| Hotline: 0983.970.780

Ngăn dịch tả lợn Châu Phi bằng vacxin

Thứ Sáu 09/08/2024 , 16:01 (GMT+7)

LAI CHÂU Để ngăn dịch tả lợn Châu Phi lây lan, Lai Châu xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, đồng thời tăng cường phòng, chống và tiêm vacxin cho đàn lợn.

Mất trăm triệu đồng vì mua lợn về làm lý

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, tái phát tại một số địa phương của tỉnh Lai Châu. Ông Vàng Văn Chủ, bản Séo Làn Than, phường Quyết Tiến (TP Lai Châu) rầu rĩ, giữa tháng 7 có mua một con lợn cắp nách về làm lý. Con lợn được nuôi nhốt riêng nhưng khoảng 1 tuần sau có biểu hiện mắc dịch tả. Sau đó, một số con trong đàn lợn chuẩn bị xuất bán của gia đình nhiễm bệnh. Đến ngày 23/7, gia đình ông phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 23 con, tổng trọng lượng hơn 1,4 tấn.

Cán bộ thú y đưa lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đi tiêu hủy. Ảnh: HĐ.

Cán bộ thú y đưa lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đi tiêu hủy. Ảnh: HĐ.

"Từ đầu năm, tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư làm chuồng và chăn nuôi lợn, đến giờ gần như mất trắng. Xót xa, nhưng vẫn phải báo chính chính quyền địa phương, cán bộ thú y thành phố khoanh vùng tiêu hủy, hướng dẫn cách khử trùng tránh mầm bệnh tiềm ẩn", ông Vàng Văn Chủ nói.

Gia đình ông Chủ hiện còn 1 con lợn nái và 10 con lợn con nhưng cũng bắt đầu bỏ ăn, sốt, cán bộ thú y đã kiểm tra chuẩn bị cho tiêu hủy. Ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Cũng tại phường Quyết Tiến, gia đình ông Nông Văn Biên ở bản Nậm Loỏng 3 đã phải tiêu hủy trên 1,3 tấn lợn do lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi. Chuồng lợn trống không khiến ông không khỏi xót ruột nhưng chỉ có cách tiêu hủy, khử trùng tiêu độc, mới có cơ hội khôi phục được đàn.

"Khu chăn nuôi của gia đình tôi rất tách biệt, ít người qua lại, chủ động nguồn thức ăn nên chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh cho đàn lợn. Giá lợn hơi hiện khoảng 70.000 đồng/kg thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra làm thiệt hại hơn 100 triệu đồng", ông Nông Văn Biên cho hay.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu, đến 31/7/2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 8 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Tam Đường (xã Bản Hon, Sơn Bình), Sìn Hồ (Phăng Sô Lin, Pa Khóa và Ma Quai), Mường Tè (Thu Lũm, Bum Nưa) và thành phố Lai Châu (phường Quyết Tiến). Tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh này là 247 con lợn, trọng lượng 9.521kg.

Xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch

Mặc dù, số lượng đàn lợn của tỉnh hiện là 244.000 con. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh tả lợn Châu Phi có chiều hướng gia tăng, tỉnh đã liên tiếp chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu, nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn Châu Phi gia tăng là do mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và đường lây truyền dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát.

Phương thức chăn nuôi chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc giao thương buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật khó kiểm soát triệt để;

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Lai Châu hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng nuôi. Ảnh: HĐ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Lai Châu hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng nuôi. Ảnh: HĐ.

Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan. Trong khi, việc triển khai tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn địa bàn tỉnh còn hạn chế. Các hoạt động tái đàn, tăng đàn, vận chuyển con giống tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh.

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Lai Châu cho rằng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có thuốc đặc trị, do đó, tiêm phòng là biện pháp quan trọng đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Tuy nhiên, vacxin phòng dịch tả Châu Phi có giá khá cao 70.000 đồng/liều, đàn lợn phải xét nghiệm âm tính trước khi tiêm nên tốn kém cho người chăn nuôi. Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt trên 15%...

Để ngăn chặn bệnh tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

"UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giám sát, xử lý các ổ dịch ngay trong diện hẹp, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định...", ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo.

Trong đó, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, rà soát, thống kê tổng đàn lợn và số lượng lợn giống, lợn thịt, huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn theo quy định.

Đặc biệt, tổ chức tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thuộc diện tiêm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và nhà sản xuất tại các nơi đã, đang có dịch, có nguy cơ cao... nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng chống dịch cho đàn lợn...

Đối với Sở NN-PTNT Lai Châu, tổ chức kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh kịp thời, nhanh chóng, phối hợp xử lý, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, kiểm soát giết mổ...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.