| Hotline: 0983.970.780

Nếp tan Mường Và nức tiếng Tây Bắc

Thứ Năm 14/11/2019 , 14:43 (GMT+7)

Nếp tan Mường Và là đặc sản lâu đời được bà con dân tộc huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) gieo trồng, canh tác, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Giống lúa nếp tan được canh tác phổ biến từ lâu trên địa bàn huyện Sốp Cộp, bao gồm: Tan Đỏ, Tan Nhe, Tan Lo và một số giống mới được du nhập vào trồng những năm gần đây, như: Tan Pụa, Tan Lanh, Tan Hin.

Toàn huyện hiện có trên 1.100 ha trồng lúa nếp tan, sản lượng hàng năm khoảng 4.500 - 5.000 tấn. Diện tích lúa nếp tan tập trung chủ yếu tại 5 xã: Mường Lạn, Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Nậm Lạnh, với diện tích trên 850 ha, tương đương với sản lượng khoảng 3.700 tấn.

Giống lúa nếp tan Mường Và nổi tiếng của huyện biên giới Sốp Cộp.

Xã Mường Và là địa phương trồng lúa nếp tan lớn nhất với gần 300 ha. Tên nếp Mường Và được thống nhất sử dụng để đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp, cũng là sản phẩm duy nhất của huyện nằm trong danh sách 20 sản phẩm tiêu biểu OCOP tỉnh Sơn La.

Nếp tan Mường Và có hàm lượng protein trong gạo khoảng 12,04%, khá cao so với những loại gạo khác như gạo Bắc thơm số 7 Điện Biên (trên dưới 8%), gạo tám Hải Hậu (khoảng 9%), nếp cái hoa vàng Đại Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có hàm lượng protein trên dưới 7%. Đây là một đặc tính nổi bật của nếp tan Mường Và - Sốp Cộp, góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho loại nếp tan này.

Giống lúa có hương vị thơm ngon là sản phẩm tiêu biểu của huyện Sốp Cộp.

Anh Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX Nam Phượng, cho biết, giống lúa nếp tan được bà con các dân tộc: Lào, Thái... ở bản Mường Và lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhà nào cũng có từ 1 đến 2 sào ruộng để trồng. Nếp tan mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Bà con bắt đầu gieo mạ từ cuối tháng 4, cấy vào tháng 6, 7 vì tuổi mạ giống lúa này kéo dài hơn tháng (bình quân khoảng 40 đến 45 ngày). Bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11.

Riêng HTX Nam Phương năm vừa qua đã xuất 100 tấn lúa nếp tan, với giá 1,2 triệu đồng/tấn. Thị trường sản phẩm rộng lớn từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh…

Anh Phượng chia sẻ: “Nhờ trồng lúa nếp tan đời sống bà con được nâng cao, với giá bán 3,5- 4 triệu/sào nhiều gia đình đổi đời. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này lên đến 400ha”.

Sau 2 năm lúa nếp tan được cấp chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp. Huyện đã xây dựng được hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”; xây dựng các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm gạo nếp mang nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và theo chuỗi giá trị; hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc... Đến nay, đã có 250 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”.

Để sản xuất ra sản phẩm phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu chứng nhận, lúa nếp tan phải tuân thủ các quy tắc ngặt nghèo như: Làm mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Qua việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, thị trường và kênh phân phối gạo nếp tan cũng bước đầu được mở rộng. Trước đây, gạo nếp tan cũng được đưa đến các tỉnh khác nhưng thông qua các kênh không chính thức như họ hàng, gia đình, người thân, bạn bè.

Cánh đồng trồng lúa nếp tan Mường Và nhìn từ trên cao.

Theo ông Lò Văn Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sốp Cộp, đánh giá: “Sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm nếp tan Mường Và đã nâng cao danh tiếng của gạo. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần ổn định thu nhập cho người dân trồng lúa. Nhiều người tiêu dùng đã biết đến gạo đặc sản thơm ngon và gạo nếp tan Mường Và trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững”.

Cũng theo ông Việt, điều quan trọng nhất phải tạo nên được mối liên kết giữa các hộ nông dân, song song với xây dựng và phát triển đề án mỗi xã một sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Sơn La năm 2019. Bên cạnh đó, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao; nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Thời gian tới, huyện phấn đấu tăng từ 1,5 - 2 lần sản lượng gạo nếp tan Mường Và so với hiện nay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.