| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn, tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 25/07/2024 , 16:30 (GMT+7)

Thắt chặt kiểm soát dịch bệnh thông qua buôn bán, vận chuyển gia súc là mấu chốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

81 con lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy hôm 21/7. Ảnh: Đào Thanh.

81 con lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy hôm 21/7. Ảnh: Đào Thanh.

Tối 21/7/2024, tại Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công an huyện Hàm Yên, Đội Quản lý thị trường số 2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên tiến hành lập biên bản tạm giữ xe ô tô tải biển số 29F- 060.05 đi theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang do ông Nguyễn Hồng Phong, địa chỉ 28/28/70B HN Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội điều khiển.

Kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 81 con lợn thịt có trọng lượng khoảng từ 70kg đến 90kg, trong đó có 13 con đã chết. Số lợn này được mua của hộ dân ở xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Chủ của số lợn trên là ông Nguyễn Văn Tuân, địa chỉ ở thôn 9, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hồng Phong và ông Nguyễn Văn Tuân không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hàng hoá, giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật.

Ông Hà Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả, 3 mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Thái Hòa thực hiện xử lý vụ việc và tiêu huỷ số lợn 81 con lợn đã mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định.

Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử phạt hành chính số tiền 7 triệu đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được quy định tại Khoản 3, Điều 17, Nghị định số 90 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y và không để thất thoát số lợn nêu trên.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển lợn là vấn đề then chốt đảm bảo việc phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển lợn là vấn đề then chốt đảm bảo việc phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi diễn ra tại 13 xã, 29 thôn và 90 hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Chiêm Hóa và Na Hang của tỉnh Tuyên Quang, số lợn tiêu hủy là 517 con, trọng lượng 14.677kg.

Đến nay, đã có 2 xã Minh Hương, huyện Hàm Yên và xã Thượng Nông, huyện Na Hang đã công bố hết dịch. Có 4 xã Nhân Mục, Tân Thành (huyện Hàm Yên), Năng Khả (huyện Na Hang) và xã Kiên Đài (huyện Chiêm Hóa) công bố qua 21 ngày, chưa công bố hết dịch.

Số xã đang có dịch, chưa qua 21 ngày hồm 7 xã Phúc Yên, Thượng Lâm, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, thị trấn Na Hang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang và Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa.

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Chăn nuôi Thú Y, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, hiện nay dịch tả lợn Châu Phí đang diễn biến khá phức tạp tại các địa phương, do đó, cùng với việc chủ động vệ sinh tiêu độc khử trùng tại vùng có dịch, các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng chống dịch thì công tác kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn ra vào tỉnh cũng là rất cần thiết nhằm hạn chế đối đa các ổ dịch mới bùng phát gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo và giao trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn…

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động theo dõi nắm chắc tình hình kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y, các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là việc mua bán, vận chuyển lợn nghi mắc bệnh, lợn chết...

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.