Những tảng mây xanh lơ líu ríu níu nhau kéo về úp mặt dưới lòng suối ngăn ngắt xanh mát lạnh. Khung cảnh hư hư thực thực huyền ảo diệu kỳ.
Những cơn gió chập chờn chưa say giấc chốc chốc lại trở mình đuổi nhau len lỏi qua cánh rừng nguyên sinh. Gió trườn qua mép rừng, leo trên triền dốc chới với va vào vách núi chênh vênh rồi chồm lên nhảy vọt trên đỉnh chon von làm cả cánh rừng già cúi rạp mình tránh gió. Tiếng rừng như lạ như quen, âm vang, xào xạc, lao xao mà thấy lòng nhẹ tênh trôi theo dòng xuân.
Trong mênh mông tiếng cào của gió tôi bỗng nhận ra cái âm thanh khác lạ. Ào ào, ầm ầm... hòa cùng với tiếng chim rừng lảnh lót bổng trầm như một bản giao hưởng mùa xuân giữa đại ngàn. Tiếng vọng của thác nước dội vào không gian. Nước từ thượng nguồn ào ạt phóng qua khối đá kềnh càng chắn ngang dòng suối tạo nên khối bọt trắng xóa khổng lồ đổ xuống các bậc đá mà tạo hóa đã khéo léo xếp chồng ba bậc lên nhau tạo nên thác Kon Bông* giữa đại ngàn trùng điệp.
Nặng tình chi ngàn kiếp
sao bạc trắng mái đầu
khúc ru xanh ngàn lá
dòng nghiêng đổ về đâu
Kon Bông (*), có phải em - nàng thơ bước ra từ trong cổ tích mà say đắm hồn ta. Giấu mình trong lớp vỏ hoang sơ và dữ dội là cả một thế giới dịu dàng làm cho ai đã từng qua đây phải ngơ ngẩn đến xao lòng.
Những bậc đá rêu phong uy nghi trầm mặc theo bụi thời gian, những ngọn thác trắng xóa tung tẩy gọi non ngàn. Đẹp biết nhường nào tiếng ru trưa vời vợi vọng tan trong vòm nắng. Một làn hơi nước trộn trong sương khói mờ ảo bàng bạc như ánh trăng non nghịch ngợm vờn nhau leo lên phiến đá.
Tôi lắng nghe suối nguồn thủ thỉ bên mép rừng mà lòng bình yên đến lạ. Tiếng trời mây non nước tự tình hay tiếng Kon Bông thầm thì lời hẹn ước với du khách một ngày không xa quay lại mà nồng nàn mà thân thương đến vậy!
Hai bên bờ thác, dòng suối mềm mại rí rách luồn lách qua phiến đá. Tôi lắng nghe tiếng rừng ùa về trong làn gió nghiêng xô. Rừng nguyên sinh thú vị đến vô cùng! Theo thói quen và sở thích, khi đến với rừng, tôi hay tìm tòi khám phá những dây leo hoặc rễ cây ven suối.
Đó là những chiếc võng thiên nhiên ban tặng cho những con người như tôi giữa đại ngàn kỳ vĩ. Tôi nằm ngả lưng trên chiếc võng trời gối đầu lên đá để tận hưởng phút giây êm ái khúc ru của đại ngàn, để mơ màng, để trải nghiệm cái nồng nàn ngây say của trời đất. Chúng tôi tha hồ chụp hình với những đạo cụ độc nhất vô nhị nơi rừng xanh.
Dòng suối âm thầm cần mẫn mang nước tưới cho cánh đồng lúa, nguồn sống của người dân làng Kon Bông. Những ruộng lúa đang vào mùa gặt. Mùi hương lúa mới trộn vào hương cà phê tan trong cánh mũi ngọt lịm thơm lừng.
Tôi cứ mẩn mê ngắm nhìn những ngôi nhà chòi để đựng lúa như những chuồng chim câu úp trên bờ cỏ lau mênh mang gió mà thầm cảm phục sự thật thà chân chất đến trong veo của người Bahnar. Lúa cắt xong không đem về nhà mà để ngay nhà chòi. Một nét văn hóa hết sức tinh khôi người dân Bahnar.
Chiều đã dắt nắng trốn trong vòm lá. Chúng tôi chia tay nàng thơ trong sự thỏa thuê ngây ngất niềm say. Thác bao đời nay vẫn nghĩa tình vành vạnh. Con suối chảy trong lòng người dân Bahnar vẫn róc rách, vẫn cần mẫn đong đầy yêu thương. Dòng nước hiền hòa như buôn làng Kon Bông nhưng kiên cường trung dũng.
Hãy một lần đến với Kon Bông để lắng nghe tiếng rừng khỏa lấp những nhọc nhằn vụn vặt đời thường, để thỏa niềm mơ và trải nghiệm với non xanh. Kon Bông nâng giấc đam mê - Nàng thơ - Nàng tiên nữ giữa đại ngàn hứa hẹn muôn vàn kỳ thú!
(*) Thác Kon Bông: Còn gọi là thác ba tầng thuộc xã Đak Rong, Huyện Kbang, Gia Lai.