếm tỷ lệ 37% tổng diện tích cây ăn quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra mã số vùng trồng trên lúa tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra mã số vùng trồng trên lúa tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, việc cấp mã số từng bước được triển khai khá thuận lợi. Đối với các mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, toàn tỉnh có 104 mã số (gồm 66 mã số công ty/doanh nghiệp đứng đại diện, 38 mã số của HTX, tổ hợp tác đứng đại diện, với tổng diện tích trên 1.973 ha).

Hiện An Giang có 30 mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích hơn 4.558 ha.

Đối với mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU, An Giang có 2 mã số với diện tích hơn 21 ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại huyện An Phú và 01 mã số vùng trồng xoài sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, có 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 446 ha chủ yếu huyện Tri Tôn, 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86 ha tại TP Châu Đốc, huyện Chợ Mới và Thị xã Tân Châu.

Bên cạnh đó, An Giang hiện cũng có 30 mã số vùng trồng trên lúa, nếp với diện tích 1.980 ha với các giống lúa OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, nếp với các giống IR 4625, CK 2003 đã được cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ở rải rác các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tri Tôn, Châu Thành của tỉnh An Giang. Các mã số vùng trồng lúa và nếp này để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (364 ha), Châu Âu (336 ha), còn lại tiêu thụ trong nước.

Năm 2021, toàn tỉnh An Giang đã cấp được 201 mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2021, toàn tỉnh An Giang đã cấp được 201 mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang: Việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh An Giang nên cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp mã số trên cơ sở hợp tác giữa Sở NN-PTNT và Cục Bảo vệ Thực vật đối với lúa, rau màu, cây ăn trái.  

Phấn đấu trong năm 2022, An Giang có kế hoạch cấp 860 mã số vùng trồng được cấp cho các cây trồng chủ lực như lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại, trong đó với lúa cấp 543 mã trên 38.010 ha, rau màu cấp 185 mã trên 925 ha và cây ăn trái cấp 131 mã trên 2.620 ha.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng giúp cho sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều năm qua, An Giang phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật đã thực hiện việc cấp mã số vùng trồng rất bài bản. Đặc biệt trong năm 2021, An Giang đã triển khai cấp mới 51 mã số vùng trồng. Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cử cán bộ cùng địa phương hợp tác để hỗ trợ và tăng cường cấp mã số vùng trồng cho doanh nghiệp lúa gạo và cây ăn trái. Riêng cấp mã số vùng trồng cho Tập đoàn Lộc Trời, thời gian qua An Giang triển khai rất tốt và xem đó là điểm nhấn để nhận rộng sang các tỉnh khác học hỏi làm theo

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.