Vừa qua, tại Bắc Giang, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo “Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm và các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững”.
Một trang trại chăn nuôi an toàn sinh học ở Bắc Giang |
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, kết thúc quý 1/2017 tổng đàn gia cầm vẫn tiếp tục tăng trưởng khoảng 4%. Như vậy, sau 12 năm liên tục đàn gia cầm Việt Nam luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định và là mũi nhọn của ngành chăn nuôi. Để duy trì đà tăng trưởng đó thì nhiệm vụ đầu tiên của ngành chăn nuôi hiện nay là phải kiểm soát, ngăn chặn sự xuất hiện, lây lan của các chủng dịch cúm trên gia cầm.
Cũng theo ông Vân, từ đầu năm đến nay trên cả nước có 14 điểm cúm gia cầm. Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo cụ thể khoanh vùng khu vực, thống kê số lượng gia cầm bị nhiễm. Nhờ vậy công tác tiêu huỷ, khử trùng các ổ dịch diễn ra hết sức nhanh chóng, hiệu quả, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Mục tiêu chung phát triển chăn nuôi gia cầm giai đoạn 2017-2025: Bên cạnh việc đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm cần tập trung chọn lọc nhân thuần nâng cao năng suất một số giống gia cầm nhập nội. Qua đó chủ động trong việc cung ứng gia cầm giống ra thị trường nội địa, kiểm soát số lượng gia cầm nhập khẩu. Khuyến khích việc hình thành các cơ sở sản xuất, chăn nuôi tập trung gắn với các quy trình kỹ thuật chung, đảm bảo chất lượng đồng đều... |
TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong 6 năm (2011 – 2016), trung tâm đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1 triệu con, với 9.739 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho hơn 8.000 lượt người trong và ngoài mô hình, đồng thời tổ chức cho 6.470 tham gia nhân rộng mô hình.
Đề xuất giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững, bà Hạnh cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, sản xuất hàng hóa và có kiểm soát. Đồng thời hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, các địa phương cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia khâu giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm gia cầm thì người chăn nuôi mới có thể yên tâm sản xuất...”.
Ông Ken Inui, chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc: trong tháng 12/2016 đã phát hiện vi rút A/H7N9 ở các đàn gia cầm nuôi tại các tỉnh An Huy, Quảng Đông và Chiết Giang. Tỷ lệ dương tính với cúm A/H7N9 của các mẫu môi trường được lấy tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở tỉnh Quảng Đông là 9,4% và tại tỉnh Giang Tô là 15,8%. Do tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam là khu vực hết sức nhạy cảm với dịch cúm gia cầm và cần sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát của dịch.
"Theo thống kê trong những tháng đầu năm 2017, chỉ một vài khu vực tại Việt Nam xuất hiện dịch cúm gia cầm và với số lượng gia cầm bị lây nhiễm không đáng kể. Hơn nữa cúm A/H7N9 được xác định chưa xuất hiện tại Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thành công trong công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm", ông Ken nhấn mạnh.