| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn việc khai thác thủy sản theo kiểu hủy diệt

Thứ Ba 09/03/2021 , 13:15 (GMT+7)

Song song với xử lý vi phạm trên biển, lực lượng chức năng Hà Tĩnh tập trung ngăn chặn việc mua sắm loại ngư cụ bị cấm của các chủ tàu khai thác thủy sản.

Tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu là tàu nhỏ, khai thác vùng lộng nên việc ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản hủy diệt gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.Phùng.

Tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu là tàu nhỏ, khai thác vùng lộng nên việc ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản hủy diệt gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.Phùng.

Mặc dù đội tàu khai thác biển toàn tỉnh Hà Tĩnh có đến gần 3.700 chiếc, tuy nhiên số tàu hoạt động tại vùng lộng (chiều dài từ 12m đến dưới 15m) chỉ có 641 chiếc; tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi là 137 chiếc; còn lại 2.914 chiếc là loại tàu có chiều dài nhỏ hơn 12m (chiếm hơn 80% tổng số tàu), làm nghề lưới rê và nghề câu, hoạt động vùng biển ven bờ trong tỉnh. Việc tập trung khai thác ven bờ tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.

Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin, năm nay các loài hải sản như: ruốc biển, cá cháo, cá cơm, mực, sứa,… xuất hiện nhiều và sớm ở vùng biển Hà Tĩnh nên ngoài đội tàu trong tỉnh thì các đội tàu ngoại tỉnh tham gia khai thác trên vùng biển địa phương cũng tương đối lớn. Hiện đội tàu khai thác ven bờ đạt tỷ lệ từ 65 - 70%; tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt tỷ lệ từ 85 - 90%.

“Do việc đầu tư tàu cá công suất lớn vươn khơi hạn chế nên tình trạng khai thác thủy sản hủy diệt vẫn còn tồn tại, đặc biệt là đội tàu khai thác ven bờ và tàu cá ngoại tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi…”, ông Thắng nói.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, theo ông Thắng, yếu tố nhận thức của ngư dân vẫn là quan trọng nhất. Nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện, xử lý thì chỉ bắt được phần “ngọn”, còn phần “rễ” vẫn còn đó. Hơn nữa, phương tiện, lực lượng, kinh phí dành cho việc thanh tra, kiểm tra như “muối bỏ biển” nên khó có thể kiểm soát được toàn diện các đội tàu.

Mặc dù lực lượng chức năng Hà Tĩnh rất 'mạnh tay' trong xử lý vi phạm khai thác thủy sản hủy diệt song thực trạng này vẫn xảy ra khá phổ biến ở đội tàu dã cào ngoại tỉnh. Ảnh: T.Phùng.

Mặc dù lực lượng chức năng Hà Tĩnh rất "mạnh tay" trong xử lý vi phạm khai thác thủy sản hủy diệt song thực trạng này vẫn xảy ra khá phổ biến ở đội tàu dã cào ngoại tỉnh. Ảnh: T.Phùng.

“Đến nay đã hơn 3 năm thủy sản Việt Nam bị “thẻ vàng”, nếu ngư dân không thay đổi thói quen khai thác hủy diệt, không khai báo theo quy định thì không những không gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị “thẻ đỏ”. Đến lúc đó, không ai khác chính ngư dân là những người phải gánh chịu thiệt hại nặng nề”, ông Nguyễn Tông Thắng kêu gọi cộng đồng ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấp hành nghiêm các quy định về khai thác biển.

Đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập được 67 tổ đội khai thác thủy sản trên biển với tổng số tàu cá là 413 chiếc, chủ yếu làm nghề câu, rê khơi; 2 nghiệp đoàn nghề cá/trên 400 đoàn viên tham gia và 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ/1.737 tàu cá tham gia.

Song song với giải pháp tuyên truyền, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương ven biển ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản hủy diệt tại gốc. Tức là, thông qua tin báo từ cơ sở hoặc tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử phạt nghiêm ngư dân mua sắm ngư lưới cụ cấm, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản.

“Thông qua đường dây nóng của Chi cục Thủy sản, bình quân mỗi năm chúng tôi phối hợp Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý từ 15 đến 20 vụ việc ngư dân các xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên); Thạch Kim (huyện Lộc Hà)… phạm tội mua bán, tàng trữ vật liệu cấm. Chính việc tịch thu ngư lưới cụ cấm, vật liệu nổ từ cơ sở đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền của cho Nhà nước”, ông Thắng nói thêm.

Một giải pháp khác Hà Tĩnh đang triển khai để cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là kiện toàn 12/15 Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ. Hiện các tổ này đang hoạt động cầm chừng, chưa có nhiều ràng buộc nên vẫn còn tình trạng các thành viên trong tổ vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Thời gian gần đây song song với tuần tra trên biển, Hà Tĩnh tăng cường ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ ngư lưới cụ cấm, xung điện, chất nổ ngay tại cơ sở. Ảnh: T.Phùng. 

Thời gian gần đây song song với tuần tra trên biển, Hà Tĩnh tăng cường ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ ngư lưới cụ cấm, xung điện, chất nổ ngay tại cơ sở. Ảnh: T.Phùng. 

Khi đã kiện toàn, giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các tổ đồng quản lý thì bản thân các thành viên trong tổ phải chấp hành nghiêm các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; đồng thời, hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời đội tàu ngoại tỉnh có hành vi vi phạm.  

Đối với hoạt động tại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà); Xuân Hội (Nghi Xuân), ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, nhìn chung, các chủ tàu, thuyền trưởng đã có ý thức trong việc khai báo thông tin khi cập cảng, rời cảng. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc thực hiện các quy định, hồ sơ tàu cá chưa đầy đủ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.