Chiều 18/10, tại không gian Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã khai mạc triển lãm ảnh “Những cuộc gặp gỡ tại Việt Nam” trưng bày gần 100 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đời thường, nét đẹp văn hóa của Việt Nam qua góc nhìn của hai nhà báo điện ảnh người Thụy Điển - Lasse Edwartz và Ulf Johansson. Triển lãm sẽ tiếp đón khách tham quan tới ngày 22/10/2024 tại tầng 1, số 65 Nguyễn Du, Hà Nội.
Những bức ảnh ghi lại quá trình phát triển của Việt Nam từ những năm 1988 đầy gian khó, đói khổ và mối quan hệ đặc biệt giữa Thụy Điển và Việt Nam. Được biết, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Ngoài ra, Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên viện trợ cho Việt Nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đang tiếp diễn. Và một trong những dự án lớn nhất ở thời kỳ đó là dự án nhà máy giấy Bãi Bằng.
Hai tác giả đặt chân đến Việt Nam trong một chuyến công tác của các nhà báo nhằm đánh giá những dự án Thụy Điển đã đầu tư tại đây từ năm 1988. Tình yêu đối với mảnh đất gian khổ, con người mộc mạc nơi đây ngày một lớn dần và hai ông đã quyết định ghé thăm Việt Nam nhiều lần, từ đó có thể lưu giữ lại sự đổi thay, phát triển của Việt Nam qua từng thời kỳ.
Những bức ảnh được trưng bày bao gồm ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh của một Việt Nam đầy gian khó và những bức ảnh màu đầy ấn tượng về cuộc sống giản dị, đời thường, nét đẹp văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên của mảnh đất chữ S. Giao lưu với công chúng, nhà báo Ulf Johansson đã xúc động chia sẻ: “Suốt 40 năm qua, tôi và Lasse Edwartz đã đồng hành để ghi lại những khoảnh khắc về những con người nơi chúng tôi đến. Chúng tôi có tình yêu sâu sắc với con người và đất nước Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ quay lại và tiếp tục hành trình này”.
Tại sự kiện khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) gửi lời cảm ơn đầy chân thành tới hai tác giả: “Cá nhân tôi muốn gửi một lời cảm ơn sâu sắc tới hai nhiếp ảnh gia Thụy Điển, những người đã mang một Việt Nam của tôi về lại trong tôi. Bởi vì, ở đây là một phần Tổ quốc mà tôi chưa từng được đặt chân đến, là một phần nhân dân mà tôi chưa từng được gặp. Và họ cũng đã mang cả tuổi thơ của tôi trong những bức ảnh của những đứa trẻ Việt Nam này. Họ đã phục dựng lại những ký ức có thể đã đánh mất cho những người thuộc thế hệ chúng tôi".