Dự báo này được ông Yuri Kovalev, Tổng Giám đốc Liên minh các Nhà sản xuất Thịt lợn Quốc gia, đưa ra tại Hội nghị “Sản xuất Chăn nuôi và Thức ăn” ở Moscow.
Theo đó, nửa đầu năm xuất khẩu thịt lợn sẽ đạt 116,6 nghìn tấn so với 83,3 nghìn tấn cùng kỳ năm ngoái (tăng trưởng 40%). Trong đó, nguồn cung sang Belarus sẽ tăng lên 41,2 nghìn tấn từ 34,2 nghìn tấn một năm trước và sang Việt Nam lên 46 nghìn tấn từ 23,7 nghìn tấn so với năm trước. Thịt lợn cũng được xuất sang Hồng Kông, Mông Cổ, Kazakhstan và một số quốc gia khác.
Theo dự báo của Liên minh, đến cuối năm, xuất khẩu sang các nước EAEU có thể chiếm khoảng 50% sản lượng.
Kovalev cho rằng tăng trưởng nguồn cung ở nước ngoài trong năm nay là do sản lượng thịt lợn tăng. Theo ước tính của Liên minh, trong nửa đầu năm, con số này sẽ tăng 4,2%, lên 2,871 triệu tấn. Các tổ chức nông nghiệp có thể tăng 5,4%, lên 2,697 triệu tấn. Trái lại, các trang trại cá nhân và nông dân dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 9%.
Năm 2022, sản lượng thịt lợn ở Nga là 5,765 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021.
Mặc dù có động lực xuất khẩu tích cực, nông dân Nga vẫn thấy giá bán buôn giảm. Kovalev ước tính, trong quý đầu tiên của năm 2023, giá lợn trung bình trong nước giảm 7,5%, trong khi cả năm 2022, giá trung bình chỉ giảm 6%.
Một mặt, giá giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân, nhưng mặt khác, như Kovalev đã chỉ ra, việc giảm giá để đảm bảo tăng trưởng tiêu dùng và đã thúc đẩy nhu cầu trên thị trường Nga.
Nông dân Nga vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc để xuất khẩu, nhưng hiện chưa có triển vọng. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã nói với các nhà báo rằng: “Xuất khẩu máy bay không người lái sẽ dễ hơn xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc” vì “máy bay không người lái không bị dịch tả lợn Châu Phi (ASF)”.
Trong vài năm qua, các công ty chăn nuôi lợn của Nga đã yêu cầu chính quyền thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc, nhưng ASF là trở ngại không dễ vượt qua.