| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn khoảng 9.000 lượt tàu có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Năm 29/06/2023 , 19:01 (GMT+7)

Sau khi nghe Cục Kiểm ngư báo cáo kế hoạch, nhiệm vụ triển khai trong 6 tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mong Cục Kiểm ngư 'nói được, làm được'.

Chiều 29/6, Cục Kiểm ngư tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Khó xử lý vi phạm hành chính trên biển

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Kiểm ngư đã có mặt thường xuyên tại các ngư trường trọng điểm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên biển; qua đó phát hiện và xua đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; chống khai thác IUU. Đồng thời ngăn chặn được khoảng 9.000 lượt tàu có ý định vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Cục Kiểm ngư tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục Kiểm ngư tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc tham chống khai thác IUU được ưu tiên thực hiện thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về kiểm ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được đẩy mạnh. Một số quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ, đầu tư, mở rộng hợp tác về tăng cường năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Dương Văn Cường cho biết, bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của đội tàu kiểm ngư trên biển theo kế hoạch còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU trong giai đoạn trọng điểm.

Việc xử lý vi phạm hành chính trên biển gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do thiếu các bằng chứng chứng minh lỗi vi phạm trên biển, ngư dân có cuộc sống khó khăn nên việc thực thi pháp luật, tiến hành xử phạt, tịch thu phương tiện khó thực hiện.

Số lượng biên chế có mặt còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ mới của Cục Kiểm ngư, đặc biệt là công chức thuyền viên tàu kiểm ngư thuộc các Chi cục Kiểm ngư Vùng đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng một số nhiệm vụ. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá Cục Kiểm ngư đã có những hoạt động tương đối toàn diện. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá Cục Kiểm ngư đã có những hoạt động tương đối toàn diện. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Kiểm ngư Vùng đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu hụt nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đơn vị đóng quân tại vùng đảo Phú Quốc nên đời sống của các cán bộ còn nhiều khó khăn, việc học tập đào tạo còn nhiều hạn chế…

Thúc đẩy thành lập kiểm ngư địa phương

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Kiểm ngư đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2045; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Hoàn thành các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch năm 2023; tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Tổ chức theo dõi, tham mưu việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trực đường dây nóng Việt Nam với các nước và vận hành hệ thống thông tin liên lạc chuyên ngành kiểm ngư.

Tham mưu Bộ NN-PTNT đôn đốc việc tiếp tục thành lập kiểm ngư địa phương; chỉ đạo kiểm ngư địa phương tăng cường thực thi pháp luật tại vùng bờ, vùng lộng.

Tổ chức thực hiện chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loại thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030; trình mở mới nhiệm vụ xây dựng Dự án điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản vùng biển sâu.

Tập trung tham mưu cho Bộ NN-PTNT điều phối, chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 tại Việt Nam (tháng 10/2023). Tham gia đàm phán trợ cấp thủy sản tại WTO. Thúc đẩy hợp tác song phương và ký kết và triển khai đường dây nóng với các nước Malaysia, Thái Lan…

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết: “Hiện nay lực lượng kiểm ngư còn rất mỏng, việc tuần tra trên các vùng biển cũng mỏng, do đó cần phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực thi pháp luật về thủy sản. Hiện 14 tỉnh đã thành lập được lực lượng kiểm ngư địa phương, sau này kiểm ngư địa phương sẽ là lực lượng nòng cốt để chúng ta phối hợp trong việc tuần tra an toàn trên biển”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thời gian tới, người đứng đầu đơn vị nên đặt ra từng mục tiêu, ví dụ năm 2024 làm gì? Năm 2025 làm gì,..., từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị liên quan để đạt nhiều kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng công tác truyền thông. Rất mong Cục Kiểm ngư tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.