| Hotline: 0983.970.780

Nga tăng uy lực cho xe tăng T-80 bằng đạn urani nghèo

Thứ Ba 25/12/2018 , 20:18 (GMT+7)

Các loại đạn lõi urani nghèo được kỳ vọng sẽ giúp xe tăng T-80 đối phó hiệu quả hơn với các loại thiết giáp hiện đại của đối phương.

Tăng chủ lực T-80BVM của Nga trình diễn tại thao trường Alabino, Moskva trong triển lãm Army 2018. Ảnh: EDR.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BV của Nga sẽ được nâng cấp lên phiên bản T-80BVM với hệ thống ổn định đường ngắm cải tiến cùng cơ cấu nạp đạn mới để sử dụng đạn lõi urani nghèo 3BM60 Svinets-2 cùng đạn lõi volfram cacbua 3BM59 Svinets-1, National Interest ngày 24/12 đưa tin.

Đây được coi là cải tiến đáng kể nhằm tăng cường uy lực cho T-80, dòng xe tăng được sản xuất từ thập niên 1970 và vẫn đang được trang bị với số lượng lớn trong quân đội Nga và nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới.

Ở cự ly 2 km, đạn Svinets-1 có thể xuyên thủng lớp giáp tương đương 700-740 mm thép cán đồng nhất, trong khi đạn lõi urani nghèo Svinets-2 đủ sức xuyên được lớp giáp tương đương 800-830 mm thép cán đồng nhất.

Nga sẽ sản xuất các loại đạn mới trong thời gian tới để thay thế những loại đạn cũ không còn hiệu quả khi đối phó với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại như M1 Abrams của Mỹ hay Merkava của Israel. Liên Xô từng sản xuất đạn pháo xe tăng 125 mm 3BM-32 Vant có lõi urani nghèo ngắn hơn so với lõi đạn Svinets-2.

"Hai loại đạn mới có độ xuyên cao hơn nhiều nhờ lõi dài hơn gần gấp đôi lõi của đạn xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) Vant", trang tin tức BTR dẫn lời các chuyên gia quân sự Nga.

Urani nghèo là sản phẩm thừa của quá trình làm giàu urani, được sử dụng làm hợp kim với 1-2% nguyên tố khác. Lõi đạn làm bằng urani nghèo có thể xuyên phá các loại giáp dày và cứng của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Nga không phải là nước duy nhất sở hữu đạn chống tăng chứa urani nghèo, Mỹ từng sử dụng loại đạn này trong các cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan và Syria.

Dù có khả năng xuyên giáp cao và sức hủy diệt lớn, đạn urani nghèo lại rất độc hại đối với con người và môi trường xung quanh. Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng hoặc mắc những chứng bệnh chết người do hít hoặc nuốt phải bụi phóng xạ.

Mỹ từng cam kết không tiếp tục sử dụng đạn urani nghèo do vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky tuyên bố việc sử dụng đạn urani nghèo không vi phạm bất cứ hiệp ước quốc tế nào.

Quân đội Nga liên tục cải tiến và hiện đại hóa tăng T-80 để tái trang bị cho các đơn vị hoạt động tại vùng cực bắc của nước này. T-80 được trang bị động cơ tua bin khí tương tự máy bay phản lực, có khả năng sẵn sàng hoạt động sau vài phút chuẩn bị trong điều kiện -40°C. Động cơ T-80 có thể sử dụng được nhiều loại nhiên liệu nhưng có mức tiêu thụ rất cao, có thể lên đến một lít xăng mỗi km.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.