Sáng 28/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với bà Mona Sur, Giám đốc ngành Môi trường, tài nguyên và Kinh tế biển của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn tới đại diện WB với những ủng hộ thiết thực đối với ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng.
Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực thủy sản với lợi thế về khai thác và nuôi biển. Để phát huy lợi thế này, Quyết định số 1445/QĐ -TTg ngày 16/8/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao ở tầm quốc tế.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 đặt ra là tổng sản lượng thủy sản đạt 9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD, và tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 6-8% trong giai đoạn 2020 - 2030.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ngành thủy sản vẫn còn lạc hậu. Dự án Phát triển thủy sản bền vững (SFDP) có thể đặt nền móng vững vàng cho cơ sở hạ tầng toàn ngành trong tương lai.
Chia sẻ về kết quả Dự án SFDP vay vốn WB và dự kiến kế hoạch triển khai trong thời gian tới, đại diện Ban quản lý dự án Nông nghiệp (Ban CPO Nông nghiệp) cho biết đã cố gắng đáp ứng tiến độ yêu cầu của Bộ NN-PTNT và WB. Mặc dù chưa được cấp vốn và trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải điều chỉnh, bổ sung quy mô đầu tư theo ý kiến địa phương và quy định của Chính phủ về một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Cụ thể, về tiến độ, Ban CPO Nông nghiệp đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi toàn Dự án và 7/7 tiểu dự án, gửi UBND 6 tỉnh tham gia dự án góp ý về quy mô các tiểu dự án. Đến tháng 8, dự kiến Ban CPO sẽ trình Bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thành xin ý kiến các cơ quan liên quan về báo cáo, khung chính sách bồi thường…
Ban CPO Nông nghiệp cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi là 118,51 triệu USD, trong đó vốn vay IBRD của WB là 83,6 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của IDH và WWF là 1,61 triệu USD và 33,4 triệu USD vốn đối ứng.
Với những tồn tại, vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án, Ban CPO đề xuất WB sớm hướng dẫn thủ tục điều chỉnh Đề xuất dự án viện trợ không hoàn lại GEF-8.
Ban CPO cũng đề nghị WB xây dựng thẩm định dự án và gửi Bộ NN-PTNT để tổ chức làm việc với các Bộ liên quan.
Ngoài ra, kiến nghị WB hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong nước, cử chuyên gia đồng hành cùng chuyên gia phía Việt Nam để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhanh và đồng bộ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ đôn đốc các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết để đáp ứng tiên độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn dự án. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đề nghị tỉnh Thái Bình và Kiên Giang khẩn trương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đối với tiểu dự án cảng cá Thụy Tân và tiểu dự án Trung tâm Nghề cá lớn Kiên Giang.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin, Bộ sẽ trực tiếp giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho việc nhận hỗ trợ vốn từ WB cho dự án.
Bà Mona Sur cho rằng, ngành thủy sản là ngành quan trọng và then chốt với nền kinh tế và đời sống người dân Việt Nam. Do vậy, WB cam kết sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Hành trình chuẩn bị cho dự án SFDP đã trải qua 6 năm, một hành trình dài cho quá trình chuẩn bị để thống nhất ý tưởng, trình ban lãnh đạo WB về dự án trong năm 2024”, bà Mona Sur phát biểu.
Đại diện WB bày tỏ vui mừng trước thông tin cập nhật về quá trình chuẩn bị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của Bộ NN-PTNT và các tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phê duyệt báo cáo để WB tiến hành các thủ tục thẩm định nội bộ và hoàn thành phê duyệt dự án vào cuối năm nay.
Phía WB khẳng định đã huy động mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ cho dự án chính. Với những khoảng trống và nội dung cần hỗ trợ, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để có thể xử lý và đưa ra giải pháp hợp lý.