| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn nạn 'vẽ vườn sâm Ngọc Linh ảo' để trục lợi

Thứ Hai 25/04/2022 , 14:00 (GMT+7)

KON TUM Trước tình trạng lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để trục lợi, tỉnh Kon Tum đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển bền vững cây trồng này.

Sâm Ngọc Linh được công nhận là 'Quốc bảo'. Ảnh: Tuấn Anh.

Sâm Ngọc Linh được công nhận là "Quốc bảo". Ảnh: Tuấn Anh.

Tam thất, điền trúc "đội lốt" sâm Ngọc Linh

Ngày 24/4 tại huyện Tu Mơ Rông, (Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tổ chức “Diễn đàn sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch”.

Cùng với diễn đàn, huyện Tu Mơ Rông còn tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, khát vọng làm giàu từ cây sâm và các sản phẩm bản địa đến với du khách khắp mọi miền đất nước.

Sau hơn 20 năm sưu tầm, nhân giống và phát triển, đến nay tỉnh Kon Tum đã sở hữu một vùng trồng sâm rộng lớn trên vùng núi Ngọc Linh với hơn 1.200 ha. Đây là diện tích sâm trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông (với hơn 1.190 ha) và một số ít tại huyện Đăk Glei.

Chính vì được xem là “Quốc bảo”, thời gian qua, có không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã vẽ ra những “vườn sâm ảo” nhằm lợi dụng thương hiện sâm Ngọc Linh để trục lợi. Thậm chí, nhiều gian thương sẵn sàng đưa các loại củ như tam thất, điền trúc với hình dạng rất giống sâm Ngọc Linh vào “thánh địa” Kon Tum để lừa người tiêu dùng.

Chính bởi thật giả lẫn lộn, đã khiến thương hiệu sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ “Quốc bảo”, đặc biệt ở Phiên chợ sâm Ngọc Linh đang diễn ra được huyện Tu Mơ Rông ưu tiên hàng đầu.

Thương hiệu sâm Ngọc Linh đang bị nhiều tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Ảnh: Tuấn Anh.

Thương hiệu sâm Ngọc Linh đang bị nhiều tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, khi các doanh nghiệp tham gia hội chợ, huyện đã có các giải pháp thẩm định đối với những loại sâm Ngọc Linh, đặc biệt là sâm củ. Cụ thể, huyện đã thành lập tổ thẩm định sâm bao gồm những cán bộ, người dân có kinh nghiệm trồng sâm lâu năm. Nếu nghi ngờ về sản phẩm, huyện sẽ gửi sâm đi giám định gen, mọi chi phí do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn gốc sâm Ngọc Linh, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khi đưa sản phẩm đến tham gia Phiên chợ cần phải có xác nhận của thôn, xã nơi trồng sâm nhằm xác định nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Mạnh, chính vì được kiểm định chặt chẽ nên các sản phẩm ở Phiên chợ sâm Ngọc Linh có chất lượng rất đảm bảo.

“Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng xúc tiến cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sâm Ngọc Linh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để khẳng định độ tin cậy cho khách hàng", ông Mạnh nói.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh tổ chức tại Tu Mơ Rông từ ngày 24/2 với 44 gian hàng của 32 doanh nghiệp, HTX, cơ sở trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, cùng các loại dược liệu khác và các sản phẩm đặc hữu trên địa bàn tham gia.

Giữ rừng là điều kiện tiên quyết, sống còn

Với hơn 1.200 ha đã trồng và hàng chục nghìn ha được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu khác, sâm Ngọc Linh đang có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đỉnh núi Ngọc Linh còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp, đây là tiềm năng để phát triển du lịch khám phá, kết hợp với thăm quan vườn sâm Ngọc Linh. Đây là loại hình du lịch có thể thu hút được nhiều du khách mà huyện Tu Mơ Rông đã và đang xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng.

Những cây sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi được trưng bày tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tuấn Anh.

Những cây sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi được trưng bày tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tuấn Anh.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh cho biết, rừng và sâm Ngọc Linh gắn với du lịch là lợi thế của Tu Mơ Rông. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại, mất rừng không thể phát triển sâm Ngọc linh và không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch.

“Làm sao phát triển được sâm Ngọc Linh để cung cấp ra thị trường thông qua con đường du lịch cần phải được ưu tiên. Ngoài ra, cần phải phát huy được chuỗi “kinh tế xanh” nhằm đưa người đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề cần được bàn thấu đáo, phải có giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược. Muốn vậy, phải có sự hỗ trợ từ các cấp để huyện Tu Mơ Rông thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Kon Tum thành trung tâm dược liệu cả nước”, ông Mạnh khẳng định.

Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho rằng, cần phải xác định sâm Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông là mục tiêu phát triển để góp phần cải thiện nền kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Muốn vậy, cần phải xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Cũng theo ông Long, Kon Tum cần tổ chức liên kết vùng trong việc phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để trở thành sẩn xuất hàng hóa giá trị cao và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm trên thị trường.

Ở góc độ địa phương, người dân phải có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, thương hiệu đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.

Rất nhiều du khách chiêm ngưỡng những củ sâm Ngọc Linh chất lượng cao tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tuấn Anh.

Rất nhiều du khách chiêm ngưỡng những củ sâm Ngọc Linh chất lượng cao tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tuấn Anh.

Về việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc hữu, ông Long cho rằng, cần thiết phải đánh giá thật cụ thể về các sản phẩm đặc sản của địa phương để biết được tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển thành hàng hóa, giá trị kinh tế, giá trị tinh thần… Từ đó, tiến tới công bố danh mục các sản phẩm đặc sản của huyện Tu Mơ Rông nhằm giúp người tiêu dùng định hướng được sự lựa chọn của mình khi đến Kon Tum.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ để phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến và khoa học công nghệ; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu và sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, Kon Tum cần chú trọng mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi khép kín từ bảo quản, đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ thông thường đến cao cấp.

"Cần hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu và sâm Ngọc Linh công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại…

Đồng thời, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu. Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP về dược liệu, giữ vững và nâng cấp số sản phẩm chế biến từ dược liệu được công nhận sản phẩm OCOP, số sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia". 

(Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum).

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm